Theo quy định của Pháp luật Việt Nam, Nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu thu lợi nhuận thông qua việc thành lập Công ty có vốn đầu tư nước ngoài (Công ty FDI), mua lại một công ty đã được thành lập tại Việt Nam (hoạt động M&A) hoặc tham gia Hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác trong nước (Hợp đồng BCC).
Để tiến hành hoạt động kinh doanh, Nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục cần thiết để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Giấy chứng nhận đầu tư sẽ được hiểu là Giấy chứng nhận thành lập công ty FDI tại Việt Nam, trong đó nêu rõ, mục tiêu hoạt động cũng như phạm vi hoạt động kinh doanh của Công ty FDI.
Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư có thể là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương hoặc Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao (Ví dụ khu công nghệ cao Hòa Lạc).
Để được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Nhà đầu tư nước ngoài cần phải chuẩn bị Dự án đầu tư để cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành xem xét và phê duyệt.
Dự án đầu tư được hiểu là những dự kiến của Nhà đầu tư về chi phí và thời hạn cần thiết để vận hành một hoạt động kinh doanh nhằm thu lợi nhuận. Dựa trên tính khả thi của Dự án đầu tư, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ ra quyết định có cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Nhà đầu tư nước ngoài hay không.
Theo kinh nghiệm thực tiễn từ các luật sư của S&B Law trong quá trình hỗ trợ các Nhà đầu tư nước ngoài tiến hành thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy rằng, các nhân tố sau đây sẽ có ảnh hưởng quyết định đến khả năng thành công của việc xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án đầu tư của Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam:
+ Vốn đầu tư: Mặc dù Pháp luật Việt Nam không quy định về mức vốn đầu tư tối thiểu để vận hành một dự án đầu tư, ngoại trừ những dự án đầu tư thuộc lĩnh vực có điều kiện như ngân hàng, tài chính, bất động sản, du lịch.v.v., vốn đầu tư có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xem xét khả năng cấp giấy Chứng nhận đầu tư. Theo đó, Nhà đầu tư phải chứng minh nguồn tài chính dự kiến cung ứng cho Dự án đầu tư tại Việt Nam phải đủ để trang trải cho các chi phí vận hành và phát triển hoạt động kinh doanh trong suốt thời hạn của Dự án.
+ Kinh nghiệm thực tế của Nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực liên quan: Yếu tố kinh nghiệm của Nhà đầu tư nước ngoài là một trong những yếu tố quan trọng thường được xem xét đến trong quá trình thẩm tra Dự án đầu tư. Thông thường, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quan điểm cởi mở hơn đối với những Nhà đầu tư nước ngoài là các công ty đã có một thời gian nhất định hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực tương ứng với hoạt động đầu tư dự kiến ở nước ngoài.
+ Địa điểm thực hiện dự án đầu tư (nơi đặt trụ sở của Công ty FDI tại Việt Nam) cũng là một vấn đề đặc biệt quan trọng. Chỉ có những dự án đầu tư có địa điểm thực hiện dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế và xã hội của địa phương mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Ví dụ quy hoạch khu sản xuất rượu, bia nước giải khát.
+ Vấn đề quy hoạch ngành nghề kinh doanh:Hiện tại, các ban ngành Việt Nam đều đề ra các quy hoạch về phát triển ngành kinh tế Việt Nam trong giai đoạn trung và dài hạn. Ví dụ, đối với các dự án sản xuất rượu, nhà đầu tư cũng cần phải nghiên cứu quy hoạch về sản xuất rượu của Việt Nam đến năm 2020 của Bộ Công Thương, xem Bộ Công Thương đã cấp phép hết sản lượng hay chưa?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc S&B Law.