Quy định về độ tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam

Nội dung bài viết

Nâng tuổi nghỉ hưu là xu thế phổ biến, tất yếu đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới để ứng phó với già hóa dân số và thiếu hụt lao động cũng như đảm bảo cân đối các quỹ an sinh xã hội.

Quy định về độ tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam

Tại Việt Nam, Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

Như vậy, hiện nay mỗi năm độ tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tăng lên, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ, vào năm 2024 độ tuổi nghỉ hưu của người lao động nam sẽ là 61 tuổi, lao động nữ sẽ là 56 tuổi 4 tháng.

Ngoài ra, đối với những người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc những người lao động sức khỏe yếu (bị suy giảm khả năng lao động) thì cũng có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường (nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 tuổi hoặc 10 tuổi tùy từng trường hợp).

Nhìn lại quy định tại Điều 187 của Bộ luật Lao động năm 2012, tuổi nghỉ hưu của người lao động được cố định ở mức: nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Có thể thấy, Bộ luật Lao động 2019 đã tăng độ tuổi nghỉ hưu đối với cả lao động nam và nữ so với quy định của pháp luật trước đây, đồng thời có lộ trình tăng dần tuổi nghỉ hưu qua các năm nhằm tránh việc phải điều chỉnh quá nhiều, đặc biệt là đối với nữ, gây tâm lý phản ứng trái chiều; bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội; sự thay đổi về quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam.

Tăng tuổi nghỉ hưu là phù hợp với điều kiện của nước ta khi bắt đầu bước qua thời kỳ “dân số vàng”. So sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có tuổi nghỉ hưu tương đối thấp trong khi lại có mức tuổi thọ khá cao. Đồng thời, khi tham khảo kinh nghiệm, thông lệ của các quốc gia trên thế giới, tuổi nghỉ hưu của các nước phổ biến là trên 60 đối với nữ, trên 62 đối với nam. Do vậy, việc Việt Nam lựa chọn lộ trình nâng độ tuổi nghỉ hưu như quy định tại Bộ luật Lao động hiện hành không chỉ phù hợp với xu thế chung của quốc tế mà còn đảm bảo thích ứng với quá trình già hóa dân số và nguy cơ thiếu hụt lao động trong tương lai.

Quy định về độ tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam
Quy định về độ tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam

Thực tế về độ tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam

Trên thực tế, không nhiều người lao động có thể làm việc đến độ tuổi hưởng lương hưu theo quy định hiện hành. Với họ, độ tuổi nghỉ hưu hiện nay là quá cao. Có người lo lắng về khoảng trống trước tuổi hưu khi người lao động ngoài 40 tuổi phải đối diện với nguy cơ mất việc, không được tuyển dụng. Nhiều lao động cũng lo ngại họ không thể làm hoặc chờ đủ tuổi để nhận lương hưu, khi sức khỏe giảm sút, không có nguồn thu nhập để tiếp tục đóng Bảo hiểm Xã hội. Mong muốn giảm tuổi nghỉ hưu là có thể hiểu được bởi họ muốn tuổi nghỉ hưu thấp để có thể nhận tiền lương hưu từ Quỹ Bảo hiểm xã hội sớm, nếu tiếp tục làm việc thì có phần thu nhập tăng thêm ngoài lương hưu. Doanh nghiệp thì đa phần không muốn sử dụng người lao động tuổi cao vì năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc không tương xứng với tiền lương họ phải trả mà muốn sử dụng lao động trẻ, khỏe.

Tuy nhiên, cả thực tiễn cũng như lý luận, việc quy định giảm độ tuổi nghỉ hưu là bất khả thi vì không có quốc gia nào trên thế giới giảm độ tuổi nghỉ hưu. Việc quy định tuổi nghỉ hưu phải

được đặt trong bài toán tổng thể về kinh tế, chính trị, xã hội và nhân khẩu học; được quyết định trên cơ sở những tính toán, dự báo khoa học về đặc điểm sinh học của nguồn nhân lực, môi trường sống-môi trường lao động, điều kiện kinh tế-xã hội và tài chính của Quỹ Bảo hiểm xã hội… với rất nhiều chỉ tiêu khác nhau.

Do vậy, để đảm bảo thực hiện chính sách tuổi nghỉ hưu có hiệu quả, Chính phủ cần điều chỉnh mức lương hưu thực hiện đồng bộ với các chính sách khác về thị trường lao động và an sinh xã hội một cách tổng thể, để người nghỉ hưu bảo đảm được giá trị sức mua của đồng tiền, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và quan trọng hơn phải bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Luật sư Hồng Duyên

Công ty luật SBLAW

Tham khảo thêm dịch vụ >> Tư vấn luật lao động và việc làm

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan