Quy định và điều kiện lắp đặt điện mặt trời

Nội dung bài viết

Nên sử dụng hợp đồng mua bán điện (PPA) hay hợp đồng cho thuê tại Việt Nam, vì sao?

Hợp đồng mua bán điện năng (Power Purchase Agreement - PPA):

Là hợp đồng giữa bên bán (nhà đầu tư) và bên mua điện (thường là Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN) về việc nhà đầu tư cung cấp điện từ dự án điện mặt trời cho bên mua với giá, sản lượng và thời hạn đã thỏa thuận. PPA thường được sử dụng cho các dự án quy mô lớn (> 1 MWp), nối lưới điện quốc gia và mang tính dài hạn.

- Hoạt động chính:

+ Nhà đầu tư xây dựng, vận hành dự án điện mặt trời và bán điện lên lưới quốc gia hoặc cho khách hàng là các doanh nghiệp lớn.

+ Hệ thống cần tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và được đấu nối với lưới điện quốc gia.

+ Giá điện được đàm phán giữa các bên, nhưng thường bị giới hạn bởi các quy định do Nhà nước hoặc EVN áp đặt.

- Ưu điểm:

+ Doanh thu từ việc bán điện ổn định, giúp đảm bảo hoàn vốn và lợi nhuận dài hạn.

+ Khả năng huy động vốn: các dự án PPA quy mô lớn dễ tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính.

- Nhược điểm:

+ Cơ chế giá FiT đã hết hiệu lực và giá mới chưa ban hành, gây khó khăn trong việc định giá.

+ Phụ thuộc vào EVN: EVN là đơn vị mua điện duy nhất trong các dự án nối lưới.

+ Thời gian hoàn vốn kéo dài.

+ Chi phí đấu nối cao, nhất là ở các khu vực lưới điện quá tải.

Hợp đồng cho thuê:

Là hợp đồng trong đó nhà đầu tư cung cấp hệ thống điện mặt trời (bao gồm việc lắp đặt, vận hành và bảo trì) cho bên thuê (doanh nghiệp, hộ gia đình) để đáp ứng nhu cầu điện nội bộ. Bên thuê trả phí thuê cố định hàng tháng hoặc dựa trên lượng điện tiêu thụ, thay vì mua toàn bộ hệ thống.

- Nhà đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại cơ sở của khách hàng.

+ Hệ thống thuộc sở hữu của nhà đầu tư.

+ Hệ thống không cần đấu nối lưới điện quốc gia, chỉ phục vụ nhu cầu nội bộ của khách hàng.

+ Khách hàng chỉ trả phí thuê, không phải đầu tư ban đầu, nhà đầu tư chịu trách nhiệm bảo trì hệ thống.

- Ưu điểm:

+ Dễ triển khai: không yêu cầu đấu nối lưới điện quốc gia, giảm thủ tục và chi phí, giúp doanh nghiệp/hộ gia đình dễ tiếp cận năng lượng mặt trời.

+ Đầu tư vừa phải, chỉ cần lắp đặt hệ thống áp mái và kết nối cục bộ.

+ Nhà đầu tư và bên thuê có thể tự thỏa thuận giá thuê, không phụ thuộc cơ chế giá của Nhà nước.

- Nhược điểm:

+ Phụ thuộc vào khả năng thanh toán và nhu cầu của khách hàng.

+ Chịu trách nhiệm bảo trì hệ thống trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng => chi phí bảo trì cao.

+ Quy mô hạn chế (thường < 1 MWp), phù hợp với dự án nhỏ hoặc trung bình, khó áp dụng cho dự án lớn.

Quy định và điều kiện lắp đặt điện mặt trời
Quy định và điều kiện lắp đặt điện mặt trời

Có bất kỳ hạn chế hoặc quy định nào liên quan đến việc lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà của các tòa nhà dân cư, thương mại hoặc công nghiệp không?

Theo Nghị định 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ:

Trước khi lắp đặt: Phải thông báo công suất, địa điểm lắp đặt đến Sở Công Thương và đơn vị điện lực địa phương và tuân thủ quy định của cơ quan quản lý xây dựng, phòng cháy chữa cháy.

Đối với hệ thống không đấu nối lưới điện quốc gia: Không giới hạn công suất và được miễn giấy phép hoạt động điện lực.

Đối với hệ thống có đấu nối lưới điện quốc gia:

●       Công suất dưới 100 kW: Chỉ cần thông báo.

●       Công suất từ 100 kW đến dưới 1.000 kW: Phải nộp hồ sơ thiết kế, thông báo đến Sở Công Thương và cơ quan điện lực.

●       Công suất từ 1.000 kW trở lên: Phải thực hiện thủ tục quy hoạch điện lực và cấp giấy phép hoạt động nếu bán điện dư thừa.

Hệ thống phải đảm bảo công suất phù hợp với mức tiêu thụ và hệ thống có công suất lắp đặt từ 100kW trở lên phải trang bị các thiết bị, phương tiện kết nối với hệ thống thu thập, giám sát, điều khiển theo yêu cầu kỹ thuật của EVN.

Ngoài ra, các hành vi trái quy định trong quá trình phát triển, vận hành điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ bao gồm:

1. Thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không đúng quy định tại Nghị định này.

2. Xây dựng, lắp đặt, vận hành công suất vượt quá công suất đã thông báo hoặc được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đối với điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia.

3. Không tuân thủ lệnh điều độ của các cấp điều độ hệ thống điện.

Quy trình và điều kiện để đấu nối với lưới điện quốc gia là gì? Giá được xác định như thế nào?

Thứ nhất, về quy trình và điều kiện để đấu nối với lưới điện quốc gia:

Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà có đấu nối với hệ thống điện quốc gia:

1. Hồ sơ đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ

2. Văn bản thống nhất của đơn vị điện lực địa phương

3. Đáp ứng điều kiện công suất từ 1.000 kW trở lên

●       Trường hợp bán sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia thì công suất phải phù hợp với quy mô công suất được phân bổ phát triển tại địa phương trong quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch

●       Trường hợp không bán sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia thì đăng ký lắp đặt hệ thống thiết bị chống phát ngược điện vào hệ thống điện quốc gia.

Về quy trình, tổ chức, cá nhân đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối vào hệ thống điện quốc gia lập hồ sơ theo quy định tại Điều 10 Nghị định 135/2024/NĐ-CP và nộp theo một trong các hình thức sau:

1. Nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở cơ quan tiếp nhận hồ sơ (Sở Công Thương cấp tỉnh)

2. Gửi hồ sơ qua bưu điện

3. Trường hợp nộp hồ sơ qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, thực hiện theo hình thức dịch vụ công trực tuyến.

Sau đó, cơ quan tiếp nhận sẽ xử lý hồ sơ và trả kết quả. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký trong 10 ngày. Cuối cùng, cơ quan gửi hồ sơ đến đơn vị điện lực để kiểm tra tình trạng quá tải và phù hợp công suất và chờ phản hồi trong 7 ngày.

Thứ hai, về giá điện khi đấu nối lên lưới điện quốc gia:

Theo điểm b Khoản 7 Điều 8 Nghị định 135/2024/NĐ-CP quy định:

“Điều 8. Chính sách khuyến khích

7. Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thuộc quy mô công suất theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch và điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thuộc hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ có công suất dưới 100 kW nếu không dùng hết được bán điện dư lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế:

b) Giá mua bán điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia bằng giá điện năng thị trường điện bình quân trong năm trước liền kề do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố nhằm bảo đảm khuyến khích phù hợp trong từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia;”

Như vậy, giá điện dư khi đấu nối lên lưới điện quốc gia trong năm 2025 sẽ được tính theo giá điện năng thị trường điện bình quân năm 2024 do thị trường điện công bố. Từ tháng 10/2024, theo Điều 2 Quyết định số 2699/QĐ-BCT của Bộ Công thương, giá bán lẻ điện bình quân được quy định ở mức 2.103,1159 đồng/kWh.

Những quy định về môi trường cần lưu ý khi triển khai các dự án điện mặt trời?

- Quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường: Theo Nghị định 135/2024/NĐ-CP, các cơ quan/tổ chức đăng ký xây dựng, vận hành, lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ cần nộp hồ sơ gồm báo cáo đánh giá/kế hoạch bảo vệ môi trường, giấy phép về môi trường) làm căn cứ xác định công trình xây dựng đã được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.

- Quy định đối với các tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ:

Theo Thông tư số 18/2020/TT-BCT về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án ĐMT thì trách nhiệm của chủ đầu tư ĐMT phải thu gom, tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng và chịu trách nhiệm xử lý toàn bộ vật tư, thiết bị, chất thải phát sinh của các công trình ĐMT trong quá trình xây dựng; vận hành hoặc khi kết thúc dự án ĐMT nổi lưới, hệ thống ĐMT mái nhà theo đúng quy định của pháp luật về môi trường. Như vậy, trách nhiệm xử lý các tấm pin năng lượng mặt trời hỏng hóc, thải bỏ là của chủ đầu tư ĐMT.

Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường 2022 và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT cũng quy định các nhà sản xuất sản phẩm thuộc danh mục quy định phải thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam sau đó tổ chức xử lý sản phẩm thải bỏ đã thu hồi theo quy định về quản lý chất thải theo các hình thức như trực tiếp xử lý, chuyển giao cho các đơn vị xử lý chất thải trong nước có chức năng phù hợp, xuất khẩu ra nước ngoài để xử lý, tái sử dụng hoặc các hình thức khác theo quy định.

Các tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ được quản lý theo các quy định về quản lý chất thải. Theo đó, chủ nguồn thải có trách nhiệm phân định rác thải từ các tấm pin mặt trời theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại để quản lý cho phù hợp (QCVN 07-2009/BTNMT).

Hiện cơ quan quản lý khuyến khích các nhà đầu tư triển khai các dự án ĐMT, phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo và các nhà sản xuất, phân phối tiến hành thu hồi các tấm pin năng lượng sau khi hết hạn sử dụng để tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải.

Tham khảo thêm >> Tư vấn dự án hạ tầng, năng lượng

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan