Phòng dịch covid: Cần thiết xây dựng tòa án điện tử

Nội dung bài viết

Ngày 10 tháng 3 năm 2020 trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 02/2020/CT-CA về phòng, chống dịch Covid-19 trong hệ thống Toà án nhân dân.

Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Chánh án các Tòa án, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung sau:

- Thứ nhất, tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn của Bộ chính trị, Ban bí thư, Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 về công tác phòng chống dịch.

- Thứ hai, từ ngày ban hành Chỉ thị đến hết tháng 3 năm 2020, các Tòa án tập trung thực hiện tốt các yêu cầu sau đây:

  • Tạm dừng việc nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ và tiếp công dân trực tiếp tại trụ sở Tòa án. Tòa án thông báo, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình thông qua các phương thức khác như: Gửi đến Tòa án thông qua dịch vụ bưu chính; gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
  • Tạm dừng việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng và các tài liệu, chứng cứ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân bằng phương thức trực tiếp mà thực hiện bằng các phương thức khác như: Qua dịch vụ bưu chính; qua phương tiện điện tử; qua các phương thức khác theo quy định của pháp luật tố tụng.
  • Tạm dừng mở các phiên tòa, phiên họp giải quyết; tạm dừng việc triệu tập đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân đến Tòa án đối với các vụ án, vụ việc đang còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng.

Trong thời gian tạm dừng xét xử, các Thẩm phán tập trung nghiên cứu hồ sơ để sau khi hết dịch sẽ bố trí lịch xét xử liên tục.

Trường hợp vụ án, vụ việc đã hết thời hạn giải quyết (kể cả thời gian gia hạn) và bắt buộc phải mở phiên tòa, phiên họp thì thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng nhưng phải thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

Khi bắt buộc phải mở phiên tòa, phiên họp thì chỉ triệu tập những người tham gia tố tụng tham dự phiên tòa, phiên họp. Tăng cường xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc bằng phương thức trực tuyến khi có đủ điều kiện.

- Thứ ba, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ người đến làm việc, giao dịch tại Tòa án. Yêu cầu, hướng dẫn họ phải đeo khẩu trang phòng dịch; đo thân nhiệt tại cổng bảo vệ; rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Bố trí phòng tiếp khách riêng. Hàng ngày thực hiện khử khuẩn, vệ sinh phòng tiếp khách, phòng xét xử. Không tiếp khách tại phòng làm việc. Người có nhu cầu làm việc với lãnh đạo, Thẩm phán phải đăng ký trước với Văn phòng hoặc Thư ký lãnh đạo, Thẩm phán.

Ngoài ra, Tòa án nhân dân tối cao cũng đưa ra những biện pháp để phòng dịch bệnh lây lan và cách giải quyết cho các trường hợp cụ thể để mọi người có thể biết cách xử lý nếu rơi vào trường hợp có liên quan. Chỉ thị trên tương đối cần thiết và đầy đủ để hạn chế tối đa sự lây lan của Covid-19.

Có thể thấy, vì sức khoẻ cộng đồng, việc ban hành chỉ thị là cần thiết, tuy nhiên, với tư cách là một luật sư tham gia các vụ án tranh tụng, có thể thấy việc này làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các luật sư và các khách hàng, nhiều vụ án, các đương sự đang rất muốn nộp đơn và giải quyết nhanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Với chỉ thị này và tình hình dịch bệnh chưa biết bao giờ kết thúc, việc các luật sư ngồi không, không có việc sẽ có thể ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động luật sư tranh tụng.

Một vấn đề đặt ra, đó là trong thời gian dịch bệnh này, nếu hệ thống toà án Việt Nam xây dựng được một toà án điện tử (eCourt) thì có thể, các công việc và các vụ án sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Úc là một trong số các quốc gia đầu tiên trên thế giới ứng dụng thành công các eCourt tại một số cấp tòa. Trong hệ thống Tòa án Liên bang Úc, cho đến nay có Tòa án Liên bang Úc đã xây dựng và áp dụng eCourt vào thực tế giải quyết tranh chấp tại tòa này. Toà án Liên bang tại Úc hiện đang cung cấp trực tuyến các dịch vụ sau:

- eLodgment cho phép bất kỳ chủ thể nào, cho dù họ là những người hành nghề luật, các công ty luật, các doanh nghiệp hoặc các cá nhân, đều có thể gửi đơn kiện điện tử tới Tòa án Liên bang Úc và Tòa Sơ thẩm Liên bang Úc.

- Federal Law Search cho phép công chúng có thể tìm kiếm thông tin về các loại vụ việc cụ thể được giải quyết tại Tòa án Liên bang và vụ việc vi phạm luật Liên bang thuộc thẩm quyền của Tòa án sơ thẩm Liên bang.

- eCourtroom là một phòng xử án ảo được sử dụng trong việc quản lý và xem xét một số vấn đề trước khi đưa ra xét xử trước Tòa án Liên bang Úc hoặc Tòa Sơ Thẩm Liên bang Úc. eCourtroom cho phép các bên của một vụ kiện tham gia vào một cuộc tranh luận trực tuyến về các vấn đề của vụ kiện.

- eCase Administration là dịch vụ được sử dụng bởi những người hành nghề luật hoặc các bên đương sự để liên hệ với nhân viên tòa án. Chỉ các bên liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ mới có quyền truy cập vào dịch vụ này và được giới hạn trong phạm vi những vấn đề liên quan đến vụ việc mà họ đang tham gia.

- Commonwealth Courts Portal– Cổng thông tin điện tử Tòa án cho phép các thành viên đã đăng ký có thể truy cập vào các tệp dữ liệu của Tòa án thông qua một giao diện web.

Hiện nay, trên thế giới, hệ thống Tòa án của một số quốc gia đã tiến hành và thành công trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của mình, ngoài hệ thống Tòa án của Úc còn có hệ thống Tòa án của Singapore, Malaysia, …

Như vậy, hệ thống này cho phép người dùng có thể nộp đơn khởi kiện cùng với những bằng chứng, giấy tờ liên quan đến Toà án vô cùng đơn giản và tiết kiệm thời gian. Hơn nữa, mọi người còn có thể theo dõi được nội dung, cách giải quyết vụ án.

Đặc biệt hơn là hệ thống này có thể thiết lập phòng xử án điện tử, hỗ trợ toà án xét xử vụ án trực tuyến. Sau khi xử lý xong vụ án, hệ thống còn giúp lưu trữ lại toàn bộ hồ sơ cũng như quá trình xử lý vụ án tránh tình trạng không đủ nơi lưu trữ hồ sơ hay thất lạc giấy tờ.

Nhìn kinh nghiệm xây dựng toà án điện tử ở nước ngoài, mới thấy, hiện nay, Việt Nam đang xây dựng chính quyền điện tử, nhưng đối với hệ thống toà án, việc áp dụng công nghệ vào hầu như là chưa có.

Tác giả bài viết này cũng đã làm việc với các thẩm phán và toà án, kinh nghiệm cho thấy rằng phần lớn các công việc tương tác với toà đều phải đến trực tiếp, gặp trực tiếp, đôi khi gửi văn bản đến toà vẫn phải qua email cá nhân của các thư ký toà hoặc email cá nhân của thẩm phán mà chưa có một hệ thống email thống nhất.

Các toà đều có các website giới thiệu hoạt động, tuy nhiên, việc truy cập vào những website này chỉ có những thông tin cơ bản, chưa hỗ trợ được cho các luật sư và giúp họ tương tác với toà án.

Vì vậy, việc xây dựng Tòa án điện tử tại Việt Nam là yêu cầu đúng đắn và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay không chỉ cho dịch bệnh covid mà còn cho những giai đoạn tiếp theo.

Trước mắt, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển thành công hệ thống Ecourt để xây dựng đề án về toà án điện tử.

Việc xây dựng Ecourt ở Việt Nam có thể hỗ trợ quá trình cải cách hệ thống toà án trong đó có việc xây dựng các toà án khu vực trong tương lai, các toà án sẽ không theo cấp hành chính như hiện nay.

Việc áp dụng Ecourt làm giảm chi phí đi lại cho người dân và các luật sư, thúc đẩy quá trình giải quyết án tồn đọng.

Một trong những hiệu quả nữa đó là giảm những tiêu cực của hệ thống toà án khi giữa đương sự và cán bộ toà án ít có sự gặp gỡ, tương tác.

Thời gian tới, các tòa án cần phải chú trọng tăng cường cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng các phần mềm ứng dụng để công khai minh bạch trình tự, thủ tục tại tòa, để người dân có thể liên hệ, truy cập tìm hiểu thông tin về quá trình giải quyết công việc của mình tại tòa án. Đồng thời tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, kiến nghị, phản ánh về các vấn đề liên quan đến hoạt động của tòa án.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan