Phòng chống tham nhũng: Chỉ Luật này thôi thì chưa đủ!

Nội dung bài viết

Trong bài "Phòng chống tham nhũng: Chỉ Luật này thôi thì chưa đủ!" đăng trên báo Một thế giới, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Nhiều chuyên gia cho rằng, để phòng, chống tham nhũng thì không chỉ dựa vào việc xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng mà còn cần hoàn thiện các luật chuyên ngành khác như Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu… vì các luật này đang rất nhiều kẽ hở.

Chống tham nhũng khu vực tư: Hợp lý, nhưng...

Kết luận số 10-KL/TW ngày 26.2.2016 của Bộ Chính trị yêu cầu từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước. Quán triệt tinh thần này, Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi do Chính phủ trình trước UBTV Quốc hội đã mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng này.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, phạm vi điều chỉnh mở rộng ra khu vực ngoài Nhà nước sẽ được thực hiện từng bước. Trong đợt trình lần đầu mở ra 4 đối tượng là: tổ chức xã hội; công ty đại chúng; tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư. Tuy nhiên, sau khi tính toán, cân nhắc, ban soạn thảo đã rút quỹ đầu tư bởi vì không phù hợp.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, đa số ý kiến UB Tư pháp tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị trong khi còn chưa làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước thì trước mắt chưa nên mở rộng phạm vi, mà tập trung nguồn lực làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước.

Đối với các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ khu vực ngoài nhà nước nếu đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi: Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra là tốt, tuy nhiên việc kê khai tài sản ở cán bộ, công chức có số lượng là rất nhiều, vì vậy nếu mở rộng ra khối tư nhân thì có làm tốt không, có khả thi hay không? Do đó, cần hết sức cân nhắc, thận trọng, phải có lộ trình, có những quy trình, thủ tục, đối tượng rõ ràng.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng việc phòng ngừa tham nhũng trong khu vực tư cũng hợp lý và phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng, phù hợp với các quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015 về tội phạm tham nhũng, tội phạm về chức vụ.

Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng không thể phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư như đối với khu vực công; không thể coi các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng… như cơ quan nhà nước và không thể coi người quản lý (chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, trưởng ban kiểm soát, kế toán trưởng) của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng như các “quan tham” để áp dụng chung Luật Phòng, chống tham nhũng và yêu cầu họ kê khai thu nhập, tài sản.

Cũng theo ông Vũ, đối với tài sản, thu nhập của người quản lý công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, đây là các tài sản tư nhân và cá nhân có quyền tạo lập, sở hữu tài sản hợp pháp.

Theo đó, việc kê khai, kiểm soát đã được thực hiện theo quy định pháp luật về thuế, chẳng hạn Luật Thuế thu nhập cá nhân, pháp luật về thuế cũng đã có các quy định về xử lý vi phạm đối với hành vi gian lận thuế, trốn thuế... Như vậy, nếu bắt buộc họ phải kê khai, kiểm soát theo Luật Phòng, chống tham nhũng nữa là không cần thiết, thậm chí là sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật.

Luật sư này cũng cho rằng, việc mở rộng đối tượng áp dụng sang khu vực tư như vừa nêu vừa làm cho luật này thiếu tính thống nhất vừa làm giảm đi tính tập trung và hiệu lực thực thi của luật, có thể không đạt được hiệu quả thực thi như mong muốn.

“Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật này sang khu vực tư sẽ làm phạm vi điều chỉnh của luật trở nên quá rộng, trong khi cơ chế thực thi đối với khu vực tư không rõ ràng, làm cho quy định của luật chỉ mang tính hình thức, nửa vời và chưa triệt để. Hơn nữa, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tham nhũng sang khu vực tư cũng có nguy cơ tạo ra sự lạm quyền, nhũng nhiễu”, ông Vũ nêu.

Cần hoàn thiện các luật chuyên ngành

Nói với Một Thế Giới, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, để chống tham nhũng không chỉ riêng việc xây dựng Luật PCTN mà còn cần hoàn thiện các luật chuyên ngành khác như Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu…

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SB Law nhận định, về cơ bản, Luật PCTN ngay từ khi xây dựng có thể nói là luật tiến bộ, theo sát công ước quốc tế về phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, không nên hy vọng Luật PCTN giải quyết được tất cả vấn đề, vì chống tham nhũng ở từng lĩnh vực còn phụ thuộc vào luật chuyên ngành mà hiện nay vẫn tồn tại những kẽ hở tạo cơ hội cho cán bộ, doanh nghiệp trục lợi.

Ví dụ, trong Luật Đất đai 2013, hiện tượng nhiều doanh nghiệp thu hồi đất nông nghiệp, bồi thường rẻ mạt, rồi sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng đất và bán với giá gấp nhiều lần. Đây là điều rất bất bình đẳng, quan chức, doanh nghiệp được lợi, đó là nguồn gốc của tham nhũng.

Ngoài ra, luật sư này cũng cho rằng, các quy định thu hồi đất để phục vụ mục đích quốc gia, công cộng tại Điều 62, nhất là tại khoản 3 điều này - các dự án có thu hồi đất do HĐND cấp tỉnh quyết cũng dễ bị lợi dụng.

“Doanh nghiệp ban đầu có thể lập dự án với mục đích để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng sau đó có thể sẽ xin chuyển đổi mục đích của dự án”, ông Hà nêu.

Luật sư này cũng cho hay, việc lập quy hoạch và kế hoạch phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, được lập từ tổng thể đến chi tiết và phải hỏi ý kiến của nhân dân… Tuy nhiên, các cấp thẩm quyền sửa đổi quy hoạch lại “bí mật” giúp nhiều doanh nghiệp lách luật. Việc đó tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp “đi đêm” với quan chức, tạo ra những quyết định sửa đổi quy hoạch có lợi cho doanh nghiệp.

Hoặc như trường hợp cổ phần hóa và chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng các doanh nghiệp không tính giá trị quyền sử dụng đất và giá trị quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp; tính giá trị doanh nghiệp chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước; khi cổ phần hóa không thực hiện đấu giá và niêm yết trên thì trường chứng khoán; thậm chí còn không thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách Nhà nước…

“Đó chính là nguyên nhân của thất thoát nhà nước, thiệt thòi cho dân và mang tới lợi ích cho quan chức có quyền quyết định đồng nghĩa với tiêu cực, tham nhũng”, ông Hà nêu.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, điều quan trọng là cần phải quyết tâm thực hiện một cách thực chất thì chống tham nhũng mới có kết quả.

ĐBQH Lê Thanh Vân nhấn mạnh, tham nhũng từ quyền lực mà ra, do đó cần phải sàng lọc, lựa chọn cán bộ để ngăn chặn ngay được từ đầu vào, không làm dụng quyền lực. Vấn đề này là gốc chứ không riêng gì chế tài đối với tài sản bất minh.

Nguồn: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/chinh-tri-c-93/phong-chong-tham-nhung-chi-luat-nay-thoi-thi-chua-du-85970.html

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan