Trong bài "Phơi rơm, thóc trên đường có thể bị phạt tù, nếu…" đăng trên báo An ninh thủ đô, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB LAW.
Câu hỏi:
Chồng tôi làm “xe ôm”. Cách đây không lâu trên đường chở khách về quê, do phải tránh đoạn đường phơi đầy rơm, thóc của các hộ dân ở gần đó, chồng tôi đã bị trượt ngã va vào cọc bê tông, vị khách ngồi trên xe đã tử vong ít giờ sau đó do vết thương khá nặng. Xin hỏi, trong trường hợp này chồng tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Trách nhiệm của người đã lấn chiếm đường phơi rơm, thóc? Lê Văn Dũng (Tuyên Quang)
Trả lời:
Theo Điều 202 Bộ luật Hình sự, một người chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ nếu như người đó vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác. Lỗi của người phạm tội là lỗi vô ý. Với trường hợp bạn nêu ra, nếu chồng bạn không vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, không có lỗi đối với hậu quả chết người thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Còn theo Điều 35 Luật Giao thông đường bộ, hành vi phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ là một trong những hành vi bị nghiêm cấm bởi chúng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao. Hành vi chiếm dụng lòng đường, lề đường để phơi thóc, lúa, rơm, rạ là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ với mức phạt tiền đối với cá nhân từ 100.000-200.000 đồng. Ngoài ra, người phơi rơm, thóc ra đường còn bị buộc phải thu dọn các vật cản, thu dọn những vật liệu, đồ vật chiếm dụng mặt đường và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Trường hợp vi phạm mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 203 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt là: Phạt tiền từ 5-30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Bên cạnh đó, người phơi rơm, thóc trên đường cũng sẽ phải bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự.