Trên báo An Ninh Thủ Đô có bài viết : "Phí trông giữ xe: Giá một đằng, thu một nẻo" có ý kiến của luật sư Nguyễn Thị Thu - Giám đốc điều hành công ty Luật SBLAW về việc xử lý với điểm trông giữ phượng tiện phá giá quy định
Mời quý vị xem chi tiết nội dung bài viết :
Mặc dù UBND thành phố Hà Nội đã có quy định về mức phí trông giữ phương tiện trên địa bàn, song hiện vẫn có khá nhiều điểm thu phí cao hơn nhiều lần so với quy định khiến không ít người dân mất tiền oan.
Số tiền trên vé và niêm yết trên bảng đều là 3.000 đồng/lượt nhưng thực tế lại thu phí
10.000 đồng/lượt
Phí cao nhưng vẫn phải gửi xe
Theo Quyết định 69/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc thu phí trông giữ xe đạp, xe máy trên địa bàn thành phố, các quận, các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, giá vé xe đạp được quy định ở mức 2.000 đồng/lượt vào ban ngày, 3.000 đồng/lượt vào ban đêm, gửi xe qua đêm là 4.000 đồng/ lượt. Đối với xe máy mức giá vé là 3.000 đồng/lượt vào ban ngày, 5.000 đồng/lượt vào ban đêm, giá gửi xe qua đêm là 7.000 đồng/lượt…
Quy định một đằng, song nhiều nơi vẫn thực hiện một nẻo. Có mặt tại điểm trông giữ xe máy ở chợ Đồng Xuân sáng 24-11, chúng tôi chứng kiến lượng khách ra vào khu vực này khá đông khiến một bãi xe phải nhanh chóng trưng biển “hết chỗ”. Bãi còn lại cũng gần như không còn chỗ trống, người mới vào phải đợi một vài xe bên trong đi ra. Tại bãi trông giữ xe này, tấm bảng niêm yết ghi rất rõ: “Xe đạp 2.000 đồng/lượt, xe máy 3.000 đồng/lượt. Quý khách trả tiền theo giá này, nếu chưa hài lòng hãy gọi điện thoại tới đường dây nóng”.
Kèm theo đó là 3 số điện thoại được đăng tải công khai. Tuy vậy, khi chúng tôi gửi xe và đưa 3.000 đồng trả phí, nhân viên trông giữ lạnh lùng cho biết: “10.000 đồng/lượt”. Chúng tôi thắc mắc: “Vé ghi có 3.000 đồng sao thu 10.000 đồng?” thì người này cười nhạt: “Gửi xe 3.000 đồng thì đợi đến… Tết. Không gửi thì mang nhanh xe ra chỗ khác để người sau còn vào”.
Rời chợ Đồng Xuân, chúng tôi đến một số điểm trông giữ xe tại phố Phủ Doãn. Nếu như điểm trông giữ xe của Bệnh viện Việt Đức thu 5.000 đồng/xe máy, thì những điểm trông giữ tự phát của một số quán cà phê đối diện cổng bệnh viện thu cao hơn từ 4-6 lần. Tuy vậy, không ít người dân vẫn phải miễn cưỡng móc hầu bao trả tiền do bãi xe bệnh viện đã kín chỗ. Anh Lương Văn Sinh ở đường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai - một người gửi xe tại đây cho biết, vì có người nhà đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức nên gần 1 tuần nay, mỗi ngày anh phải vào đây 2 lần.
Do bãi xe của bệnh viện luôn quá tải nên anh Sinh thường phải gửi xe tại một số hàng ăn, quán cà phê khu vực lân cận. “Lần thì tôi phải trả 20.000 đồng, lần thì 30.000 đồng/lượt. Tôi thắc mắc thì người trông giữ trả lời với thái độ rất khó chịu: “Thích thì gửi, không thích thì thôi. Muốn rẻ thì mang xe về nhà tự trông”. Không chỉ có tôi mà nhiều người khác vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Tôi không hiểu vì lý do gì các điểm trông giữ xe tự phát này hoạt động công khai, ngang nhiên “chặt chém” khách, thu phí quá giá quy định nhưng không bị cơ quan nào kiểm tra, xử phạt?” - anh Sinh đặt câu hỏi.
Thận trọng kẻo mất cả chì lẫn chài
Cũng trong khu vực phố cổ, tại khu vực phố Gia Ngư (đoạn gần chợ Hàng Bè cũ), do lượng khách hàng đến đây mua sắm rất đông nên xuất hiện khá nhiều điểm trông giữ xe tự phát. Là người đã từng gửi xe tại đây, chị Trần Lan Quỳnh ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa cho biết, sau khi gửi xe, người phụ nữ nhận trông xe thu 20.000 đồng/lượt, đồng thời đưa 1 chiếc vé làm bằng bìa carton, trên đó chỉ ghi số và một chữ ký khá sơ sài. Thu tiền của chị Quỳnh xong, người phụ nữ này dựng xe trên vỉa vè rồi bỏ đi đâu đó.
Sau một hồi mua sắm, chị Quỳnh quay lại thì thấy chiếc xe của mình vẫn dựng ở chỗ cũ, còn người trông xe thì mất hút. Qua 30 phút chờ đợi, chị Quỳnh đành tự dắt xe về mang theo cả chiếc vé. “Tôi không hiểu nếu bây giờ tôi quay lại mang vé đến đòi xe thì họ sẽ giải quyết như thế nào? Thu tiền giá đã cao, song việc trông giữ rất thiếu trách nhiệm. May là xe của tôi chưa bị… bốc hơi. Kiểu này tôi cạch đến già” - chị Quỳnh thở dài.
Mặc dù phí trông giữ xe ngày thường đã cao, song vào các ngày lễ Tết còn bị đội lên gấp nhiều lần. Nguyên nhân do thiếu điểm trông giữ, trong khi đó nhu cầu gửi phương tiện của người dân ngày càng tăng. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử phạt một số điểm trông giữ xe vi phạm về việc thu phí, sử dụng vỉa hè, lòng đường trái quy định, nhưng do lợi nhuận cao nên chỉ một thời gian ngắn hiện tượng này tái diễn.
Về vấn đề trên, Thiếu tá Vũ Quang Toản - Trưởng CAP Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Phản ánh của người dân về việc thu phí trông giữ xe quá giá quy định tại khu vực chợ Đồng Xuân là có cơ sở. Lý do dẫn đến tình trạng này là do điểm trông giữ xe tại đây luôn trong tình trạng quá tải, đặc biệt là vào giờ cao điểm, ngoài lượng người buôn bán tại chợ còn có khá đông du khách đến tham quan, mua sắm. Để phòng ngừa, CAP đã yêu cầu đơn vị chủ quản, đại diện người trông giữ xe tại đây đến trao đổi, ký cam kết không thu phí quá giá quy định. Bên cạnh đó, cảnh sát trật tự phường thường xuyên phối hợp với lực lượng tự quản chợ Đồng Xuân chốt trực tại chợ để kiểm tra tình hình trông giữ xe, đảm bảo ANTT tại đây. Với người dân đến gửi xe tại chợ, giá trông giữ xe đã được niêm yết trên bảng và thông báo công khai trên loa. Do vậy, nếu phát hiện vi phạm người dân cần gọi điện đến đường dây nóng hoặc báo với CAP để có căn cứ xử lý”.
Thời gian qua, vi phạm tại các bãi trông giữ xe ở Hà Nội trong việc thu phí không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân mà còn gây mất ANTT, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Để giải quyết triệt để vấn nạn này, cơ quan chức năng cần nhanh chóng kiểm tra và xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời kiên quyết thu hồi giấy phép đối với những điểm trông giữ xe không đảm bảo điều kiện theo quy định.
Về việc xử lý với điểm trông giữ phương tiện phá giá quy định, luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, giá dịch vụ trông giữ xe đã được UBND Hà Nội ban hành. Đối chiếu với văn bản này, điểm trông giữ nào thu phí cao hơn mức quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời phải trả lại cho khách hàng số tiền chênh lệch cao hơn mức quy định (hoặc sung công quỹ).
Để có căn cứ xử lý, người sử dụng dịch vụ khi phát hiện vi phạm cần nhanh chóng phản ánh tới cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, nhằm tránh rủi ro, người dân không nên gửi phương tiện ở các điểm trông giữ xe tự phát không được cấp phép, cần yêu cầu vé khi gửi xe vì đây được coi là một hợp đồng dân sự, là căn cứ để giải quyết các tranh chấp phát sinh (nếu có).