Phân tích chi tiết về Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi

Nội dung bài viết

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) vừa được Quốc hội cho ý kiến đã hoàn thiện thêm một bước quy định 9 nhóm hành vi bị cấm trong đấu thầu. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật sẽ tiếp tục hoàn thiện nội dung trên theo hướng chặt chẽ và bao quát toàn bộ các khâu trong hoạt động đấu thầu, tránh bỏ lọt hành vi vi phạm.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những góp ý liên quan đến Dự thảo Luật Đấu Thầu (sửa đổi) trên Kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam. Dưới đây là nội dung chi tiết: 

Câu 1: Đầu tiên, xin ông chia sẻ ngắn gọn về những kỳ vọng cho việc sửa đổi Luật đấu thầu lần này?

      Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 và tiếp tục xem xét tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Sau 10 năm thi hành, việc sửa đổi Luật Đấu thầu là cần thiết nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước.

      Việc sửa đổi Luật đấu thầu đang được kỳ vọng rất cao rằng sẽ khắc phục các lỗ hổng, quy định lạc hậu trước đây và bổ sung hoàn thiện thêm. Luật Đấu thầu 2013 chỉ có các quy định mang tính nguyên tắc về việc thực hiện đấu thầu qua mạng; quy trình chi tiết thực hiện đấu thầu qua mạng được giao cho Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chi tiết. Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy trình về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cho phù hợp phạm vi điều chỉnh của Luật, đồng thời rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, giảm các thủ tục hành chính không cần thiết trong đấu thầu; luật hóa các quy định về đấu thầu qua mạng nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này. Cụ thể những vấn đề, vướng mắc được kỳ vọng sẽ khắc phục trong thời gian tới như sau:
Đầu tiên, trong thực tế hiện nay đối với một hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư vẫn chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Đặc biệt, quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư chưa thống nhất, quy định về hình thức lựa chọn thầu, chỉ định thầu trong trường hợp đặc biệt còn thiếu cụ thể, chưa đáp ứng được điều kiện lựa chọn nhà thầu trong việc mua sắm đặc thù, hoặc mua sắm phòng chống dịch bệnh..
Tiếp theo, phương thức đánh giá chưa thực sự tạo ra cơ chế hiệu quả linh hoạt trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ công trình có chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu sử dụng, nhất là việc mua sắm hóa chất, sinh phẩm, vật tư trang thiết bị y tế. Ngoài ra, các quy định về đấu thầu còn thiếu quy định cụ thể về hồ sơ mời thầu trong khi đây là nội dung rất quan trọng, nếu quy định không chặt chẽ dẫn tới tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá, tạo sự cạnh tranh không bình đẳng, không lành mạnh trong quá trình tổ chức đấu thầu; một số quy định trong văn bản hướng dẫn thực thi luật chưa chặt chẽ, dẫn tới tình trạng tùy tiện trong phát hành hồ sơ mời thầu.

     Đồng thời, Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này cũng được kỳ vọng sẽ tạo sự đồng bộ, thống nhất và thuận tiện trong quá trình thực hiện công tác đấu thầu. Do thực tế một số quy định trong luật hiện hành đã gây ra nhiều khó khăn khi áp dụng trong thực tế bởi cần phải tuân thủ đồng thời các luật, nghị định trong hệ thống pháp luật; hoặc khó khăn trong lựa chọn áp dụng luật nào, nghị định nào khi các điều khoản của các luật, nghị định mâu thuẫn với nhau, dẫn đến nguy cơ nhầm lẫn trong thực thi; thậm chí bị lợi dụng do thiếu quy định rõ ràng.

Câu 2: Một trong ý kiến nhận được nhiều ý kiến với Luật đấu thầu sửa đổi là việc hiện đang quy định nhiều trường hợp chỉ định thầu. Theo ông thì quan điểm quy định chỉ định thầu là gì?

      Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm trong việc sửa đổi Luật Đấu thầu lần này là quy định về các trường hợp chỉ định thầu, làm sao để vừa tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện trong một số trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách, vừa bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, chặt chẽ, tránh lạm dụng hình thức đấu thầu này.
Chỉ định thầu là 01 trong 08 hình thức lựa chọn nhà thầu được quy định trong Luật Đấu thầu 2013, do thủ tục lựa chọn nhà thầu đơn giản và thời gian thực hiện ngắn nên nhiều chủ đầu tư mong muốn áp dụng hình thức này để đẩy nhanh tiến độ của gói thầu/dự án và giảm bớt rủi ro cho chủ đầu tư. Một số thay đổi đáng chú ý về quy định chỉ định thầu đó là Dự thảo Luật Đấu thầu đã loại bỏ một số trường hợp được chỉ định thầu đó là “Gói thầu xây dựng theo lệnh khẩn cấp theo quy định của pháp luật về xây dựng, gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn và gói thầu chỉ có một nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Và thêm một số trường hợp chỉ định thầy khác như: Gói thầu thực hiện các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay theo Nghị quyết của Quốc hội;
Việc quy định trường hợp chỉ định thầu như tại Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hoạt động đấu thầu, mua sắm trong trường hợp cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai..., Song song với đó, Dự thảo Luật cũng đã quy định điều kiện chặt chẽ khi áp dụng chỉ định thầu để bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lạm dụng. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu vẫn còn chưa hoàn thiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để rà soát, hoàn thiện các quy định về chỉ định thầu theo hướng áp dụng trong các trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách.

Câu 3: Các hành vi như thổi giá, thông thầu, chia nhỏ gói thầu là những điều dễ thấy trong các vụ án vi phạm pháp luật về đấu thầu. Vậy theo ông, luật sẽ cần phải bịt những lỗ hổng này như thế nào hoặc tăng cường sự giám sát cho việc lựa chọn nhà thầu ra sao để tránh tham nhũng, tiêu cực?

     Thời gian qua, tội phạm trong hoạt động đấu thầu diễn biến vô cùng phức tạp, xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực như: đầu tư xây dựng, giao thông, xây dựng, mua sắm công... Đặc biệt, ở cả lĩnh vực nhạy cảm, mang tính nhân văn cao như y tế, giáo dục, văn hóa... Các sai phạm này gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân. Cụ thể pháp luật đấu thầu hiện hành quy định một số trường hợp được chỉ định thầu như: gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách…
Tuy nhiên, đây lại chính là kẽ hở lớn nhất mà các đối tượng là cán bộ, công chức có quyền hạn trong công tác tổ chức đấu thầu lợi dụng, thông đồng móc ngoặc với các doanh nghiệp bên ngoài để thực hiện chỉ định thầu đối với các gói thầu cấp bách, đặc thù. Điều này có thể thấy rõ qua hàng loạt các vụ án nâng khống giá thiết bị vật tư y tế trong thời gian qua như vụ Việt Á, vụ CDC Hà Nội,... Thiết nghĩ, pháp luật về đấu thầu cần quy định cụ thể hơn các điều kiện, các trường hợp cụ thể được chỉ định thầu thay vì các điều khoản chung chung như “ gói thầu cấp bách, đặc thù”. Từ đó sẽ hạn chế được các trường hợp tham lũng, tiêu cực.
Ngoài ra hiện nay thực trạng lợi dụng quy định được chia tách hoặc gộp gói thầu diễn ra vô cùng phổ biến và phức tạp. Một số đối tượng đã cố tình chia nhỏ gói thầu nhằm mục đích đủ điều kiện hạn mức theo quy định để thực hiện chỉ định thầu. Hoặc ngược lại, các đối tượng gộp nhiều các gói thầu nhỏ khác nhau lại với nhau để tạo ra một gói thầu phức tạp đến mức chỉ một doanh nghiệp cụ thể mới có thể thực hiện và do đó có thể được sử dụng để tránh các thủ tục đấu thầu thực sự cạnh tranh. Việc hoàn thiện pháp luật bị kín kẽ hở là vô cùng cấp thiết.

      Tuy nhiên, dù pháp luật có kín kẽ đến mấy thì cũng rất khó để ngăn chặn hết được những đối tượng liều lĩnh, cố tình vi phạm pháp luật để thu lợi bất chính. Và nếu không kịp thời phát hiện và ngăn chặn thì Ngân sách Nhà nước sẽ vẫn bị thiệt hại. Do đó, để ngăn chặn những tiêu cực trong đấu thầu, mua sắm công, thời gian tới, song song với việc nhanh chóng sửa đổi bổ sung, hoàn thiện pháp luật nhằm bịt các lỗ hổng đang tạo điều kiện cho các đối tượng khai thác thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi, các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm sớm phát hiện và ngăn chặn hành vi tiêu cực. Theo đó, cần tăng cường các hoạt động giám sát của xã hội, của các tổ chức xã hội, …, đặc biệt giám sát của báo chí. Điều này sẽ góp phần bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong đấu thầu.

Câu 4. Một số điều cấm trong luật đấu thầu còn mơ hồ như quy định về việc cấm chủ đầu tư, bên mời thầu “Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, trừ “trường hợp cần thiết”. Tuy nhiên nội dung "trừ trường hợp cần thiết" này dễ bị lợi dụng. Cần có những sửa đổi thế nào để bịt lỗ hổng, chống thông thầu?

       Theo quy định tại điểm i, Khoản 6 Điều 89 Luật đấu thầu 2013 có quy định về một trong những hành vi bị cấm đối với hoạt động đấu thầu đó là: “Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế”. Tuy nhiên, theo Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đấu thầu mới đây đã có những thay đổi, bổ sung về điều khoản này như sau: “Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, trừ trường hợp quy định tại các khoản 3 và 4 Điều 44 của Luật này”.
Dẫn chiếu đến khoản 3 và 4 Điều 44 Dự thảo Luật này quy định:
“3. Đối với gói thầu mua sắm hàng hoá được tổ chức đấu thầu trong nước mà có ít nhất ba hãng sản xuất cho một mặt hàng xuất xứ trong nước đáp ứng về kỹ thuật, chất lượng, giá thì người có thẩm quyền quyết định việc yêu cầu nhà thầu chào hàng hoá xuất xứ trong nước đối với mặt hàng này.
4. Trường hợp cần thiết Hồ sơ mời thầu có thể quy định về xuất xứ của hàng hóa từ một số quốc gia, vùng lãnh thổ để đảm bảo mua được hàng hóa có chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu sử dụng”.

     Thiết nghĩ, quy định này chưa đủ rõ ràng và trao nhiều quyền cho bên mời thầu quyết định việc xác định xuất xứ của hàng hóa. Vì vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần điều chỉnh sửa đổi theo hướng có thể định lượng hơn, tránh các khái niệm mang tính chung chung khó hiểu, để tránh bị lạm dụng mà cần quy định cụ thể các điểu khoản để mọi người đều có thể dễ dàng hiểu và áp dụng một cách đồng loạt.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan