Ô tô, xe máy bủa vây buýt nhanh

Nội dung bài viết

Liên quan đến tuyến xe buýt nhanh (BRT) mới đi vào hoạt động, bài viết duới đây đăng trên báo An ninh thủ đô có trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thi Thu (Công ty luật SBLAW).

Mời quý vị đón đọc tại đây:

ANTD.VN - Sau mấy ngày chính thức đi vào vận hành, thời gian di chuyển của xe buýt nhanh (BRT) đang bị kéo dài do một số chủ phương tiện vẫn đi vào làn đường dành riêng cho BRT.

Với ưu điểm vốn đầu tư thấp, khả năng vận chuyển lớn, BRT được cho là giải pháp hiệu quả để giảm ùn tắc cho các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Thực tế vận hành của BRT mấy ngày qua tại Hà Nội cũng cho thấy rõ điều đó. Hầu hết người dân khi đi xe buýt nhanh đều hài lòng về chất dịch vụ tốt, xe sạch sẽ hiện đại, dễ dàng tiếp cận, song còn tỏ ra lo ngại về sự thiếu ý thức của một số chủ phương tiện đã cản trở sự lưu thông của BRT.

Vô tư đi vào đường xe buýt

Ngay trong ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch, sáng 3-1, chúng tôi có mặt tại trục đường Láng Hạ - Lê Văn Lương - nơi có làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh. Mật độ người và phương tiện trên tuyến đường này rất đông đúc.

Ngoài những người tham gia giao thông có ý thức chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, đi đúng làn đường, tốc độ quy định, tuân thủ nghiêm tín hiệu đèn và chỉ dẫn của cảnh sát giao thông thì tại một số đoạn đường vẫn còn một số chủ phương tiện ngang nhiên đi vào phần đường dành cho xe buýt nhanh. Đây là nguyên nhân khiến phương tiện này buộc phải giảm tốc độ, thậm chí còn bị chặn đầu, bủa vây giữa hàng chục xe máy, ô tô.

Trên cầu vượt Lê Văn Lương - Láng Hạ dù đã có biển cấm xe máy đi lên cầu từ 6h-9h nhưng nhiều chủ phương tiện vẫn điều khiển xe đi lên cầu gây khó khăn cho việc di chuyển của xe buýt nhanh.

Là người đã di chuyển bằng xe buýt nhanh tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa mấy ngày qua, anh Vũ Văn Chương ở đường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết là dù phần đường dành riêng cho xe buýt nhanh đã được kẻ vạch, phân làn rõ ràng nhưng một vài người đi xe máy vẫn cố tình chen vào, ngang nhiên đi trước đầu xe buýt khiến tốc độ lưu thông của BRT bị chậm lại, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Hiện nay, tại làn đường dành cho xe buýt nhanh đều có biển cảnh báo, phía dưới có vạch sơn kẻ đường. Trong trường hợp xảy ra ùn tắc, người điều khiển giao thông có quyền cho các phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh để giải tỏa, giảm áp lực giao thông. Ngược lại, nếu các làn đường khác thông thoáng nhưng cá nhân vẫn cố tình đi vào làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh là vi phạm quy định.

Xử phạt thế nào?

Nghị định 46 /2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt nêu rõ, phạt tiền từ 800.000-1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe đi vào đường cấm, khu vực cấm. Ngoài ra, nếu người điều khiển xe máy không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà), dừng xe trên đường dành riêng cho xe buýt sẽ bị phạt từ 300.000-400.000 đồng. Trường hợp không chấp hành tín hiệu giao thông thì có thể phạt từ mức 1,2-2 triệu đồng.

Song, để có thể thực hiện nghiêm túc quy định trên, các cơ quan chức năng cần kẻ vạch sơn rõ ràng để các chủ phương tiện có thể nhận biết từ xa, đồng thời thường xuyên khảo sát, tính toán về làn đường dành cho các loại phương tiện một cách hợp lý, tránh trường hợp nơi quá vắng, chỗ lại quá đông đúc, ùn tắc - luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích.

Cũng theo luật sư Nguyễn Thị Thu, điều đáng nói là hiện nay, trong hệ thống quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông, xử lý vi phạm còn một số hạn chế. Hiện Luật Giao thông đường bộ chỉ quy định quyền và thứ tự ưu tiên của một số loại xe. Mặc dù xe buýt nhanh có biển báo riêng, có làn đường riêng nhưng quy định chưa cụ thể, rõ ràng.

Để việc khai thác xe buýt nhanh BRT đạt hiệu quả cao nhất, cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật, đồng thời điều chỉnh kịp thời những bất cập trên tuyến cho phù hợp với hạ tầng giao thông Hà Nội.

Sẽ áp dụng phạt "nguội"

Theo đánh giá của Phòng CSGT - CATP Hà Nội, dù các cơ quan chức năng đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi, song vẫn còn không ít phương tiện đi vào làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh. Nhiều lái xe còn cố tình cản trở hoạt động của xe buýt nhanh.

Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội CSGT số 3 cho biết: “ Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do ý thức kém của một bộ phận người tham gia giao thông. Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế cũng ảnh hưởng đến việc đi lại của xe buýt nhanh và các phương tiện khác. Trong ngày 3-1, chúng tôi tăng cường lực lượng tập trung hướng dẫn phương tiện, phân luồng giao thông tại các ngã tư, điểm giao cắt nơi có xe buýt nhanh đi qua. Trong những ngày đầu lực lượng CSGT không xử phạt mà chỉ tập trung nhắc nhở, tuyên truyền”.

Chỉ huy Phòng CSGT thông tin, trong thời gian tới, cùng với việc hướng dẫn, tuyên truyền, phân luồng phương tiện không đi vào làn đường dành cho xe buýt nhanh, lực lượng CSGT áp dụng các biện pháp xử phạt đối với những phương tiện vi phạm. Có hai hình thức xử phạt đó là phạt tại chỗ và phạt “nguội” qua hình ảnh camera.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan