Mặc dù chúng ta đã chính thức tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng dường như chí một số ít các chủ trang trại, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi tỏ ra lo lắng và có những bước chuẩn bị, còn lại hầu hết nông dân rất mơ hồ về việc này. Lý do nào khiến nông dân vẫn “bình chân như vại?” . Nông dân đang đứng ở đâu trên con đường hội nhập đó? Dưới góc nhìn pháp lý thì đâu là khó khăn lớn nhất của nông dân khi tham gia TTP?...TTV đã có cuộc trao đổi với thạc sỹ, luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW- Hà Nội) xung quanh vấn đề này.Theo luật sư Hà thì:
Ngay cả những chuyên gia kinh tế, chuyên gia nông nghiệp, chuyên gia pháp lý …để hiểu cặn kẽ về quy định của TTP cũng còn khó khăn chứ chưa nói đến nông dân. Nội dung của TTP, có những vấn đề liên quan đến thuế, có những vấn đề liên quan đến trao đổi hàng hóa, dịch vụ, các chuẩn mực, tiêu chuẩn khác nhau về môi trường, chất lượng lao động, luật lệ tài chính, thực phẩm và thuốc men; giải quyết tranh chấp… Cơ hội và thách thức của nông dân, các chủ trang trại, các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam khi tham gia Hiệp định TTP các chuyên gia kinh tế, các nhà nghiên cứu chiến lược nông nghiệp đã phân tích nhiều. Trong lĩnh vực của mình, tôi chỉ bàn đến khía cạnh pháp lý.
Khái niệm về Hiệp định TTP, trên bình diện pháp lý có thể hiểu nôm na là các thành viên tham gia ký kết thỏa thuận với nhau về các vấn đề liên quan đến thương mại. Những điều khoản quy định trong hiệp định buộc các thành viên tham gia ký kết phải thực hiện.
Khi tham gia TTP chúng ta được xuất khẩu sản phẩm sản phẩm nông nghiệp đến các nước thành viên, nhưng đồng thời sản phẩm nông nghiệp từ các nước thành viên cũng sẽ được nhập vào Việt Nam với thuế xuất nhập khẩu tiến tới bằng 0. Nhưng sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu phải đảm bảo quy định, quy chuẩn về chất lượng, kiểm dịch thực vật, dư lượng kháng sinh, mẫu mã, đóng gói, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…
Vậy dưới góc nhìn pháp lý thì đâu là khó khăn lớn nhất đối nông dân, các chủ trang trại khi chúng ta gia nhập TTP, thưa luật sư?
Như trên đã nói, bản chất của Hiệp định đó là những quy định mà các bên tham gia ký kết thỏa thuận thực hiện những quy định đó. Trong phạm vi bài viết này, không thể nêu hết được khó khăn mà nông dân phải đối mặt khi thực hiện những quy định của TTP mà chỉ nêu ra một vài quy định theo tôi đó là “rào cản” lớn nhất đối với nông dân, các chủ trang trại khi chúng ta tham gia TTP.
Thứ nhất: Biện pháp vệ sinh và kiểm dịch.
Đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người, do vậy Hiệp định dành hẳn 1 chương để quy định vấn đề này (Chương 7). Trên nguyên tắc “các Bên thừa nhận rằng việc công nhận sự tương đương các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch là một phương tiện quan trọng để tạo thuận lợi cho thương mại” (Khoản1, Điều 7.8). Điều này có thể hiểu biện pháp vệ sinh và kiểm dịch đối với nông sản xuất khẩu của chúng ta cũng phải tương đương với phía đối tác. Và tại Khoản 2, Điều 7.9 quy định rõ: “Mỗi Bên bảo đảm rằng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch của mình hoặc tuân thủ với các tiêu chuẩn quốc tế, hướng dẫn hay khuyến nghị có liên quan hoặc, trong trường hợp không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, hướng dẫn hay khuyến nghị, được dựa trên bằng chứng khoa học khách quan và có tài liệu dẫn chứng có liên quan một cách hợp lý đến các biện pháp”. Vậy nông dân, chủ trang trại của chúng ta có thể thực hiện được những biện pháp vệ sinh và kiểm dịch như các nước phát triển hoặc tuân thủ được các tiêu chuẩn quốc tế không? Ví dụ trái cây không được kiểm dịch và chiếu tia theo đúng quy định, đúng người được Hoa Kỳ chỉ định thì không thể xuất khẩu sang thị trường này.
Thứ hai: Hàng hóa xuất, nhập khẩu phải thực hiện “Quy tắc xuất xứ và thủ tục về xuất xứ” quy định tại Chương 3. Quy tắc này quy định hàng hóa nào được gọi là hàng hóa có xuất xứ (Điều 3.3); Tiêu chí nào được coi đó là hàng hóa có xuất xứ thuần túy ( Ví dụ: một loại thực vật hoặc hàng hóa thực vật được trồng, thu hoạch, hái hoặc tập trung trong lãnh thổ đó; một động vật sống được sinh ra và nuôi lớn trong lãnh thổ đó; một hàng hóa thu được từ nuôi trồng thủy sản trong lãnh thổ đó; cá, động vật có vỏ và các loài sinh vật biển khác đánh bắt từ biển, đáy biển…)…
Hàng hóa xuất, nhập khẩu phải thực hiện các “thủ tục xuất xứ”, trong đó có quy định về Giấy chứng nhận xuất xứ. Để có Giấy chứng nhận xuất xứ phải căn cứ vào những cơ sở được quy định tại Điều 3.21. Theo đó nông dân, chủ trang trại để có Giấy chứng nhận xuất xứ có thông tin về xuất xứ hàng hóa; Giấy chứng nhận xuất xứ có thể lập bởi nhà nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên nhà xuất khẩu hàng hóa chỉ lập Giấy chứng nhận xuất xứ khi nhà xuất khẩu có thông tin là hàng có xuất xứ; hoặc thông tin của nhà sản xuất rằng hàng hóa có xuất xứ có thể tin cậy được. Nhà nhập khẩu hàng hóa có thể lập Giấy chứng nhận xuất xứ khi (a) nhà nhập khẩu có tài liệu chứng minh hàng hóa có xuất xứ; hoặc tài liệu chứng minh hàng hóa có xuất xứ do nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất cung cấp có thể tin cậy được (một cách hợp lý).
Bên nhập khẩu có quyền yêu cầu cung cấp thông tin từ nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất hàng hoá; xác nhận trực tiếp tại cơ sở của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất hàng hoá; Bên xuất khẩu có quyền yêu cầu giấy chứng nhận xuất xứ cho một hàng hóa xuất khẩu từ lãnh thổ của mình phải: do một cơ quan có thẩm quyền cấp; hoặc do một nhà xuất khẩu được chấp thuận lập. Bên nhập khẩu có quyền xem một giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền cấp … Nhà sản xuất phải cung cấp tên, địa chỉ (bao gồm quốc gia), số điện thoại và địa chỉ e-mail..Cung cấp mô tả về hàng hóa và mã số…
Ngoài ra, nông sản xuất khẩu phải có nhãn mác, bao bì; nhãn hiệu đó phải tuân thủ các quy định tại Mục C (chương 18- Sở hữu trí tuệ), nhãn hiệu hàng hóa phải có tên nước, chỉ dẫn địa lý; …
Trong khi sản xuất nông nghiệp của chúng ta còn manh mún, nông dân còn thiếu kỹ năng cần thiết để tiếp cận với nền sản xuất tiên tiến thì những quy định nêu trên sẽ là một trở ngại rất lớn khi chúng ta tham gia TTP.
Theo luật sư, làm thế nào để gỡ được nút thắt này?
Lâu nay chúng ta đã có rất nhiều các cuộc hội thảo, hội nghị nói về cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp khi tham gia TTP, nhưng toàn những chuyện vĩ mô- “chém gió” nhiều quá. Thử hỏi một chủ trang trại chăn nuôi xem họ có biết thách thức đó cụ thể là gì không? Tất nhiên nông dân cũng cần phải biết TTP là gì. Nhưng điều đó không mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân. Tôi có cảm nhận trong dòng chảy tham gia TTP, nông dân vẫn còn đang rất chông chênh. Bởi vậy theo tôi những quy định của TTP cần được giải mã và chuyển tải đến nông dân rất cụ thể, chi tiết đến từng ngành sản xuất, từng người nông dân. Ví dụ phải nói với người trồng nhãn rằng rằng: để xuất khẩu nhãn sang Mỹ thì phải đáp ứng tiêu chuẩn gì? Chế độ chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc BVTV ra sao? bảo quản, đóng gói sau thu hoạch thế nào…thì trái nhãn đó mới được Mỹ chấp nhận. Phải hướng dẫn nông dân gia nhập TTP theo kiểu “cầm tay, chỉ việc” thì mới hiệu quả. Và để làm được việc này cần có sự dẫn dắt của Nhà nước.
Cảm ơn luật sư!
Lê Chiên (thực hiện)