Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW góp ý dự thảo luật quản lý thuế về việc sàn TMĐT kê khai thay và nộp thay
NỘI DUNG GÓP Ý CHO DỰ THẢO LUẬT QUẢN LÝ THUẾ SỬA ĐỔI
Khoản 5 Điều 6 Dự thảo Luật quy định:
Điều 6. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế
- Sửa đổi khoản 4 Điều 42 như sau:
“4. Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc uỷ quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc các nền tảng số thì tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến (bao gồm cả tổ chức trong nước và nước ngoài) hoặc các tổ chức khác có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số không thuộc đối tượng được khai thay, nộp thay thì có nghĩa vụ trực tiếp đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về các đối tượng, hồ sơ, thủ tục khai thuế, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.”
Theo quy định trên, các sàn giao dịch thương mại điện tử (sau đây gọi tắt là “sàn TMĐT”) phải khai thuế và nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT. Quy định như trên là không hợp lý và cần phải được loại bỏ hoặc sửa đổi, vì các lý do sau:
Đối với quy định khai thuế thay
1. Trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật về thuế
- Nghĩa vụ khai thuế, nộp thuế của từng chủ thể là vấn đề cơ bản, cốt lõi, đối với từng sắc thuế cần phải được quy định ở các luật thuế chuyên ngành tương ứng, không thể được tùy tiện quy định về việc kê khai, nộp thuế thay mọi loại thuế cho một chủ thể khác như quy định tại Dự thảo Luật;
- Khoản 2 Điều 17 Luật Quản lý thuế quy định Trách nhiệm của người nộp thuế là khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế.
- Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) quy định rõ người nộp thuế GTGT là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng (Điều 4).
- Theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ, sàn TMĐT là “website/ứng dụng thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó”. Do đó, quy định tại khoản 5 Điều 6 Dự thảo Luật là trái với Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), do sàn TMĐT không phải đối tượng thuộc 05 trường hợp tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập cho cá nhân quy định tại Điều 11, Điều 12, Điều 15, Điều 16, Điều 17 của Luật Thuế TNCN.[1] Do đó, việc buộc trách nhiệm cho các sàn TMĐT phải kê khai thay, nộp thuế thay cho người bán không phù hợp với quy định tại Điều 24 Luật Thuế TNCN, theo đó, việc nộp thuế của tổ chức chi trả thu nhập phải dựa trên cơ sở khấu trừ thu nhập mà họ trả cho đối tượng nộp thuế, khác hoàn toàn về bản chất với việc kê khai thay, nộp thuế thay.
- Ngoại trừ trường hợp nêu trên, các luật về thuế không có quy định về việc khai thuế thay cho chủ thể khác không có quan hệ của bên trả thu nhập và bên nhận thu nhập.[2]
2. Không phù hợp với thực tế
Phần lớn người bán trên sàn TMĐT hiện nay sử dụng đồng thời nhiều hình thức kinh doanh, kết hợp giữa bán hàng trực tiếp, bán hàng trên các trang mạng xã hội, cũng như hoạt động đồng thời trên nhiều sàn TMĐT. Do đó, một sàn TMĐT không thể có đầy đủ thông tin về toàn bộ hoạt động kinh doanh, cũng như toàn bộ giao dịch và thu nhập của người bán. Vì vậy, việc yêu cầu sàn TMĐT kê khai thuế thay cho người bán là không hợp lý và khả thi trên thực tế.
3. Trái với thông lệ quốc tế
Việc yêu cầu các sàn TMĐT kê khai thay, nộp thay thuế TNCN cho người bán là chưa có tiền lệ trên toàn thế giới. Mặc dù có trường hợp Các quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines), hay các nước như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan đều không có quy định yêu cầu các sàn TMĐT phải kê khai thay, nộp thuế TNCN thay cho người bán. Người bán tự chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ về thuế thu nhập của mình.
Đối với quy định nộp thuế thay
1. Không phù hợp với thực tế
- Pháp luật thuế của Việt Nam tương đối phức tạp, với nhiều mức thuế suất khác nhau áp dụng cho các nhóm sản phẩm và dịch vụ khác nhau. Việc xác định mức thuế suất của từng mặt hàng phải dựa vào việc kê khai của chủ thể kinh doanh là đối tượng nộp thuế (người bán), còn sàn TMĐT không thể tự động xác định và áp dụng. Hiện tại, có 3 mức thuế suất khác nhau:
- Đối với hàng hóa chịu thuế GTGT (GTGT 1%, TNCN 0.5%): 1.5%
- Đối với hàng hóa không chịu thuế GTGT (TNCN 0.5%): 0.5% (ví dụ nông sản, sách chính trị, giáo khoa, muối, phần mềm, hạt giống cây trồng...)
- Dịch vụ khác không bao thầu nguyên vật liệu (GTGT 5%, TNCN 2%): 7% (ví dụ dịch vụ ăn uống, dịch vụ thú y, lao động giúp việc, v.v.)
- Đa phần người bán trên Sàn sẽ thuộc mức thuế suất nhóm 1. Tuy nhiên vẫn có các trường hợp người bán bán mặt hàng thuộc nhóm (2) và (3).
- Ngoài ra: Cùng một chiếc ví bán trên sàn TMĐT, nếu người bán tự sản xuất và bán hàng thì áp dụng mức thuế suất GTGT là 3%, thuế TNCN là 1,5%; tuy nhiên, nếu người bán chỉ là bên phân phối thì áp dụng mức thuế suất GTGT là 1%, thuế TNCN là 0,5%.
- Luật Thuế GTGT chưa cho phép áp dụng cơ chế khấu trừ, quyết toán, hoàn thuế GTGT đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Như vậy, quy định như trong Dự thảo Luật là không khả thi, đặc biệt sẽ dẫn đến thiệt thòi cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong trường hợp nộp thừa thuế. Cần lưu ý rằng quy định này có thể tạo ra những bất bình đẳng và gánh nặng cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, vốn là những đối tượng yếu thế và dễ tổn thương trong nền kinh tế.
- Ngoài ra, theo quy định hiện nay, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu trong năm từ 100 triệu đồng trở xuống thì không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN (khoản 2 Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC). Phần lớn người bán trên sàn TMĐT hiện nay sử dụng đồng thời nhiều hình thức kinh doanh, kết hợp giữa bán hàng trực tiếp, bán hàng trên các trang mạng xã hội, cũng như hoạt động đồng thời trên nhiều sàn TMĐT. Do đó, một sàn TMĐT không thể xác định được thời điểm doanh thu người bán vượt trên 100 triệu đồng để bắt đầu tính thuế và khấu trừ nộp thuế.
- Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 45 Luật Quản lý thuế quy định “người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan quản lý thuế trực tiếp”, do vậy, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh sẽ phải kê khai và nộp thuế tại cơ quan thuế nơi họ đặt địa điểm kinh doanh. Trong khi đó, các sàn TMĐT có thể có địa điểm kinh doanh ở tỉnh khác (thường là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh). Vậy, việc yêu cầu các sàn TMĐT kê khai thay và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn sẽ dẫn đến mâu thuẫn với quy định hiện hành trong trường hợp cá nhân kinh doanh có trụ sở tại tỉnh khác. Điều này cũng gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho các sàn TMĐT và cá nhân kinh doanh trong việc chứng minh với cơ quan thuế về số thuế đã khấu trừ, nộp thay với cơ quan thuế tại địa phương.
2. Trái với thông lệ quốc tế
Việc yêu cầu các sàn TMĐT kê khai thay, nộp thay thuế TNCN cho người bán là chưa có tiền lệ ở trong các nước trong khu vực, cũng như trên toàn thế giới.
- Tại Trung Quốc: Luật TMĐT Trung Quốc (ban hành ngày 03/08/2018) quy định:
- Điều 11: Người bán trên Sàn thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật và được hưởng các ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật;
- Điều 14: Người bán phải phát hành hóa đơn giấy hoặc hóa đơn điện tử và các chứng từ mua hàng, chứng từ dịch vụ khác theo quy định của pháp luật;
- Tại Mỹ: Trên trang web dành cho người bán của Amazon cũng tuyên bố rõ ràng với người bán: “Bạn chịu trách nhiệm cho việc xác định các nghĩa vụ thuế của mình cùng với việc tính thuế, nộp thuế và báo cáo về tất cả các loại thuế thuộc nghĩa vụ của mình bất kể bạn có tham gia Dịch vụ Tính thuế của Amazon hay không”. Trong đó “Dịch vụ Tính thuế của Amazon” là dịch vụ dành cho “Các nhà bán hàng Chuyên nghiệp” (Professional Sellers), người có nghĩa vụ phải tính toán các loại thuế của mình. Dịch vụ này phải trả phí đăng ký hàng tháng. Amazon cũng tuyên bố: “Amazon không báo cáo hay nộp hộ cho người bán hàng các loại thuế cho bất cứ chính phủ nào. Người bán chịu trách nhiệm kể cả khi thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế hay báo cáo có liên quan đến phần Thuế Khấu trừ Thị trường hay Dịch vụ Tính thuế của Amazon”. Trong đó, “Thuế Khấu trừ Thị trường” là thuế “hàng hóa và dịch vụ” (GST) hay thuế GTGT áp dụng tại một số thị trường đối với hàng hóa nhập khẩu.
- Tại Đông Nam Á: các nước Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Đài Loan: Không có quy định yêu cầu bên thứ ba là các Sàn TMĐT phải kê khai thuế thay cho người bán. Người bán tự chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ về thuế. Một số nước có quy định yêu cầu các nền tảng khấu trừ và nộp cho cơ quan thuế số thuế VAT của người bán nước ngoài kinh doanh dịch vụ số (digital services). Những quy định này Việt Nam cũng đã có tại 80/2021/TT-BTC.
- Do đó, quy định như trong Dự thảo Luật là đi ngược với thông lệ quốc tế.
Về quy trình soạn thảo, ban hành quy định
- Cơ sở pháp lý của việc xây dựng Dự thảo Luật là Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ[3], giao các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát các văn bản pháp luật, nhất là các Luật thuế, nhằm tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách để “tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”. Thông báo số 386/TB-VPCP về “Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ hai của Ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật” cũng nêu rõ: “nguyên tắc rà soát, xử lý, cần tập trung vào những vấn đề cấp bách, thực sự cần thiết, tạo sự đột phá có tính kế thừa và phát triển đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động để bảo đảm khả thi, hiệu quả, công tâm, khách quan. Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với thiết kế công cụ để tăng cường thanh tra, kiểm tra; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; xóa bỏ cơ chế xin - cho; chống phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp”. Tuy nhiên, vấn đề thu thuế TMĐT như đang được đưa vào Dự thảo Luật không phải là một vấn đề khó khăn, vướng mắc cấp bách đối với các doanh nghiệp, mà ngược lại sẽ tạo thêm nhiều gánh nặng cho doanh nghiệp, gây ra nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai, do việc khai thuế thay, nộp thuế thay là một vấn đề rất phức tạp, nặng tính chuyên môn và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội. Do đó, việc sửa khoản 4 Điều 42 và khoản Luật Quản lý thuế đi ngược lại tinh thần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Nghị quyết 93/NQ-CP, và không nên được bao gồm trong lần sửa đổi Luật Quản lý thuế này.
- Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để đảm bảo tính khả thi của văn bản khi áp dụng trên thực tiễn, văn bản quy phạm pháp luật cần phải được tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các bên liên quan và đặc biệt là của đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng của chính sách. Trong trường hợp của quy định tại Dự thảo Luật, những đối tượng này bao gồm các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT, sàn giao dịch TMĐT và các “Tổ chức tại Việt Nam là đối tác của nhà cung cấp nền tảng số ở nước ngoài”. Riêng sàn giao dịch TMĐT, hiện có rất nhiều loại hình sàn TMĐT khác nhau như: sàn giao dịch hàng hóa, sàn mua bán, rao vặt, sàn du lịch trực tuyến, sàn giao dịch mua bán bất động sản, sàn gọi đồ ăn, giao hàng, vv...
- Dự thảo Luật có ảnh hưởng lớn đến quyền nghĩa vụ, lợi ích của người nộp thuế, liên quan đến nhiều ngành nghề (TMĐT, khoa học và công nghệ, ngân hàng, nội dung số, kinh doanh bán lẻ.), nên các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi Dự thảo Luật phải được lấy ý kiến. Tác động của việc sửa khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế cần được đánh giá một cách kỹ càng, tổng thể, đảm bảo quyền, nghĩa vụ và lợi ích của tất cả các bên, và vì vậy, việc sửa khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế không nên được bao gồm trong lần sửa đổi Luật Quản lý thuế này.
Đối với tác động của quy định
1. Tác động đối với doanh nghiệp sàn TMĐT trong nước
- Về mặt vận hành, việc kê khai thay, nộp thuế thay, về bản chất, chính là thu thuế thay cho cơ quan thuế. Đây là vấn đề nằm ngoài chuyên môn, lĩnh vực hoạt động chính của các sàn TMĐT nên sẽ tạo cho các sàn TMĐT gánh nặng rất lớn trong việc đầu tư và vận hành. Theo một khảo sát của Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào năm 2022, dự kiến, quy định kê khai, nộp thuế thay này đòi hỏi các sàn TMĐT phải đầu tư chi phí lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho việc thực thi. Khoản chi phí này đến từ các yêu cầu về vận hành, bao gồm bổ sung nhân sự chuyên môn, thay đổi cấu trúc tổ chức và vận hành, đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống, công nghệ, cơ sở dữ liệu[4]... nhằm phục vụ việc thực hiện trách nhiệm kê khai thay, nộp thuế thay cho Người bán thay vì tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh doanh.
- Những sàn TMĐT hoạt động trên nhiều thị trường trong khu vực và trên thế giới thường sẽ phải hạn chế đến mức thấp nhất việc thay đổi, chỉnh sửa ứng dụng theo yêu cầu riêng của từng quốc gia, vì mỗi thay đổi như vậy có khả năng ảnh hưởng tới tính năng, quy trình, vận hành của ứng dụng chung, ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng ở cả các quốc gia khác. Cùng với đó, độ phức tạp trong việc lên giải pháp, thiết kế sản phẩm cũng lớn hơn. Việc yêu cầu kê khai, nộp thuế thay, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân, qua sàn là chưa có tiền lệ ở các quốc gia khác, do đó, trở ngại sẽ rất lớn khi phải tác động, can thiệp sâu về mặt kỹ thuật đến các nền tảng mang tính quốc tế.
2. Tác động đến môi trường kinh doanh bình đẳng
- Hiện nay, ngoài việc buôn bán trên Sàn TMĐT, các thương nhân là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh còn thực hiện các hoạt động thương mại trên các nền tảng trực tuyến khác, ví dụ như các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo. Do việc quản lý hoạt động TMĐT trên các nền tảng mạng xã hội vẫn còn gặp nhiều bất cập, cơ quan thuế gần như hoàn toàn chưa thể thực hiện việc thu thuế đối với các hoạt động TMĐT trên những nền tảng như thế này.
- Việc yêu cầu các Sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến (bao gồm cả tổ chức trong nước và nước ngoài) hoặc các tổ chức khác có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ khiến cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh dần rời bỏ Sàn TMĐT và chuyển sang kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội, do họ phải đóng thuế khi kinh doanh trên Sàn TMĐT, trong khi họ lại không bị thu thuế khi kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội. Khi đó, các Sàn TMĐT sẽ phải chịu sự bất bình đẳng trong việc cạnh tranh và thu hút thương nhân lên kinh doanh trên Sàn của mình thay vì kinh doanh trên mạng xã hội. Việc này cũng sẽ khiến cho cơ quan thuế không nắm được thông tin về doanh thu của những hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh lựa chọn tập trung vào kinh doanh trên mạng xã hội thay vì trên Sàn, do các Sàn hiện đang phải cung cấp thông tin về doanh thu của về cơ quan thuế, trong khi bản thân các mạng xã hội cũng không nắm được thông tin này. Ngoài ra, điều này cũng có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội, do các cơ quan chức năng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát hàng lậu, hàng giả, hàng cấm trên mạng xã hội. Việc nhiều hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh lựa chọn giao dịch trên mạng xã hội cũng sẽ gia tăng tình trạng buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng hóa bị cấm, dẫn đến bất ổn trong xã hội. Đây là những tác động rất lớn đối với người dân và xã hội, và cần được đánh giá kỹ càng trước khi đưa ra quy định như trong Dự thảo Luật.
3. Tác động đến việc thực hiện thành công các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về TMĐT
- TMĐT là một trong những ngành mà quan điểm, chủ trương của Đảng ưu tiên có chính sách phát triển nhằm chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 theo Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các văn kiện Đại hội Đảng XIII tiếp tục khẳng định TMĐT đóng vai trò tích cực trong phát triển thương mại, dịch vụ, hoạt động bưu chính. TMĐT hiện chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại thị trường Việt Nam, với quy mô lên đến 25 tỷ USD.
- Trong thời gian qua, Bộ Công Thương và các đơn vị trực thuộc đang rất tích cực kêu gọi các sàn hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân địa phương lên sàn nhằm hỗ trợ tiêu thụ, mở rộng thị trường, tăng cường tiếp cận khách hàng cho đặc sản địa phương, thủ công mỹ nghệ, vv... hướng tới thực hiện các mục tiêu đưa TMĐT về nông thôn theo Kế hoạch tổng thể về phát triển TMĐT quốc gia 2021-2025 (Quyết định 645/TTg/2020 của Thủ tướng Chính phủ).
- Với quy định mới tại Dự thảo Luật, các chủ sở hữu nền tảng, sàn TMĐT thay vì tập trung nguồn lực con người, tài chính vào các hoạt động nghiên cứu, phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút người kinh doanh, người tiêu dùng tham gia thì sẽ phải đầu tư một nguồn lực đáng kể để thực hiện các nghĩa vụ về kê khai, khấu trừ, nộp thuế đối với khoản doanh thu không phải của mình (đó là chưa kể lượng thời gian đáng kể sẽ phải bỏ ra để giải quyết thắc mắc, khiếu nại). Đại đa số các nền tảng, sàn TMĐT vẫn đang hoạt động chưa có lợi nhuận, nay được yêu cầu đầu tư để thực hiện thay một số trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, thì điều này là thách thức lớn đối với ngành TMĐT. Hệ quả là, sự lo lắng, bất an từ nhà đầu tư do những thay đổi chính sách diễn ra quá nhanh và không thể dự đoán trước có thể dẫn đến tác động tiêu cực cho những nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế số và chuyển đổi số của Chính phủ và các bộ, ngành.
- Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế số và coi TMĐT như một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc ban hành những quy định gây khó khăn, nặng nề về vận hành đối với các sàn TMĐT, buộc cho họ những trách nhiệm không phải của mình (kê khai, nộp thuế thay) như trong Dự thảo Luật sẽ làm doanh nghiệp và các nhà đầu tư bất an, đẩy lùi sự phát triển, đi ngược lại với chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
[1] Luật Thuế TNCN quy định các trường hợp cá nhân, tổ chức trả thu nhập cho đối tượng nhận thu nhập bao gồm:
(i) Tổ chức, cá nhân chi trả tiền lương, tiền công (Điều 11);
(ii) Tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập từ đầu tư vốn (Điều 12);
(iii) Tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập do trúng thưởng (Điều 15)
(iv) Tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập từ tiền bản quyền (Điều 16)
(v) Tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập từ hoạt động nhượng quyền thương mại (Điều 17)
[2] Luật Quản lý thuế chỉ quy định đối với trường hợp khấu trừ, nộp thuế thay, không có quy định đối với việc khai thuế thay
[3] Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô
[4] Văn bản của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Nghị định 123/2020/NĐ-CP, Nghị định 15/2022/NĐ-CP về thuế, hóa đơn và chứng từ, truy cập tại website của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: https://vibonline.com.vn/bao_cao/vcci_gop-y-du-thao-nghi-dinh-sua-doi-nghi-dinh-126-2020-nd-cp-nghi-dinh-123-2020-nd-cp-nghi-dinh-15-2022-nd-cp-ve-thue-hoa-don-va-chung-tu
|