Những thông tin cần biết trước khi mở phòng chuẩn trị Y học Cổ truyền

Nội dung bài viết

Câu hỏi:

Tôi có bằng trung cấp y sĩ y học cổ truyền và chứng chỉ hành nghề được cấp ngày 12/09/2022 với thời gian hành nghề đủ 12 tháng. Hiện tại, tôi vẫn đang cập nhật kiến thức CME. Tôi muốn mở một quầy bán thuốc Đông y thành phẩm không kê đơn tại tỉnh Đồng Nai, đồng thời thực hiện thêm các dịch vụ châm cứu và bấm huyệt. Với trình độ và chứng chỉ hiện có, tôi có đủ điều kiện để mở quầy thuốc không? Nếu được, tôi cần đáp ứng những điều kiện nào? Việc thực hiện châm cứu, bấm huyệt tại cơ sở có cần giấy phép bổ sung hay không?

Trả lời:

1. Đông y và y học cổ truyền có gì khác nhau?

Khi nói đến Đông y, nhiều người nghĩ ngay đến những bài thuốc thảo dược, phương pháp châm cứu hay xoa bóp. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, khái niệm này không tồn tại độc lập mà được xem là một phần của y học cổ truyền.

Theo khoản 8 Điều 2 Luật Dược 2016 và khoản 2 Điều 1 Thông tư 44/2018/TT-BYT, thuốc Đông y được phân loại vào nhóm thuốc cổ truyền, bao gồm:

- Vị thuốc cổ truyền: Dược liệu thô chưa qua bào chế thành dạng thành phẩm.

- Thuốc cổ truyền thành phẩm: Đã được bào chế theo phương pháp truyền thống hoặc hiện đại, có thể ở dạng viên, nước, cao, bột,...

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, y học cổ truyền còn bao gồm các phương pháp châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, giúp điều trị bệnh và phục hồi chức năng. Do đó, khi muốn kinh doanh thuốc Đông y hoặc hành nghề châm cứu, bạn sẽ phải tuân thủ các quy định liên quan đến việc khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

2. Điều kiện mở quầy thuốc Đông y thành phẩm không kê đơn

Theo quy định tại khoản 5 Điều 31 Nghị định 54/2017/NĐ-CP và khoản 10 Điều 5 Nghị định 155/2018/NĐ-CP, để mở quầy thuốc Đông y thành phẩm (không kê đơn), cần đáp ứng các điều kiện sau:

- Về bằng cấp: Người chịu trách nhiệm chuyên môn phải có một trong các văn bằng phù hợp, trong đó có bằng trung cấp y sĩ y học cổ truyền. Điều kiện này bạn đã đáp ứng.

- Về cơ sở vật chất:

+        Quầy thuốc phải có địa điểm cố định, riêng biệt, chắc chắn, sạch sẽ, thoáng mát, cách xa nguồn ô nhiễm.

+        Cơ sở cần có khu vực bảo quản phù hợp để tránh ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.

+        Nếu kinh doanh dược liệu độc, phải có khu vực riêng và biển cảnh báo rõ ràng.

- Về thủ tục pháp lý:

+        Cần xin Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược tại Sở Y tế tỉnh Trà Vinh.

+        Hồ sơ gồm: đơn đề nghị cấp giấy phép, giấy đăng ký kinh doanh (nếu có), bản sao hợp lệ giấy phép hành nghề, danh mục cơ sở vật chất, danh sách nhân sự.

Với các quy định trên thì bạn đã đáp ứng điều kiện về trình độ chuyên môn để mở quầy thuốc Đông y, nhưng cần đảm bảo cơ sở vật chất đạt chuẩn và hoàn tất các thủ tục cấp phép theo quy định.

3. Điều kiện thực hiện châm cứu, bấm huyệt tại cơ sở

Châm cứu, bấm huyệt thuộc phạm vi khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Do đó theo khoản 1 Điều 48 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 để thực hiện dịch vụ này, bạn cần thành lập Phòng chẩn trị y học cổ truyền. Các điều kiện theo Điều 40, Điều 46 và Điều 52 Nghị định 96/2023/NĐ-CP gồm:

- Về nhân sự: Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải có giấy phép hành nghề y học cổ truyền, phải là người hành nghề toàn thời gian của cơ sở và có thời gian hành nghề ở phạm vi đó tối thiểu 36 tháng.

Vì vậy nếu bạn chỉ có 12 tháng kinh nghiệm, chưa đủ 36 tháng để tự mở phòng, cần hợp tác với bác sĩ y học cổ truyền, lương y hoặc người có bài thuốc gia truyền.

- Về cơ sở vật chất:

+        Địa điểm cố định, đảm bảo an toàn, vệ sinh, phòng cháy chữa cháy.

+        Có giường châm cứu, dụng cụ bấm huyệt, thiết bị xử lý vựng châm (chống sốc).

- Về thủ tục pháp lý:

+        Cần xin Giấy phép hoạt động phòng chẩn trị y học cổ truyền tại Sở Y tế tỉnh Trà Vinh.

+        Hồ sơ bao gồm: đơn đề nghị, bản sao giấy phép hành nghề, danh sách nhân sự, thiết bị y tế, chứng nhận cơ sở đáp ứng điều kiện khám chữa bệnh.

Dựa vào các quy định trên thì bạn có thể thực hiện châm cứu, bấm huyệt, nhưng cần xin giấy phép phòng chẩn trị y học cổ truyền. Nếu chưa đủ kinh nghiệm, bạn phải hợp tác với người đủ điều kiện để mở cơ sở hợp pháp.

4. Một số điểm lưu ý về chứng chỉ hành nghề

Từ ngày 01/01/2024, chứng chỉ hành nghề hiện tại của bạn vẫn có hiệu lực như giấy phép hành nghề, nhưng cần lưu ý thời hạn gia hạn. Theo khoản 3 Điều 143 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, từ năm 2030, tất cả giấy phép hành nghề sẽ có hiệu lực 5 năm/lần và nếu không gia hạn trước 2035, chứng chỉ của bạn sẽ hết hiệu lực.

Do đó, bạn cần theo dõi thời hạn hành nghề để có thể tự đứng tên kinh doanh. Đồng thời, cần gia hạn chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định để đảm bảo hoạt động lâu dài.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan