Tình hình thị trường vàng trước khi có Nghị định số 24/2012/NĐ-CP
Tại Việt Nam, vàng luôn là một tài sản tích trữ, thậm chí có những giai đoạn, vàng không chỉ là phương tiện tích trữ giá trị mà là phương tiện thanh toán ưa chuộng. Nhiều giao dịch giá trị lớn sẽ thường quy thành vàng khiến cho các cơ quan quản lý lo ngại tình trạng “vàng hóa nền kinh tế”. Điều này có thể gây nhiều hệ lụy, trong đó điển hình nhất là vấn đề bảo vệ giá trị đồng tiền, khiến người ta không tin tưởng vào giá trị đồng tiền nữa. Cùng với đó, dẫn đến việc không thể quản lý được vấn đề xuất nhập khẩu và ngoại hối, dẫn đến không quản lý được vấn đề tỷ giá...
Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP nhằm hạn chế tình trạng “vàng hóa” này. Việc ban hành kịp thời Nghị định này gần như đã kiểm soát được tình trạng bất ổn định trên thị trường vàng vào thời điểm đó và nghị định này cũng đã phát huy tác dụng khá tốt trong từ khi ban hành. Tuy nhiên, với tính biến đổi liên tục của thị trường, những quy định cũ đã dần bộc lộ bất cập trong bối cảnh mới. Với tình trạng nền kinh tế vĩ mô, quan hệ tài chính, tiền tệ, quan hệ quốc tế… đã có rất nhiều thay đổi.
Tình hình thị trường khi Nhà nước độc quyền trong quản lý vàng
Sau hơn 10 năm quản lý theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP, không thể phủ nhận tác động hiệu quả từ Nghị định này đã giúp Ngân hàng Nhà nước thực hiện mục tiêu chống “đô la hóa, vàng hóa”, thị trường tự điều tiết được cung - cầu. Đặc biệt, không còn tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng, tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế được ngăn chặn, vàng miếng không còn được sử dụng làm phương tiện thanh toán, ... Về cơ bản, những quy định điều tiết hoạt động kinh doanh vàng trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã bước đầu tạo lập được hành lang pháp lý cho hoạt động của thị trường vàng. Tuy nhiên, khuôn khổ này chỉ phù hợp với thị trường “bình lặng” của những năm 2015-2019, khi giá vàng trong nước tuy có tăng nhưng không có nhiều chênh lệch so với giá vàng thế giới.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Nhà nước là cơ quan độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước quản lý hoạt động xuất nhập khẩu vàng miếng, nhưng từ 2014, không cấp phép nhập khẩu vàng về để sản xuất vàng miếng. Từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành, Công ty SJC không được sản xuất vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước chỉ thuê Công ty gia công vàng miếng khi có nhu cầu và hoạt động này được thực hiện dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, khiến nguồn cung vàng nguyên liệu bị hạn chế, đẩy giá vàng SJC cao hơn so với các thương hiệu khác. Kéo theo đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất vàng cũng gặp khó khi tìm vàng nguyên liệu. Điều này cho thấy những bất cập của Nghị định 24/2012/NĐ-CP quản lý hoạt động kinh doanh vàng đang bộc lộ rõ nét trong thời gian hiện nay.
Kéo theo đó thị trường vàng cũng dần xuất hiện những bất cập. Nổi bật nhất là tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Việc chênh lệch giá vàng quốc tế với giá vàng trong nước quá lớn như vậy sẽ gây ra hậu quả không tốt cho thị trường. Khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch nhiều sẽ sinh lợi cho việc nhập lậu vàng và từ buôn lậu sẽ có thất thoát về ngoại tệ.
Thực tế người dân không được hưởng lợi khi phải mua với giá vàng trong nước rất cao và việc để chênh lệch như thế trong khi không cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu chính thống thì rõ ràng tạo điều kiện cho việc buôn lậu, không thể kiểm soát được. Bên cạnh đó, chính sách độc quyền vàng miếng, đã tạo vị thế cho vàng miếng SJC lên thế độc tôn, còn những thương hiệu vàng khác tự nhiên mất giá xuất. Dẫn đến tình trạng không bình đẳng giữa vàng miếng trong nước, dù chất lượng cùng 9999 như nhau nhưng vàng Nhà nước bảo hộ (vàng SJC) giá rất cao còn các vàng khác không được bảo hộ thì giá thấp.
Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia
Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của Trung Quốc
Tại Trung Quốc, hoạt động kinh doanh vàng được quản lý bởi đầu mối duy nhất là Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBOC). Trước năm 2001, Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng, PBOC độc quyền thị trường vàng trong nước. Tuy nhiên, việc PBOC độc quyền phân phối và kiểm soát giá khiến giao dịch trên thị trường bất ổn định, giá cả không tuân theo quy luật cung cầu, vàng nhập lậu tăng mạnh. Chính vì vậy, những năm gần đây, Trung Quốc đã từng bước tự do hoá thị trường vàng.
Về cơ bản, quá trình tự do hoá thị trường vàng của Trung Quốc thực hiện theo những giai đoạn: Xoá bỏ độc quyền kinh doanh vàng và kiểm soát giá, thành lập Sở giao dịch vàng Thượng Hải (SGE); Xoá bỏ dần cơ chế cấp phép sản xuất, bán buôn và bán lẻ vàng, cho phép cá nhân tham gia giao dịch vàng miếng; Xoá bỏ từng bước chế độ quản lý xuất nhập khẩu vàng.
Việc thành lập Sở giao dịch vàng Thượng Hải (SGE) đánh dấu sự chấm dứt cơ chế độc quyền đối với thị trường vàng của Trung Quốc. Năm 2006, PBOC cho phép nhà đầu tư cá nhân được phép giao dịch vàng miếng trên sở giao dịch SGE. Nhờ đó, vàng trở thành kênh đầu tư tài chính hấp dẫn cho các nhà đầu tư cá nhân. PBOC có cơ chế quản lý linh hoạt trong việc cho phép các đơn vị xuất hoặc nhập khẩu vàng khi có chênh lệch giá, đồng thời cũng cho phép các ngân hàng thương mại được cung cấp dịch vụ kinh doanh vàng tài khoản cho khách hàng cá nhân. Bên cạnh đó, PBOC cũng có thể trực tiếp mua bán can thiệp thị trường nhằm bình ổn giá, hạn chế tình trạng buôn lậu vàng.
Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng huy động vàng ở Ấn Độ
Có thể nói Ấn Độ là một trong những nước tiêu thụ vàng cũng như nhập khẩu vàng lớn trên thế giới bởi vàng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, tôn giáo và văn hóa của người Ấn Độ. Để quản lý vấn đề này, Ấn Độ thành lập thị trường giao dịch vàng qua Sở Giao dịch hàng hóa Ấn Độ (MCX) từ năm 2003. Từ tháng 3/2012 trở lại đây, chính phủ và Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) cũng đưa ra các quy định mới để tăng cường quản lý thị trường vàng, thậm chí kêu gọi người dân bớt “yêu” vàng, không mua vàng.
Tháng 2/2013, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) yêu cầu các ngân hàng hợp tác xã chỉ được phép cho vay thế chấp bằng vàng và không được phép cho vay mua vàng dưới mọi hình thức. Đầu tháng 5/2013, RBI quy định các ngân hàng được phép cho vay dựa trên tài sản đảm bảo là vàng trang sức và tiền xu vàng do ngân hàng đúc, nhưng không được phép cho vay để mua vàng dưới bất kỳ hình thức nào. Cho vay dựa trên đảm bảo bằng tiền xu vàng đối với mỗi khách hàng không được quá trọng lượng 50 gram vàng.
Có thể thấy nhiều điểm tương đồng trong các chính sách tăng cường quản lý thị trường vàng của Ấn Độ giống với Việt Nam, đó là cùng theo hướng siết chặt, cắt bỏ dần hoạt động cho vay bằng vàng, cho vay thế chấp bằng vàng, cũng như hạn chế việc nhập khẩu vàng.
Tuy nhiên, tại Ấn Độ, sự say mê giao dịch vàng vẫn được duy trì bất chấp các biện pháp từ chính phủ. Chính vì vậy để thu hút một phần khối lượng vàng của quốc gia do tư nhân nắm giữ, qua đó giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu vàng, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) cho phép các ngân hàng có đủ điều kiện được huy động và cho vay vàng. Các ngân hàng này khi được cho phép phải có cơ chế quản trị rủi ro thích hợp để phòng chống rủi ro biến động giá vàng và được phép tham gia vào các hợp đồng kỳ hạn ở Ấn Độ để bảo hiểm rủi ro. Đồng thời, các ngân hàng phải thiết lập hệ thống kế toán phù hợp, cơ chế kiểm tra, kiểm soát nội bộ và công bố thông tin bao quát các hoạt động liên quan đến vàng bao gồm cả huy động vàng.
Giải pháp cho thị trường vàng tại Việt Nam trong thời gian tới
Trong tình hình hiện nay, chúng ta rất cần có sự thay đổi về phương thức quản lý. Điều đầu tiên là phải thay đổi, sửa đổi quy định Nghị định số 24/2012/NĐ-CP để phù hợp với tình hình thị trường trên thực tế. Chẳng hạn, bây giờ không nhất thiết phải độc quyền Nhà nước về một thương hiệu vàng, hay nói cách khác Ngân hàng nhà nước chỉ nên đóng vai trò là nhà quản lý, giám sát chất lượng sản xuất vàng miếng thay vì giữ quyền sản xuất vàng miếng như hiện tại.
Đã đến lúc phải Nhà nước phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp có đủ năng lực, điều kiện sản xuất vàng trang sức một cách thuận lợi, có nguyên liệu chính thống để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, đảm bảo sự liên thông giữa thị trường trong nước và thế giới để hạn chế những bất cập trên thị trường trong nước hiện nay. Việc "mở cửa" cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi cung được tự do, được cạnh tranh bình đẳng thì người dân tiếp cận vàng tích lũy sẽ dễ dàng hơn, không còn tình trạng khan hiếm nữa.
Nhu cầu lưu trữ vàng của người dân trên thực tế không còn lớn như trước đây mà chủ yếu là nhu cầu đầu tư chiếm đa số. Do đó, việc giao dịch và đầu tư vàng nên được chuyển dần sang thị trường tài chính. Người mua và đầu tư vàng thường thực hiện giao dịch mua bán, nhưng vì không có phương tiện khác, nhu cầu này đều được đặt vào vàng vật chất, gây ra các chi phí và tăng cường nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu. Nếu có các công cụ giao dịch và đầu tư vàng phi vật chất, áp lực đối với thị trường vàng vật chất có thể giảm bớt.
Giải pháp phát triển thị trường vàng đó là thành lập Sàn giao dịch vàng và cho phép liên thông với thị trường vàng thế giới. Khi đó, vừa tạo điều kiện để người dân có nhu cầu đầu tư có thể tham gia mà không cần tích trữ vàng vật chất cũng như giúp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ được giữ ổn định và thu hẹp lại. Khi chúng ta có một Sàn giao dịch vàng sẽ khiến người dân dần thay đổi được tâm lý. Người dân sẽ không phải lo chuyện cất trữ vàng và vàng đấy sẽ được nằm trên thị trường, chứ nó không “đóng băng” trong két sắt của người dân. Điều này tạo điều kiện cho vàng được lưu thông trong thị trường, mua bán được từ đó tạo ra sinh lợi, tạo nguồn vốn đưa vào lưu thông, mang lại nhiều tác động tốt cho nền kinh tế cũng như đảm bảo lợi ích của mỗi người dân.
Việc phát triển thị trường vàng phi vật chất với các sản phẩm đa dạng và các công cụ phái sinh là phù hợp để điều hòa thị trường cân đối, có lợi cho người dân, mang lại hiệu quả cho nền kinh tế. Tuy nhiên, việc cho phép mở sàn giao dịch vàng kỳ hạn, phát hành chứng chỉ về vàng… này đòi hỏi phải có khung khổ pháp lý phù hợp và minh bạch.
Đọc thêm>>Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030