Câu hỏi:
Thưa luật sư, Công ty tôi đang tiến hành tái cấu trúc và có khả năng cao sẽ phải chấm dứt hợp đồng lao động với một nhân viên. Xin luật sư tư vấn cho tôi biết về những rủi ro pháp lý mà Công ty có thể gặp phải khi chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp này. Nếu Công ty không tuân thủ đúng quy trình, chúng tôi có thể phải đối mặt với những hậu quả nào?
Trả lời:
Trong trường hợp này, SB Law xin đưa ra tư vấn như sau:
Công ty có thể căn cứ vào quy định cho thôi việc khi thay đổi cơ cấu, công nghệ để chấm dứt hợp đồng với người lao động theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 Bộ luật lao động 2019.
Cụ thể trình tự, thủ tục thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động được thực hiện theo bốn bước sau:
- Bước 1: Xây dựng phương án sử dụng lao động.
- Bước 2: Tổ chức đối thoại tại nơi làm việc kết hợp với việc lấy ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở về Phương án sử dụng lao động.
- Bước 3: Thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và người lao động.
- Bước 4: Ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động và Giải quyết chế độ cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Nếu Công ty thực hiện việc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động không đúng và đầy đủ theo các quy định của pháp luật, Công ty có thể phải đối mặt với một số rủi ro sau:
Rủi ro bị người lao động khởi kiện
Trong trường hợp thực hiện theo phương án thay đổi cơ cấu mà chỉ ảnh hưởng tới 01 (một) người lao động có rủi ro bị xem là không hợp lý và là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Thông thường, khi tiến hành thay đổi cơ cấu thì công việc của nhiều người lao động sẽ bị ảnh hưởng, ví dụ bị điều chuyển công việc, thay đổi chỗ làm việc hoặc mất việc làm. Do đó, để phương án thay đổi cơ cấu được coi là hợp lý, Công ty cần cân nhắc sắp xếp lại các công việc của những người lao động khác trong phòng ban mà nhân viên Công ty dự định chấm dứt hợp đồng đang làm.
Rủi ro bị xử phạt vi phạm hành chính
Ngoài việc phải giải quyết tranh chấp trực tiếp với người lao động đó, Công ty có rủi ro bị thanh tra, kiểm tra bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể, người lao động có thể gửi đơn trình báo về “những hành vi không tuân thủ pháp luật” của Công ty đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khi đó Công ty có thể gánh chịu những hình thức xử phạt hành chính như sau:
i. Về thông báo khi chấm dứt hợp đồng lao động
Căn cứ Điều 12.1 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, Công ty có thể bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định của Bộ luật Lao động.
ii. Về giải quyết chế độ của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động
Căn cứ Điều 12.2 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, Công ty có thể bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền cho người lao động theo quy định của pháp luật khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật; không cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.
iii. Về quy trình chấm dứt hợp đồng lao động theo phương án thay đổi cơ cấu, công nghệ
Căn cứ Điều 12.2 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, Công ty có thể bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các hành vi sau đây:
a) Không trao đổi ý kiến trước với Công đoàn; không thông báo trước 30 ngày cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người lao động;
b) Lập phương án sử dụng lao động nhưng không đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định của pháp luật hoặc không trao đổi ý kiến với Công đoàn khi xây dựng phương án sử dụng lao động.
iv. Về thỏa ước lao động tập thể
Căn cứ Điều 16.1.a Nghị định 12/2022/NĐ-CP, Công ty có thể bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng do có hành vi không gửi thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính theo quy định.
v. Về nội quy lao động
Nếu Công ty chưa đăng ký nội quy lao động theo quy định của pháp luật. Căn cứ Điều 19.2.a Nghị định 12/2022/NĐ-CP, Công ty có thể bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký nội quy lao động theo quy định của pháp luật.
|