NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ GÓP VỐN TRONG LUẬT DOANH NGHIỆP NĂM 2020

Nội dung bài viết

Tạp chí Nghề luật thuộc Học viện tư pháp số tháng 2 năm 2021 có đăng bài viết của luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW với tiêu đề: NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ GÓP VỐN TRONG LUẬT DOANH NGHIỆP NĂM 2020.

SBLAW trân trọng giới thiệu nội dung bài viết:

Tóm tắt: Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17 tháng 06 năm 2020 (Sau đây gọi tắt là “Luật Doanh nghiệp 2020”) đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, thay thế hiệu lực của Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 (Sau đây gọi tắt là “Luật Doanh nghiệp 2014”). So với Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 được đánh giá có nhiều điểm mới so với Luật Doanh nghiệp 2014. Bài viết này tác giả sẽ phân tích cũng như chỉ ra những điểm mới về góp vốn được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể như: (i) tài sản góp vốn; (ii) vấn đề định giá tài sản góp vốn; (iii) thời hạn góp vốn trong Công ty TNHH hai thành viên trở lên; và (iv) bổ sung trường hợp không được góp vốn. Những quy định này được kỳ vọng sẽ tạo nên những thay đổi lớn trên thị trường, cả ở góc độ doanh nghiệp và quản lý nhà nước.

Từ khóa: Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Doanh nghiệp 2014, góp vốn.

Abstract: Law on Enterprises No. 59/2020/QH14 dated June 17, 2020 (Hereinafter referred to as “the Enterprise Law 2020”) has been passed by the National Assembly and will take effect from January 1, 2021, supersedes the effect of the Law on Enterprises No. 68/2014/QH13 dated November 26, 2014 (hereinafter referred to as “the Enterprise Law 2014”). Compared with the Enterprise Law 2014, the Enterprise Law 2020 is assessed to have many new points compared to the Enterprise Law 2014. This article, the author will analyze and point out new points about capital contribution as specified in Enterprise Law 2020, specifically: (i) assets contributed as capital; (ii) the issue of valuation of assets contributed as capital; (iii) the term of capital contribution in a two-member or multiple-member limited liability company; and (iv) supplement the case where capital contribution is not allowed. These regulations are expected to make big changes in the market, both from a corporate perspective and state management.

Keywords: Enterprise Law 2020, Enterprise Law 2014, capital contribution.

Tại kỳ họp thứ 9 vừa qua ngày 17 tháng 6 năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14, có có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 (Sau đây gọi tắt là “Luật Doanh nghiệp 2020”) và thay thế Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 (Sau đây gọi tắt là “Luật Doanh nghiệp 2014”). Do đó, để giúp các độc giả có thể kịp thời tiếp cận được với những thay đổi trong Luật Doanh nghiệp 2020, tác giả xin bình luận về những điểm mới về góp vốn trong Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:

Theo Luật Doanh nghiệp 2020, “Góp vốn” là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.

Trong đó, vốn điều lệ được định nghĩa là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần. Từ quy định trên có thể thấy, việc góp vốn được thực hiện trong hai thời điểm: Một là khi thành lập doanh nghiệp và hai là sau khi thành lập doanh nghiệp.

Những quy định về việc góp vốn trong Luật Doanh nghiệp 2020 đã có sự kế thừa các quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, bên cạnh đó cũng có một số điểm mới như sau:

Thứ nhất, về tài sản góp vốn.

Theo Luật Doanh nghiệp 2014, tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn.

Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều 34 mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.

Như vậy, so với quy định về tài sản góp vốn trong Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 đã thay đổi thuật ngữ “giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ” thành “quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ”.

Định nghĩa về tài sản được quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Theo đó, thuật ngữ “giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ” được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2014 được sử dụng không đúng và không thuộc bất cứ đối tượng nào được coi là tài sản. Sự thay đổi sang thuật ngữ “quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ” trong Luật Doanh nghiệp 2020 đã đúng bản chất của quyền tài sản - một trong những đối tượng được coi là tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015.

Quy định về tài sản góp vốn trong Luật Doanh nghiệp 2020 còn thay đổi từ “chỉ có tổ chức cá nhân là chủ sở hữu hợp pháp” sang “chỉ tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp. Chủ sở hữu hợp pháp ở đây được hiểu là những tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản. Tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp ở đây không phải là chủ sở hữu đối với tài sản nhưng được sử dụng tài sản theo thỏa thuận với chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật. Như vậy, Luật Doanh nghiệp 2020 đã mở rộng thêm đối tượng được sử dụng tài sản để góp vốn so với Luật Doanh nghiệp 2014.

Thứ hai, về vấn đề định giá tài sản góp vốn.

Khi tiến hành góp vốn trong doanh nghiệp, các bên cần xác định được giá trị của tài sản đem góp vốn. Theo đó, khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020 chia tài sản góp vốn thành hai nhóm sau:

Nhóm 01: Những tài sản không cần phải định giá bao gồm tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng.

Nhóm 02: Những tài sản phải định giá bao gồm tất cả các tài sản không nằm trong nhóm 01 nêu trên.

Việc định giá tài sản góp vốn được quy định cụ thể tại hai thời điểm như sau:

  • Khi thành lập doanh nghiệp:

Tài sản góp vốn phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.

Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

  • Trong quá trình hoạt động doanh nghiệp:

Tài sản góp vốn do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận.

Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

So với quy định về việc định giá tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định cụ thể tỷ lệ % số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận giá trị tài sản góp vốn trong trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá là “trên 50%” thay vì quy định chung chung như ở Luật Doanh nghiệp 2014 là “đa số”.

Thứ ba, quy định thời hạn góp vốn trong công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Theo Luật Doanh nghiệp 2020, khung thời gian góp vốn không thay đổi (tức là trong 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp). Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định rõ khoảng thời gian 90 ngày này sẽ không bao gồm thời gian mà tài sản đóng góp được vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản vào thời hạn này.

Quy định mới này có thể giúp nhà đầu tư tránh vi phạm quy định về thời hạn góp vốn do mất quá nhiều thời gian cho việc làm thủ tục nhập khẩu, vận chuyển, chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn. Tuy nhiên vấn đề là khi nào thì người góp vốn phải bắt đầu vận chuyển, nhập khẩu hay thực hiện thủ tục hành chính đó? Đặt ra thời hạn mà không có điểm bắt đầu thì khó mà xác định được khi nào mới hết khoảng thời gian đó. Và thật dễ tận dụng quy định này để kéo dài thời hạn góp vốn, chẳng hạn như đăng ký vốn góp bằng tiền thật nhỏ, bằng tài sản thật lớn.

Như vậy, vốn đăng ký thật lớn nhưng vốn thực góp trong ba tháng đầu có thể rất nhỏ. Hoặc đăng ký vốn ban đầu nhỏ, đăng ký vốn góp thêm lớn hơn vì Luật Doanh nghiệp 2020 không đặt ra thời hạn cho vốn góp thêm. Bên cạnh đó, sau thời gian 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nếu vẫn có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ phần vốn đã cam kết thì công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp. Theo quy định tại khoản 4 Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014 thì thời hạn này là 60 ngày.

Đồng thời, Luật Doanh nghiệp 2020 cũng khẳng định, người góp vốn trở thành thành viên công ty kể từ thời điểm đã thanh toán phần vốn góp và những thông tin về người góp vốn được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên. Đây là cũng một quy định mới so với Luật Doanh nghiệp 2014.

Thứ tư, Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung trường hợp không được góp vốn.

Luật Doanh nghiệp 2020 quy định tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:

(i) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

(ii) Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2018 người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.

Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:

(i) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

(i) Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Như vậy, so với Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung nhóm đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp, cụ thể là các đối tượng bị cấm theo Luật Phòng, chống tham nhũng. Qua đó, có thể thấy Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định chặt chẽ hơn các đối tượng có quyền góp vốn trong doanh nghiệp tại Việt Nam, đồng thời để tạo sự nhất quán giữa Luật Doanh nghiệp mới với Bộ luật Dân sự, Luật Phòng chống tham nhũng và Bộ luật Hình sự.

Nhìn chung, Luật Doanh nghiệp 2020 đã có những điểm sửa đổi tích cực về góp vốn trong doanh nghiệp và khắc phục những điểm hạn chế trong Luật Doanh nghiệp 2014. Các Nghị định của chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ tiếp tục giải thích những quy định còn chưa rõ trong Luật này.

Như vậy, Luật Doanh nghiệp 2020 đã kịp thời sửa đổi, bổ sung những điều khoản và quy định mới nhằm phù hợp hơn với thực tế đang diễn ra đối với doanh nghiệp, đồng thời, tháo gỡ những hạn chế, bất cập của Luật Doanh nghiệp 2014, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, phù hợp hơn với xu hướng toàn cầu. Tuy nhiên, để áp dụng các điều luật sao cho hiệu quả và an toàn, doanh nghiệp cần được hướng dẫn và lưu ý một cách kỹ lưỡng về các điều khoản, hệ quả pháp lý và các rủi ro có thể phát sinh.

Với những điểm mới đã nêu trên đây, tác giả mong rằng có thể giúp ích được phần nào cho các độc giả trong việc tiếp cận kịp thời những quy định mới về góp vốn của Luật Doanh nghiệp 2020, đảm bảo hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn và đạt hiệu quả. Đồng thời, góp phần cải cách thể chế kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh, phát huy nội lực trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài nhằm duy trì tăng trưởng, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Mời các bạn xem thêm phần tư vấn của luật sư SBLAW.

https://vi.sblaw.vn/tra-von-dau-tu-bang-tien-ve-cong-ty-me-khi-cong-ty-con-giai-the/

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan