1. Thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu để xuất khẩu ra nước ngoài
Thủ tướng Chính Phủ vừa ban hành Quyết định 20/2018/QĐ-TTg quy định việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là thuốc lá giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng và thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu đảm bảo chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài. Quyết định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/06/2018 và có hiệu lực đến hết ngày 15/06/2020. Trong thời hạn này, tạm dừng Quyết định số 2371/QĐ-TTg về việc tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập bị tịch thu.
Theo đó, Thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu đảm bảo chất lượng sẽ được thí điểm bán đấu giá để xuất khẩu ra nước ngoài. Việc đánh giá chất lượng thuốc lá được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền phối hợp với cơ quan chuyên môn về đánh giá chất lượng thực hiện. Sau đó, thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu đảm bảo chất lượng được thực hiện bán đấu giá để xuất khẩu ra nước ngoài tuân theo các nguyên tắc:
- Việc bán đấu giá tuân theo quy định về pháp luật đấu giá tài sản.
- Việc xuất khẩu phải thực hiện qua các cửa khẩu đường biển, đường thủy, đường hàng không mà không qua không được xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới đất liền và không xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới. Trường hợp quá cảnh qua các nước có chung đường biên giới thực hiện theo Hiệp định quá cảnh hàng hóa đã ký với các nước.
- Về thủ tục xuất khẩu tuân theo pháp luật hải quan
Như vậy, quyết định đã tạo hành lang pháp lý cụ thể, chặt chẽ để thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu đảm bảo chất lượng để sản xuất ra nước ngoài được bán đấu giá nhằm tái sử dụng đối với thuốc lá ngoại nhập lậu, tạo ra nguồn thu hợp lý và được quản lý theo quy định pháp luật nghiêm ngặt.
2. Tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư dự án PPP
Ngày 04/05/2018, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), theo đó so với quy định hiện hành thì tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong dự án PPP có những thay đổi sau:
- Đối với dự án tổng vốn đầu tư đến 1.5000 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư, theo qui định hiện hành là không được thấp hơn 15%, tức là tăng 5% so với quy định hiện hành.
- Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc:
+ Đối với phần vốn đến 1.5000 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%, tăng 5% so với quy định hiện hành.
+ Đối với phần vốn từ trên 1.5000 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10%.
Vốn góp của Nhà nước, vốn hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư không tính vào tổng vốn đầu tư để xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu.
Ngoài ra, chủ đầu tư theo hình thức đối tác công tư được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; Hàng hóa nhập khẩu để thực hiện dự án được hưởng ưu đãi theo quy định về thuế xuất, nhập khẩu. Chủ đầu tư còn được miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc được miễn, giảm tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án phù hợp với quy định về đất đai cùng các ưu đãi khác theo quy định hiện hành.
Nghị định 63/2018/NĐ-CP có hiệu lực ngày 19/6/2018 và thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015.
3. 6 điều kiện để nhà xây trái phép không bị tháo dỡ
Điều 79 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP có quy định không áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp tính theo tỷ lệ giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ. Để làm rõ quy định này, ngày 24/04/2018, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 03/2018/TT-BXD quy định chi tiết một số điều của nghị định số 139/2017/NĐ - CP ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Chính Phủ quy định xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật kiệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
Theo đó, từ ngày 15/01/2018, tổ chức, cá nhân xây nhà ở riêng lẻ sai nội dung giấy phép xây dựng; xây dựng không có giấy phép; xây dựng sai thiết kế, sai quy hoạch… không còn được nộp lại số lợi bất hợp pháp mà phải tháo dỡ công trình nhà ở vi phạm.
Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân nêu trên vẫn có thể được nộp lại số lợi bất hợp pháp để được cấp giấy phép hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng, thay vì phải tháo dỡ nếu đáp ứng đủ 06 điều kiện:
- Vi phạm xảy ra từ 04/01/2008 và kết thúc trước ngày 15/01/2018 nhưng sau ngày 15/01/2018 mới bị phát hiện hoặc bị phát hiện trước ngày 15/01/2018 và đã có biên bản xử phạt.
- Không vi phạm chỉ giới xây dựng
- Không ảnh hưởng các công trình lân cận
- Không có tranh chấp
- Xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp
- Nay phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, kể từ ngày 15/01/2018, cá nhân, tổ chức xây dựng nhà ở riêng lẻ có hành vi vi phạm thuộc trường hợp nêu trên được miễn áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 6 năm 2018, thay thế Thông tư số 02/2014/TT-BXD.
4. Từ 1/6, TP. Hồ Chí Minh tăng mạnh phí đỗ ô tô dưới lòng đường
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ áp dụng mức phí đỗ ô tô dưới lòng đường mới từ ngày 01/06/2018, theo Nghị quyết 01/2018/NQ – HĐND do Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành. Mức phí này tăng từ 4 - 8 lần so với trước đây.
Cụ thể, mức phí đỗ ô tô dưới lòng đường với ô tô đến 09 chỗ tại khu vực quận 1, quận 3, quận 5 từ 25.000 đồng/giờ - 35.000 đồng/giờ; tại khu vực quận 10 và quận 11 từ 20.000 đồng/giờ - 30.000 đồng/giờ.
Mức phí đỗ ô tô dưới lòng đường với ô tô từ 10 chỗ đến 16 chỗ tại khu vực quận 1, quận 3, quận 5 từ 30.000 đồng/giờ - 40.000 đồng/giờ; tại khu vực quận 10 và quận 11 từ 25.000 đồng/giờ - 35.000 đồng/giờ.
Ngoài ra, nếu đỗ xe ngoài khung giờ từ 6 giờ 00 đến 24 giờ 00 thì sẽ không thu phí các trường hợp đỗ xe này, đặc biệt quy định này áp dụng cho tất cả các tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện xe ô tô có sử dụng ứng dụng công nghệ thông minh trong việc quản lý đỗ xe và thu phí. Vì vậy, người đỗ xe thanh toán qua các hình thức: Nhắn tin trừ tiền trong tài khoản điện thoại, thẻ thanh toán quốc tế, thẻ thanh toán nội địa…, không sử dụng tiền mặt để thanh toán.
Còn đối tượng không sử dụng ứng dụng này thì không được phép đỗ xe dưới lòng đường mà phải để trong các bãi xe hoặc tầng hầm.
5. Những nhóm ngành nghề nông thôn được hỗ trợ phát triển.
Ngày 12/04/2018, Chính Phủ đã ban hành Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn.
Theo đó, 7 nhóm ngành nghề nông thôn được hỗ trợ phát triển:
1. Chế biến, bảo quản nông, lâm thủy sản.
2. Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
3. Xử lý, chế biện nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn.
4. Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ.
5. Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh.
6. Sản xuất muối.
7. Các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định các chính sách hỗ trợ mới:
- Xúc tiến thương mại: Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 50 triệu đồng/cơ sở và Chi 100% chi phí: Thuê mặt bằng trình diễn sản phẩm; tổ chức hội thi; ăn nghỉ trong hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam.
- Dự án phát triển ngành nghề nông thôn từ ngân sách trung ương: Mức hỗ trợ tối đa 50% nhưng không quá 500 triệu đồng/dự án.
Các nhóm ngành, nghề nêu trên được hỗ trợ mặt bằng sản xuất; ưu tiên vay vốn từ các tổ chức tín dụng; hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ về khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực…
Nghị định này có hiệu lực thi hành ngày 01/06/2018.
6. Hỗ trợ đến 90% phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nghèo, cận nghèo
Đây là một nội dung nổi bật được quy định tại Nghị định số 58/2018/NĐ – CP quy định về bảo hiểm nông nghiệp. Đây là quy định mới nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Có thể hiểu, Bảo hiểm nông nghiệp là loại hình bảo hiểm cho đối tượng sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, theo đó bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Theo đó, mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với các đối tượng là : Cây trồng (Lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau); Vật nuôi (Trâu, bò, lợn, gia cầm); Nuôi trồng thủy sản (Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra) được quy định như sau:
- Hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm đối với cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo;
- Hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm đối với:
+ Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo;
+ Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết tập trung, quy mô lớn, có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường.
Ngoài ra, Nghị định còn đưa ra quy định cụ thể đối với các rủi ro được bảo hiểm, cụ thể:
- Rủi ro thiên tai: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, mưa lớn, lũ, …( thiên tai phải được công bố và xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
- Rủi ro dịch bệnh:
+ Dịch bệnh động vật: bao gồm các loại dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản;
+ Dịch hại thực vât;
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 6 năm 2018.
7. Bán thức ăn chăn nuôi hết hạn, bị phạt đến 40 triệu đồng
Ngày 07/05/2018, Chính Phủ ban hành Nghị định số 64/2018/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
Theo đó, Nghị định này quy định như sau:
- Phạt từ 200.000 đồng - 40.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán thức ăn chăn nuôi, thủy sản hết hạn sử dụng, tùy theo giá trị của hàng hóa;
- Phạt từ 3.000.000 đồng – 5.000.000 đồng đối với cơ sở mua bán thức ăn chăn nuôi, thủy sản để chung thức ăn chăn nuôi, thủy sản với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoặc các hóa chất độc hại khác;
Ngoài ra, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị phạt đến 80.000.000 đồng:
- Từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng khi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS);
- Từ 70.000.000 đến 80.000.000 đồng khi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến mức truy cứu TNHS nhưng cơ quan tiến hành tố tụng có một trong các quyết định sau: Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự; quyết định đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ vụ án, nếu có hành vi vi phạm hành chính.
Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm của cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm gấp đôi mức phạt tiền cá nhân.
Nghị định 64/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 22/6/2018.
8. Điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người dưới 18 tuổi
Đây là một nội dung quan trọng được quy định tại Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 Bộ luật hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện. Theo đó, người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù sẽ được xem xét tha tù trước thời hạn nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Phạm tội lần đầu;
- Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và phải có đủ kỳ xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên theo quy định;
- Có nơi cư trú rõ ràng;
- Đã chấp hành được một phần ba thời hạn phạt tù (một số trường hợp khác phải chấp hành ít nhất được một phần hai thời hạn phạt tù);
- Không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 66 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ngoài ra, Nghị quyết còn quy định về điều kiện rút ngắn và mức rút ngắn thời gian thử thách.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 09/6/2018.
9. Số lượng và hạn mức cấp tín dụng của phòng giao dịch của ngân hàng hợp tác xã
Ngày 30/03/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 09/2018/TT-NHNN quy định về mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng là hợp tác xã, theo đó Thông tư có một số nội dung tiêu biểu sau:
Thứ nhất, về số lượng phòng giao dịch:
- Ngân hàng hợp tác xã được thành lập 01 chi nhánh trên địa bàn 01 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Trong 1 năm không được thành lập quá 05 chi nhánh ngân hàng hợp tác xã mới. Một chi nhánh không quản lý 03 phòng giao dịch
Thứ hai, về hạn mức cấp tín dụng của phòng giao dịch ngân hàng hợp tác xã:
Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của phòng giao dịch của ngân hàng hợp tác xã đối với một khách hàng không phải là quỹ tín dụng nhân dân thành viên không được vượt quá 1.000.000.000 đồng sau khi đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu Điều hòa vốn của quỹ tín dụng nhân dân.
Bên cạnh đó, đơn vị sự nghiệp của ngân hàng hợp tác xã thực hiện một hoặc một số hoạt động hỗ trợ hoạt động kinh doanh của ngân hàng hợp tác xã, bao gồm:
- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ ngân hàng cho ngân hàng hợp tác xã;
- Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ thuật công nghệ thông tin cho cán bộ, nhân viên của ngân hàng hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân thành viên;
- Lưu trữ cơ sở dữ liệu, thu thập, xử lý thông tin phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng hợp tác xã;
- Các hoạt động khác hỗ trợ hoạt động kinh doanh của ngân hàng hợp tác xã phù hợp với quy định của pháp luật.
Thông tư 09/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/06/2018.
10. Nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn không quá 49% vốn điều lệ Sở giao dịch hàng hóa
Đây là một nội dung nổi bật được quy định tại Nghị định 51/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung cho Nghị định 158/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa (Sở GDHH).
Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài được phép góp vốn thành lập Sở GDHH tại Việt Nam; mua cổ phần, phần vốn góp của Sở GDHH tại Việt Nam với tỷ lệ không quá 49% vốn điều lệ.
Nhà đầu tư nước ngoài được tham gia hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH với tư cách khách hàng hoặc tham gia làm thành viên Sở GDHH (thành viên môi giới, kinh doanh) với tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ không hạn chế.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về điều kiện thành lập Sở Giao dịch hàng hóa, cụ thể: - Vốn điều lệ từ một trăm năm mươi (150) tỷ đồng trở lên;
- Có hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng các yêu cầu về giải pháp công nghệ và kỹ thuật trong hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa;
- Điều lệ hoạt động không trái với các quy định của Nghị định này.
Nghị định 51/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/6/2108.
11. Các trường hợp hàng hóa được xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại
Đây là một nội dung quan trọng được quy định tại Thông tư 06/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại Theo đó, các trường hợp hàng hóa được xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm:
- Hàng hóa nhập khẩu có đặc điểm khác biệt với hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước mà hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất bởi ngành sản xuất trong nước đó không thể thay thế được;
- Hàng hóa nhập khẩu là sản phẩm đặc biệt của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước;
- Hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không được bán trên thị trường trong nước trong cùng điều kiện thông thường;
- Khối lượng hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước.
Ngoài ra, trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, tổ chức cá nhân được hoàn trả thuế phòng vệ thương mại đã nộp đối với những lô hàng nhập khẩu đăng ký tờ khai hải quan trong thời hạn miễn trừ của quyết định miễn trừ.
Thông tư 06/2018/TT-BCT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/06/2018
12. Quy định về tên thuốc và hướng dẫn sử dụng
Thông tư 01/2018/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành quy định về về ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.
Theo đó, các dấu hiệu lưu ý và khuyến cáo khi dùng thuốc phải ghi trên nhãn, tờ hướng dẫn sử dụng. Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc là một phần không thể tách rời của nhãn thuốc và được chứa trong bao bì ngoài của thuốc. Trường hợp thuốc không có bao bì ngoài, tờ hướng dẫn sử dụng phải được in hoặc gắn trên bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định về tên thương mại của thuốc phải bảo đảm nguyên tắc sau đây:
- Không được có tính chất quảng cáo;
- Không gây hiểu lầm về thành phần, xuất xứ của thuốc;
- Không gây hiểu lầm hoặc mô tả quá mức về tác dụng, hiệu quả, chỉ định của thuốc;
- Không trùng hoặc tương tự với tên thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành của cơ sở đăng ký khác;
- Không được đặt tên thuốc giống nhau nếu thuốc có thành phần hoạt chất khác nhau;
- Không được đặt tên thuốc khác nhau trong trường hợp thuốc có cùng tất cả các tiêu chí sau: hoạt chất, dược liệu, dạng bào chế, đường dùng, nồng độ, hàm lượng và nhà sản xuất. Quy định này không áp dụng với thuốc sản xuất gia công và thuốc gia công này thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế về gia công sản xuất thuốc;
- Đối với thuốc gia công này thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế về gia công sản xuất thuốc; chất, dược liệu, dạng bào chế, đường dùng, nồng độ, hàm lượng và nhà sản xuất. Quy định này không áp dụng với thuốc sản xuất gia công của quy.
Thông tư 01/2018/TT-BYT có hiệu lực thi hành ngày 01/6/2018
13. Quy định về Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ
Đây là một nội dung tiêu biểu trong Thông tư 07/2018/TT-BYT quy định chi tiết về kinh doanh dược của Luật Dược và Nghị định 54/2017/NĐ-CP:
Theo đó, thuốc hạn chế bán lẻ là thuốc có yêu cầu giám sát chặt chẽ việc kê đơn, bán thuốc theo đơn và sử dụng để bảo đảm an toàn, hiệu quả, tránh lạm dụng thuốc trong điều trị mà việc lạm dụng thuốc có thể gây ra tình trạng lệ thuộc thuốc hoặc không đáp ứng khi sử dụng thuốc đó hoặc thuốc khác.
Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ được quy định tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này.
Ngoài ra, Thông tư này cũng quy định về cơ sở hoạt động không vì mục đích thương mại. Theo đó, hoạt động không vì mục đích thương mại bao gồm: các hoạt động sản xuất, pha chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, cấp phát thuốc, nguyên liệu làm thuốc, kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thử tương đương sinh học của thuốc, thử thuốc trên lâm sàng.
Thông tư 07/2018/TT-BYT có hiệu lực thi hành ngày 01/6/2018
14. Tiêu chuẩn chất lượng của dược liệu và thuốc cổ truyền
Đây là một nội dung nổi bật được quy định tại Thông tư 13/2018/TT-BYT quy định về chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền do Bộ Y tế ban hành ngày 15/05/2018.
Theo đó, việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng của dược liệu và thuốc cổ truyền được quy định như sau:
- Dược liệu, thuốc cổ truyền phải áp dụng tiêu chuẩn chất lượng của dược liệu, thuốc cổ truyền theo dược điển hoặc theo tiêu chuẩn cơ sở của cơ sở sản xuất, chế biến;
- Cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền phải tiến hành thẩm định, đánh giá phương pháp kiểm nghiệm ghi trong tiêu chuẩn chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền do cơ sở sản xuất công bố áp dụng tại phòng kiểm nghiệm đạt Thực hành tốt phòng thí nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc (GLP);
- Bộ Y tế tổ chức thẩm định hồ sơ và phê duyệt tiêu chuẩn chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền theo quy định về đăng ký dược liệu, thuốc cổ truyền, quy định về cấp phép nhập khẩu dược liệu, thuốc cổ truyền chưa có giấy đăng ký lưu hành.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định tiêu chuẩn cơ sở của dược liệu, thuốc cổ truyền do cơ sở sản xuất xây dựng, áp dụng phải đáp ứng quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 102 Luật dược, cụ thể như sau:
- Đáp ứng yêu cầu về chỉ tiêu chất lượng, mức chất lượng được quy định tại chuyên luận tương ứng của Dược điển Việt Nam hoặc dược điển tham chiếu và chỉ tiêu chất lượng, mức chất lượng, phương pháp kiểm nghiệm chung được quy định tại các Phụ lục của Dược điển Việt Nam hoặc dược điển tham chiếu;
- Trường hợp Dược điển Việt Nam, dược điển tham chiếu chưa có chuyên luận dược liệu, thuốc cổ truyền tương ứng thì cơ sở xây dựng tiêu chuẩn dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học (bao gồm cả kết quả nghiên cứu phát triển sản phẩm) hoặc theo quy định của dược điển nước ngoài khác.
Thông tư 13/2018/TT-BYT có hiệu lực thi hành ngày 30/6/2018
15. Quy định về quy chế xét thăng hạng cho giảng viên đại học công lập
Thông tư 12/2018/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục ban hành có một số nội dung tiêu biểu sau:
* Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập, các trường cao đẳng sư phạm công lập do người đứng đầu cơ quan, đơn vị theo phân công, phân cấp quyết định thành lập. Hội đồng xét thăng hạng hoạt động theo từng kỳ xét thăng hạng và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
* Tổ chức xét thăng hạng:
- Chủ tịch Hội đồng xét thăng hạng hướng dẫn quy chế xét, các nội dung liên quan và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên;
- Chủ tịch Hội đồng xét thăng hạng tổ chức kiểm tra, thẩm định hồ sơ
- Nội dung thẩm định hồ sơ phải căn cứ vào yêu cầu của chức danh nghề nghiệp cần xét thăng hạng; phải bảo đảm tính chính xác, khoa học; việc giao nhận, mở hồ sơ đều phải lập biên bản theo quy định;
- Thẩm định và quy đổi điểm công trình khoa học;
- Việc thẩm định công trình khoa học của ứng viên phải được tiến hành độc lập. Nếu điểm của 02 thành viên thẩm định chênh lệch nhau từ 10% trở xuống so với điểm tối đa thì lấy điểm bình quân; nếu chênh lệch trên 10% so với điểm tối đa thì các thành viên thẩm định trao đổi để thống nhất, nếu không thống nhất được thì chuyển kết quả lên Trưởng ban Thẩm định để báo cáo Chủ tịch Hội đồng xét thăng hạng quyết định;
- Kết quả thẩm định phải có bản nhận xét cụ thể về các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự xét và có biên bản xác nhận bàn giao cho Trưởng ban Thẩm định.
Thông tư 12/2018/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành ngày 01/6/2018.
16. Xây dựng cổng thông tin điện tử và dịch vụ trực tuyến theo nguyên tắc lấy người làm trung tâm
Đây là một nội dung nổi bật được quy định trong Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, theo đó:
- Việc xây dựng cổng thông tin điện tử và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước phải theo nguyên tắc lấy người sử dụng làm trung tâm.
- Nguyên tắc lấy người sử dụng làm trung tâm được thể hiện như sau:
+ Những giấy tờ, thông tin liên quan đến người sử dụng đã cung cấp một lần thành công cho một cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thì vẫn chính những giấy tờ, thông tin đó, nếu còn giá trị sử dụng theo quy định, không phải cung cấp lại khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến lần sau cho chính cơ quan nhà nước đó. Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan thuộc, trực thuộc thì các giấy tờ, thông tin này không phải cung cấp lại khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến lần sau cho cơ quan thuộc, trực thuộc khác của bộ, tỉnh đó;
+ Thực hiện các thủ tục hành chính nhanh gọn hơn, giảm thiểu số lần người sử dụng phải đến cơ quan nhà nước;
+ Bảo đảm thuận tiện cho người sử dụng.
Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT có hiệu lực thi hành ngày 01/6/2018.
17. Nguyên tắc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông
Đây là một trong những nội dung tiêu biểu của Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính:
- Lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền.
- Việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được quản lý tập trung, thống nhất.
- Giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện, đúng pháp luật, công bằng, bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền.
- Quá trình giải quyết thủ tục hành chính được đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, giám sát, đánh giá bằng các phương thức khác nhau trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và có sự tham gia của tổ chức, cá nhân.
- Không làm phát sinh chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân ngoài quy định của pháp luật.
- Cán bộ, công chức, viên chức cơ quan có thẩm quyền thực hiện trách nhiệm giải trình về thực thi công vụ trong giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.
- Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế có liên quan đến thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
Khi chậm giải quyết thủ tục hành chính, trong thời hạn chậm nhất 01 ngày trước ngày hết hạn, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản cho Bộ phận Một cửa, gửi văn bản xin lỗi tổ chức, cá nhân, trong đó ghi rõ lý do quá hạn, thời gian đề nghị gia hạn trả kết quả. Việc hẹn lại ngày trả kết quả được thực hiện không quá 01 lần.
Nghị định 61/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành ngày 21/6/2018
18. Nội dung tổ chức phong trào thi đua của Tòa án nhân dân
Ngày 24/04/2018, Tòa án nhân dân Tối cao ban hành Thông tư 01/2018/TT-TANDTC quy định công tác thi đua, khen thưởng của Tòa án nhân dân. Theo đó, Thông tư có quy định về nội dung tổ chức phong trào thi đua như sau:
- Xác định rõ mục tiêu, phạm vi, đối tượng thi đua, trên cơ sở đó đề ra các nội dung và chỉ tiêu thi đua cụ thể. Việc xác định nội dung và chỉ tiêu thi đua phải bảo đảm khoa học, phù hợp với thực tế của cơ quan, đơn vị và có tính khả thi.
-Căn cứ vào đặc điểm, tính chất công tác, phạm vi và đối tượng tham gia thi đua để đề ra nội dung, hình thức phát động thi đua phù hợp; chú trọng tuyên truyền về nội dung và ý nghĩa của đợt thi đua, phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đa dạng hóa các hình thức phát động thi đua, tránh các biểu hiện phô trương, hình thức trong hoạt động thi đua.
-Triển khai các biện pháp tổ chức vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia phong trào thi đua; theo dõi, kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện; tổ chức chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm.
-Sơ kết, tổng kết phong trào, đánh giá kết quả thi đua; đối với đợt thi đua dài ngày phải tổ chức sơ kết vào giữa đợt để rút kinh nghiệm; kết thúc đợt thi đua phải tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả, lựa chọn công khai những tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua để tuyên truyền, tôn vinh điển hình tiên tiến và khen thưởng.
Thông tư 01/2018/TT-TANDTC có hiệu lực thi hành ngày 08/6/2018.