1. Điều chỉnh một số quy định về Thương mại điện tử
Nghị định 85/2021/NĐ-CP được Chính Phủ ban hành ngày 25 tháng 9 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử có điều chỉnh một số quy định về Thương mại điện tử, cụ thể:
Điểm đáng chú ý của Nghị định này là đã đưa các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ khác phục vụ cho hoạt động thương mại điện tử vào làm chủ thể của hoạt động thương mại điện tử (khoản 6 Điều 1) thay vì chỉ áp dụng với mỗi các thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng kỹ thuật như trước đây.
Bên cạnh đó, Nghị định 85/2021/NĐ-CP cũng xếp mạng xã hội là hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử khi có một trong các hình thức sau (khoản 15 Điều 1):
- Cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ.
- Cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ.
- Có chuyên mục mua bán trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ.
Ngoài ra, Nghị định mới cũng bắt buộc người bán trên sàn thương mại điện tử phải cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ một cách chi tiết hơn trước đây, cụ thể như sau (khoản 12 Điều 1):
- Đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.
- Thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm như: năm, tháng, ngày sản xuất; hạn sử dụng; số lô sản xuất; số khung, số máy.
- Người bán hàng hóa, dịch vụ phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải công bố số, ngày cấp và nơi cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện, văn bản xác nhận, hoặc các hình thức văn bản khác theo quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh của ngành, nghề đó.
Nghị định 85/2021/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
2. Tăng thời gian làm thêm tối đa với lao động thời vụ
Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 15 tháng 12 năm 2021 quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng, trong đó có quy định tăng số giờ làm việc, làm thêm tối đa, theo đó:
Giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm quy định tại Điều 6 Thông tư 18/2021/TT-BLĐYBXH như sau:
- Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày
- Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm không quá 72 giờ/tuần (Thông tư 54/2015/TT-BLĐTBXH quy định là 64 giờ/tuần, riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 48 giờ/tuần)
- Tổng số giờ làm thêm không quá 40 giờ/tháng (Thông tư 54/2015/TT-BLĐTBXH là 32 giờ/tháng, riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 24 giờ/tháng )
- Người sử dụng lao động quyết định lựa chọn áp dụng quy định về thời giờ làm việc, làm thêm theo tuần hoặc theo tháng, ghi vào kế hoạch thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong năm quy định tại khoản 2, Điều 8 Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH.
- Tổng số giờ làm thêm đối với mỗi người lao động không quá 300 giờ/năm.
Như vậy, kể từ ngày 01/02/2022, thời gian làm việc, làm thêm tối đa của người làm công việc thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng tăng 8 giờ/tuần và 8 giờ/tháng.
Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ 01/02/2022 và thay thế Thông tư 54/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/12/2015.
3. Cơ sở kinh doanh mỹ phẩm phải nộp báo cáo thống kê
Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 25/2021/TT-BYT ngày 13 tháng 12 năm 2021 quy định về chế độ báo cáo thống kê lĩnh vực dược - mỹ phẩm. Theo đó các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm sẽ phải nộp báo cáo thống kê về lĩnh vực của mình nhằm phục vụ việc thống kê, theo dõi và đánh giá hoạt động chung của Bộ y tế. Theo đó:
- Đối tượng thực hiện chế độ báo cáo thống kê:
Điều 2 Thông tư 25/2021/TT-BYT quy định 04 nhóm đối tượng liên quan, thực hiện chế độ báo cáo thống kê lĩnh vực dược - mỹ phẩm, bao gồm:
(1) Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế.
(2) Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Sở Y tế).
(3) Y tế các bộ, ngành (gọi tắt là Y tế ngành).
(4) Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm (gọi tắt là cơ sở sản xuất, kinh doanh) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác thống kê lĩnh vực dược mỹ phẩm.
- Kỳ báo cáo: Kỳ báo cáo thống kê là khoảng thời gian nhất định quy định đối tượng báo cáo thống kê phải thể hiện kết quả hoạt động bằng số liệu theo các tiêu chí thống kê trong biểu mẫu báo cáo thống kê, Kỳ báo cáo thống kê được tính theo ngày dương lịch, bao gồm:
• Báo cáo thống kê 6 tháng đầu năm: Được tính bắt đầu từ ngày 01/01 đến hết ngày 30/06 của kỳ báo cáo thống kê đó;
• Báo cáo thống kê năm: Được tính bắt đầu từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/12 của kỳ báo cáo thống kê đó;
• Báo cáo thống kê đột xuất: Trường hợp cần báo cáo thống kê đột xuất nhằm thực hiện các yêu cầu về quản lý nhà nước của cơ quan quản lý, cơ quan yêu cầu báo cáo phải đề nghị bằng văn bản, trong đó phải nêu rõ khoảng thời gian báo cáo, thời hạn nhận báo cáo và các tiêu chí báo cáo thống kê cụ thể.
- Phương thức gửi báo cáo: Bằng hình thức văn bản cho đến khi Bộ Y tế thực hiện báo cáo thống kê qua phần mềm chế độ báo cáo điện tử.
Thông tư 25/2021/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/02/2022.
4. Các trang thiết bị y tế được mua bán như hàng hoá thông thường
Thông tư 23/2021/TT-BYT ban hành ngày 09 tháng 12 năm 2021 sửa đổi danh mục các trang thiết bị y tế được mua bán như hàng hóa thông thường và không phải công bố đủ điều kiện mua bán được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 46/2017/TT-BYT ngày 15/12/2017 (theo khoản 1 Điều 1 Thông tư 23/2021/TT-BYT).
Cụ thể, danh mục các trang thiết bị y tế được mua bán như hàng hóa thông thường và không phải công bố đủ điều kiện mua bán bao gồm:
- Trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro tự xét nghiệm thuộc loại B và trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro tự xét nghiệm HIV;
- Máy đo huyết áp cá nhân;
- Nhiệt kế điện tử, nhiệt kế hồng ngoại;
- Các trang thiết bị y tế được sử dụng để đo đường huyết cá nhân: máy đo đường huyết, bút lấy máu, que thử, kim lấy máu, dung dịch chuẩn, dung dịch chứng;
- Máy xông khí dung;
- Băng y tế cá nhân;
- Nước mắt nhân tạo được phân loại là trang thiết bị y tế;
- Bao cao su;
- Màng phim tránh thai (không chứa thuốc);
- Gel/ dung dịch bôi trơn âm đạo;
- Chườm nóng/ lạnh sử dụng điện.
Như vậy, từ ngày 25/01/2022, trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro tự xét nghiệm HIV được mua bán như hàng hóa thông thường và không phải công bố đủ điều kiện mua bán.
Thông tư 23/2021/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 25/01/2022.
5. Đối tượng được tăng lương hưu, trợ cấp BHXH
Ngày 07/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 108/2021/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng
Theo đó, từ ngày 01/01/2022 điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12 năm 2021 đối với các đối tượng sau:
- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định 41/2009/QĐ-TTg về việc chuyển bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An sang bảo hiểm xã hội tự nguyện); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.
- Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại:
• Nghị định 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;
• Nghị định 34/2019/NĐ-CP sửa đổi một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
• Nghị định 121/2003/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn;
• Nghị định 09/1998/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 50/CP về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng.
- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo:
- Quyết định 91/2000/QĐ-TTg về việc trợ cấp cho những người đã hết tuổi lao động tại thời điểm ngừng hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
• Quyết định 613/QĐ-TTg về việc trợ cấp hằng tháng cho những người có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động;
• Công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 206-CP về chính sách đối với công nhân mới giải phóng làm nghề nặng nhọc, có hại sức khỏe nay già yếu phải thôi việc.
- Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 130-CP ngày 20/6/1975 và Quyết định 111-HĐBT về việc sửa đổi một số chính sách, chế độ đối với cán bộ xã, phường.
- Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương (được sửa đổi bởi Quyết định 38/2010/QĐ-TTg).
- Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 53/2010/QĐ-TTg về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương.
- Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Bên cạnh đó, các đối tượng nêu trên nghỉ hưu trước ngày 01/01/1995 sau khi thực hiện điều chỉnh theo quy định Nghị định 108/2021/NĐ-CP mà có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng dưới 2.500.000 đồng/tháng.
Nghị định 108/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20/01/2022.
6. Lùi cải cách tiền lương cơ sở năm 2022
Ngày 13 tháng 11 năm 2021, Quốc hội thông qua Nghị quyết 34/2021/QH15 về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, trong đó chính thức lùi việc cải cách tiền lương đối với mức lương cơ sở được đề cập tại khoản 3 điều 4 Nghị quyết 23/2021/QH15 của Quốc hội: “…Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01 tháng 7 năm 2022.”. Nội dung chỉnh sửa của Nghị quyết 23/2021/QH15 là như sau:
“Điều 3. Về thực hiện chính sách tiền lương
1. Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995
[…]”
Do chưa thực hiện cải cách tiền lương, nên tiền lương năm 2022 của nhóm khu vực nhà nước vẫn sẽ thực hiện theo lương cơ sở như hiện tại với công thức như sau:
Tiền lương = Hệ số lương x Mức lương cơ sở 2022
Trong đó, mức lương cơ sở 2022 sẽ là 1,49 triệu đồng/tháng, mức lương này được thực hiện từ ngày 01/7/2019 đến nay.
Nghị quyết 34/2021/QH15 có hiệu lực từ ngày 28/12/2021.
7. Bổ sung Điều kiện để doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Ngày 10/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 112/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thay thế cho nghị định số 32/2020/NĐ-CP, trong đó có điều kiện để doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo đó, các doanh nghiệp muốn được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ngoài việc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tại Điều 10 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì các doanh nghiệp còn cần phải đáp ứng thêm các điều kiện bổ sung ứng với từng trường hợp cụ thể được quy định tại các Điều 12 (đối với hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan), Điều 15 (đối với hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản) và Điều 20 (đối với hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài) của Nghị định 110/2021/NĐ-CP
Hiện nay, Nghị định 38/2020/NĐ-CP chỉ điều chỉnh đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm giúp việc gia đình tại nước tiếp nhận thuộc khu vực Trung Đông, nhưng tới nay, với Điều 20 của Nghị định 110/2021/NĐ-CP, Quốc hội đã bổ sung thêm điều kiện chung cho tất cả các quốc gia khác nói riêng chứ không chỉ là những quốc gia, vũng lãnh thổ riêng.
Nghị định 112/2021/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022.
8. Tăng mức ký quỹ của DN hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động
Ngày 10/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 112/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thay thế cho nghị định số 32/2020/NĐ-CP, trong đó tăng mức ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo đó, mức ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (doanh nghiệp dịch vụ), căn cứ vào Điều 23 Nghị định 112/2021/NĐ-CP quy định như sau:
- Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng) tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (ngân hàng nhận ký quỹ). Hiện nay, mức tiền ký quỹ là 1.000.000.000 (Một tỷ đồng) và doanh nghiệp dịch vụ chỉ được ký quỹ tại ngân hàng thương mại được phép hoạt động tại Việt Nam (Điều 10 Nghị định 38/2020/NĐ-CP).
Việc nâng mức ký quỹ là một động thái nhằm hạn chế trường hợp các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xuất khẩu lao động không có đủ tiền để hoàn thành nghĩ vụ đền bù với người lao động trong trường hợp xảy ra bất trắc. Hơn nữa, việc cho phép ký quỹ tại không chỉ tại các ngân hàng thương mại được phép hoạt động ở Việt Nam, mà còn mở rộng ra thêm các ngân hàng được thành lập và hoạt động hợp pháp ở Việt Nam cũng đã tạo ra nhiều sự thuận lợi hơn cho các công ty có nhu cầu sử dụng ngân hàng nước được phép hoạt động ở cả Việt Nam và quốc gia họ đưa người lao động tới để làm việc.
- Ngoài ra, còn một nội dung mới được bổ sung tại Nghị định 112/2021/NĐ-CP: Doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải ký quỹ thêm 500.000.000 đồng (Năm trăm triệu đồng) đối với mỗi chi nhánh được giao nhiệm vụ.
Nghị định 112/2021/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022.
9. Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động so với năm 2021
Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường như sau:
Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
Theo đó, sang đến năm 2022, tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường sẽ có sự thay đổi như sau:
- Lao động nam: Từ đủ 60 tuổi 06 tháng (Tăng 03 tháng so với năm 2021).
- Lao động nữ: Từ đủ 55 tuổi 08 tháng (Tăng 04 tháng so với năm 2021).
10. Bỏ ưu đãi lãi suất khi vay mua, thuê nhà xã hội
Ngày 30 tháng 11 năm 2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 20/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 25/2015/TT-NHNN hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội có hiệu lực thi hành, trong đó đã bỏ ưu đãi lãi suất khi vay mua, thuê nhà ở xã hội.
Cụ thể, Thông tư 20/2021/TT-NHNN đã bỏ quy định về ưu đãi lãi suất khi vay vốn mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 25/2015/TT-NHNN; kể từ ngày 20/01/2022, đối tượng được vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội chỉ gồm:
- Đối tượng vay vốn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 100/2015/NĐ-CP:
“Điều 15. Vay vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
1. Đối tượng được vay vốn:
a) Doanh nghiệp, hợp tác xã là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không phải bằng nguồn vốn hoặc hình thức quy định tại Khoản 1 Điều 53 của Luật Nhà ở để cho thuê, cho thuê mua, bán;
b) Doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất công nghiệp, dịch vụ tự đầu tư xây dựng nhà ở để bố trí cho người lao động của chính doanh nghiệp, hợp tác xã đó mà không thu tiền thuê nhà hoặc có thu tiền thuê nhà với giá thuê không vượt quá khung giá cho thuê nhà ở xã hội do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành;
c) Hộ gia đình, cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua, bán.
[…]”
- Đối tượng vay vốn xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, dẫn chiếu tới Khoản 1, 4,5,6,7 Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014:
“Điều 49. Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
Các đối tượng sau đây nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 51 của Luật này thì được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội:
1. Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
...
4. Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;
5. Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;
6. Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;
7. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;”
Thông tư 20/2021/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 20/01/2022.