Theo quy định hiện hành, quy trình cấp GCNKTTT được thực hiện thế nào, thưa luật sư?
Việc cấp GCNKTTT được quy định tại Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13.4.2011 của Bộ NNPTNT. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình có hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chí xác định kinh tế trang trại theo quy định tại Điều 5, Thông tư này sẽ được UBND huyện cấp GCNKTTT.
Đối với trường hợp đề nghị cấp mới, cá nhân, hộ gia đình hoặc người đại diện theo ủy quyền (gọi tắt là chủ TT) nộp một bộ hồ sơ tại UBND cấp xã nơi TT sản xuất. Nếu cơ sở sản xuất nằm trên địa bàn nhiều xã thì chủ TT tự quyết trong việc lựa chọn UBND cấp xã nào nộp hồ sơ cho thuận tiện nhất.
UBND cấp xã tiếp nhận hồ sơ khi có đủ giấy tờ theo quy định và phải trao Giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ trong đó ghi rõ ngày hẹn trả kết quả. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, UBND cấp xã kiểm tra, xác nhận Đơn đề nghị cấp GCNKTTT và chuyển hồ sơ đề nghị cấp GCNKTTT đến UBND cấp huyện.
Trường hợp không xác nhận Đơn đề nghị cấp GCNKTTT, UBND cấp xã phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. UBND cấp huyện thực hiện cấp GCNKTTT cho chủ trang trại trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ từ UBND cấp xã chuyển đến, nếu có đầy đủ hồ sơ theo quy định; hỏa mãn tiêu chí xác định KTTT.
Trường hợp không cấp GCNKTTT, UBND cấp huyện phải gửi văn bản cho UBND cấp xã, trong đó nói rõ lý do để thông báo cho người nộp hồ sơ. Nếu sau 13 ngày làm việc, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ mà không nhận được GCNKTTT hoặc không nhận được thông báo không cấp GCNKTTT thì chủ TT có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Theo luật sư, quy trình cấp GCNKTTT nêu trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hay chưa?
Nhìn chung quy định nêu trên khá chặt chẽ, tuy nhiên vướng mắc nằm ở chỗ để được cấp GCNKTTT, phải “thỏa mãn tiêu chí xác định KTTT”, tức phải đảm bảo quy định về diện tích và giá trị sản lượng.
Cụ thể, đối với cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất tổng hợp phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 700 triệu đồng/năm; cơ sở chăn nuôi là từ 1.000 triệu đồng/năm trở lên; cơ sở sản xuất lâm nghiệp là từ 500 triệu đồng/năm trở lên.
Trên thực tế, nông dân khi bán sản phẩm làm gì có hóa đơn? Vậy làm thế nào để một người nuôi cá chứng minh được rằng họ đã bán được 700 triệu đồng tiền cá/năm để được cấp GCNKTTT? Cơ quan nào, và dựa vào cơ sở nào để đánh giá được giá trị sản lượng của TT cũng chưa được làm rõ.
Trong đơn đề nghị cấp GCNKTTT yêu cầu người đề nghị cấp phải ghi thông tin về giá trị sản lượng hàng hóa trong năm, sau đó có ý kiến xác nhận của UBND cấp xã. Vậy mỗi lần bán sản phẩm lại phải có đại diện của UBND xã chứng kiến, xác nhận? Nếu không chứng kiến, xác nhận thì dựa vào đâu để UBND cấp xã xác nhận giá trị sản lượng hàng hóa trong năm? Không ký xác nhận thì làm khó cho dân, mà ký lại thiếu cơ sở.
Do đó tôi cho rằng quy định tiêu chí về giá trị sản lượng là không thực tiễn. Và có lẽ đây chính là kẽ hở để người có thẩm quyền xác nhận và thẩm định cấp GCNKTTT có “cơ hội” để bắt bẻ, nhũng nhiễu nông dân. Mặt khác, cũng là quy mô diện tích như thế, nhưng giá trị sản lượng của nuôi tôm khác với nuôi cá, nếu đánh đồng giá trị sản lượng với nhau xem ra không hợp lý. Theo tôi chỉ cần đảm bảo tiêu chí về diện tích đất nông nghiệp là đủ.
Nhiều chủ TT cũng cho rằng, muốn đăng ký nhãn hiệu sản phẩm nhưng thủ tục rất rườm rà, khó khăn. Quan điểm của luật sư về vấn đề này thế nào?
Để sản phẩm của TT đưa ra thị trường có giá trị cao thì nhất thiết phải có thương hiệu. Sản phẩm nông sản đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, khi phát hiện trên thị trường có sản phẩm bị nhái, bị làm giả thì chủ sở hữu có thể bảo vệ quyền của mình bằng việc yêu cầu cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính, khởi tố hình sự hoặc khởi kiện ra toà dân sự để đòi bồi thường thiệt hại.
Theo quy định hiện hành, để đăng ký nhãn hiệu sản phẩm phải thực hiện 4 bước: Đặt tên cho sản phẩm, thiết kế logo hoặc thiết kế nhãn hiệu cho sản phẩm; Tra cứu nhãn hiệu sản phẩm đó đã có ai đăng ký chưa; Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đến Cục Sở hữu trí tuệ; Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định đơn đăng ký và sẽ công bố kết quả là cấp văn bằng bảo hộ hay từ chối trong vòng 12 tháng kể từ ngày nộp đơn. Sau khi nhãn hiệu được cấp sẽ có hiệu lực 10 năm kể từ ngày nộp đơn và cứ 10 năm sẽ tiến hành gia hạn.
Nhìn chung thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam tương đối đơn giản, tuy nhiên lại mang tính nghiệp vụ và thời gian chờ đợi thẩm định, công bố kết quả quá dài. Do đó, chủ TT nên ủy quyền cho luật sư hoặc tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp thực hiện.
“Tôi cho rằng thời gian để được cấp GCNKTTT kéo dài tới 13 ngày là chưa hợp lý. Theo tôi, chỉ cần tối đa 7 ngày là đủ để các cơ quan có thẩm quyền thẩm định cấp hay không cấp GCNKTTT” - Luật sư Nguyễn Thanh Hà.
Cảm ơn luật sư!