Tác giả Nhóm PV Bạn đọc - Pháp luật trong bài viết “Phạt mạnh tay, cần ngay chế tài”, được đăng trên An ninh thủ đô ngày 9/3/2012 có ý kiến đóng góp của Thạc sỹ, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch, luật sư điều hành Công ty luật S&B (S&B Law).
(ANTĐ) - Từ 1-1-2011, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân sửa đổi; Luật Tố tụng hành chính; Luật Chứng khoán sửa đổi; Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Khoáng sản; Luật Thanh tra; Luật Trọng tài thương mại; Luật Nuôi con nuôi; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Bưu chính; Luật Người khuyết tật; Luật An toàn thực phẩm; Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực thi hành. Đây là những khung pháp lý thể hiện tính thực thi pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ khiến các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm đối với hàng hóa do mình cung cấp
Đảm bảo sự bình đẳng
Về Luật Tố tụng hành chính, Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty Luật TNHH S&B nhận xét: Sau 14 năm thi hành Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đã góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước và công dân, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính cho thấy các quy định của Pháp lệnh hiện hành còn bộc lộ nhiều hạn chế, mâu thuẫn, chưa đầy đủ, thiếu rõ ràng với những quy định pháp luật khác...
Bên cạnh đó, Pháp lệnh cũng chưa có quy định cụ thể về thi hành bản án hành chính dẫn đến quyết định, bản án của toà án không được thi hành hoặc thi hành không đầy đủ. Với tính chất đặc thù của việc giải quyết các khiếu kiện hành chính giữa một bên là cá nhân, tổ chức với bên kia là cơ quan Nhà nước thì việc Luật Tố tụng hành chính sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, tạo điều kiện thuận lợi và mở rộng quyền khởi kiện tại toà án của tổ chức, cá nhân, bảo đảm quyền được tự do lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của công dân, phù hợp với xu hướng mở rộng dân chủ trong xã hội, giảm bớt áp lực cho các cơ quan hành chính Nhà nước, khắc phục, hạn chế những sai sót trong xét xử.
Với tính chất phức tạp của các khiếu kiện hành chính mà một bên là cá nhân, tổ chức, còn bên kia là cơ quan hành chính Nhà nước thì việc xây dựng và ban hành một văn bản quy phạm pháp luật quy định về tố tụng hành chính dưới hình thức văn bản luật sẽ tạo khung pháp lý cơ bản, giải quyết những hạn chế, bất cập của pháp luật về tố tụng hành chính trước đó, bảo đảm thực hiện thể chế hóa đầy đủ và toàn diện quan điểm, chủ trương của Nhà nước, bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Việc giải quyết khiếu kiện bằng con đường tư pháp là yêu cầu thực tế của Việt Nam cũng như yêu cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi Việt Nam đã là thành viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc xây dựng và ban hành Luật Tố tụng hành chính nhằm đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại toà án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước tòa án.
Quy định rõ hơn các chính sách
Cũng theo luật sư Hoàng Huy Được, từ thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), công tác quản lý Nhà nước về ATTP, thực trạng pháp luật về ATTP… việc ban hành Luật ATTP thay thế Pháp lệnh Vệ sinh ATTP là hết sức cần thiết, góp phần bảo vệ tốt hơn sức khỏe, tính mạng của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Luật có 11 chương và 72 điều, quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong vấn đề bảo đảm ATTP.
Luật ATTP có nhiều điểm mới và khác biệt so với Pháp lệnh Vệ sinh ATTP như quy định các nguyên tắc quản lý ATTP, đặc biệt là trách nhiệm đầu tiên của người sản xuất kinh doanh; quản lý ATTP theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, phải đảm bảo phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp liên ngành. Bên cạnh đó, luật cũng quy định rõ các chính sách của Nhà nước về ATTP.
Về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm cũng được quy định khá chi tiết: Dù là sản phẩm ở dạng nào cũng phải bảo đảm các điều kiện chung nhất. Ngoài các điều kiện chung, đối với các nhóm thực phẩm cụ thể, đặc thù như thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng… cần phải bảo đảm thêm một số điều kiện riêng. Nếu như pháp lệnh quy định giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm là vô thời hạn thì luật quy định giấy này chỉ có giá trị trong 3 năm.
Luật ATTP có điểm nổi bật rất quan trọng là ban hành quy chuẩn tỷ lệ các thành phần trong sản phẩm. Luật ATTP cũng quy định thanh tra chuyên ngành thực phẩm của Bộ Y tế. Trước đây lực lượng này chỉ thanh tra những lĩnh vực do Bộ Y tế quản lý, theo luật mới được thông qua, thanh tra thực phẩm của Bộ Y tế có quyền thanh tra lại kết quả thanh tra của các bộ, ngành, địa phương về an toàn thực phẩm.
(Theo anninhthudo)