Singapore là một quốc gia nhỏ bé về diện tích nhưng lại là một quốc gia có nền kinh tế phát triển bậc nhất Đông Nam Á và Châu Á. Singapore có một hệ thống luật pháp nói chung và bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu rất hoàn thiện và phát triển.
Việt Nam và Singapore đều là thành viên của ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á). Singapore là một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Ngược lại các doanh nghiệp Việt Nam cũng tới Singapore để tìm hiểu cơ hội đầu tư, tới cửa ngõ để đầu tư sang các quốc gia khác.
Nhãn hiệu hàng hóa tại Singapore
Theo luật Singapore, nhãn hiệu hàng hóa là bất cứ dấu hiệu, hình ảnh nào có thể phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ cùng loại của người khác và những dấu hiệu đó có thể bao gồm chữ cái, từ ngữ, tên gọi, chữ ký, chữ số, hình mẫu bao gói, nhãn hàng, hình mô phỏng, mầu sắc hoặc tổng hợp các yếu tố đó.
Những dấu hiệu đó không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã đăng ký trước liên quan đến hàng hóa/dịch vụ cùng loại, không gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng, không được trái với pháp luật hoặc đạo đức xã hội, không chỉ dẫn sai nguồn gốc địa lý của hàng hóa.
Những dấu hiệu nào không được đăng ký là nhãn hiệu hàng hóa?
Những dấu hiệu gây phản cảm đối với xã hội;
Những dấu hiệu có kèm theo những từ hoặc ám chỉ nghĩa tương tự với từ, cụm từ như “độc quyền” hoặc “đã bảo họ độc quyền”, “đã đăng ký”, “kiểu dáng đã đăng ký” hoặc “nhãn hiệu đã đăng ký”; “bản quyền tác giả”; “hàng nhái mẫu này là hàng giả”;
- Những dấu hiệu tượng trưng cho Tổng thống Singapore;
- Những dấu hiệu liên quan đến quân đoàn Anzac thời ký thế chiến thứ nhất.
- Những dấu hiệu đặc trưng cho Chữ thập đỏ và chữ thập đỏ
- Geneva như chữ thập có màu đỏ trên nền bạc hoặc nền trắng, chữ thập đỏ Liên bang Thụy sĩ…
- Các biểu tượng như Quốc huy Cộng hòa Singapore, huy hiệu của quân đội Tổng thống, của Hoàng gia, huy hiệu và các hình vẽ biểu tượng gây nhầm lẫn với những dấu hiệu trên.
- Các biểu tượng của Hoàng gia hoặc Hoàng đế như vương miện, hoặc cờ nước Cộng hòa hoặc cờ Hoàng gia, cờ Hoàng đế.
Quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa được xác lập trên cơ sở nào?
Nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ tại Singapore có thể xác lập thông qua đăng ký hoặc thông qua sử dụng.
Việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Singapore là không bắt buộc. Tuy nhiên, đối với nhãn hiệu hàng hóa chưa đăng ký, việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa phải dựa trên thông luật về chống mạo danh- quá trình này sẽ tốn kém và chiếm nhiều thời gian hơn so với các biện pháp thực thi áp dụng đối với quá trình bảo hộ quyền đối với nhãn hiệu đã đăng ký.
Doanh nghiệp Việt Nam có thể xin hưởng quyền ưu tiên khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ở Singapore không?
CÓ. Singapore là thành viên Công ước Paris nên doanh nghiệp Việt Nam có thể xin hưởng quyền ưu tiên theo Công ước Paris khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Singapore với điều kiện đơn phải được nộp ở Singapore cho cùng một nhãn hiệu và trong vòng 6 tháng kể từ ngày nộp đơn đầu tiên tại Việt Nam hoặc tại một trong các quốc gia thành viên Công ước Paris hoặc kể từ ngày hàng hóa mang nhãn hiệu được trưng bày tại một triển lãm quốc tế chính thức tại một trong các quốc gia thành viên.
Ngày nộp đơn tại Singapore sẽ được tính theo ngày nộp đơn đầu tiên hoặc ngày hàng hóa được trưng bày tại triển lãm quốc tế đó.
Có thể đăng ký nhãn hiệu hàng hóa vào Singapore theo Thỏa ước Madrid không?
KHÔNG. Singapore không phải là thành viên của Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa nên doanh nghiệp Việt Nam muốn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Singapore phải đăng ký theo hệ thống đăng ký quốc gia tại Cục sở hữu trí tuệ Singapore (tiếng Anh viết tắt là “IPOS”) hoặc đăng ký trực tuyến qua mạng internet.