Nguyên đơn không xuất trình được hợp đồng nên không chứng minh được có quan hệ chuyển nhượng quyền thương mại giữa hai bên.
Ngày 28-1, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo, y án sơ thẩm vụ tranh chấp chuyển nhượng quyền thương mại “Cháo Cây thị” tại thị trường tỉnh Bình Dương.
Thỏa thuận miệng
Đầu tháng 2-2012, Công ty Cổ phần Navi khởi kiện Công ty Cổ phần Thương mại sản xuất Song Kim (chủ sở hữu nhãn hiệu “Cháo Cây thị” chuyên bán cháo dinh dưỡng cho trẻ em). Nguyên đơn trình bày, năm 2009, hai bên thỏa thuận miệng, nguyên đơn được độc quyền kinh doanh sản phẩm cháo dinh dưỡng mang thương hiệu “Cháo Cây thị” trong vòng 10 năm. Ngày 11-11-2009, Công ty Navi đã chuyển tiền chuyển nhượng cho đối tác nhưng Công ty Song Kim không thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào.
Qua tìm hiểu, Công ty Navi biết phía Song Kim chưa làm thủ tục đăng ký chuyển nhượng quyền thương mại tại Sở Thương mại TP.HCM. Sau đó, Song Kim đồng ý trả lại toàn bộ tiền đã nhận cho Công ty Navi. Tuy nhiên, việc chi trả kéo dài nhiều lần đến nay còn thiếu 695 triệu đồng. Nay Công ty Navi kiện ra tòa yêu cầu hủy thỏa thuận về việc chuyển nhượng quyền thương mại đối với nhãn hàng trên tại Bình Dương và đòi số tiền còn thiếu kèm lãi.
Xử sơ thẩm tháng 8-2012, TAND TP.HCM nhận định nguyên đơn kiện đòi tiền nhưng không xuất trình được chứng cứ gì để chứng minh có quan hệ hợp đồng với bị đơn để phát sinh quyền và nghĩa vụ đôi bên. Từ đó, tòa bác các yêu cầu của phía nguyên đơn.
Thua kiện vì thỏa thuận miệng
Tại phiên phúc thẩm nêu trên, nguyên đơn cho rằng trong quá trình cấp sơ thẩm giải quyết vụ án, Công ty Navi đã chứng minh được tuy hai công ty chưa ký kết hợp đồng chuyển nhượng bằng văn bản nhưng có thỏa thuận với nhau về việc nhượng quyền. Cụ thể tờ phiếu chi thể hiện Công ty Navi đã chuyển 1,5 tỉ đồng cho Công ty Song Kim để chuyển nhượng quyền thương mại.
Trên phiếu chi có người đại diện theo pháp luật của Công ty Song Kim ký tên nhận tiền… Án sơ thẩm chỉ nhấn mạnh đến hình thức giấy tờ mà không xem xét đến nội dung, chưa điều tra lấy lời khai người làm chứng là không thỏa đáng. Nguyên đơn yêu cầu cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện.
HĐXX phân tích hai pháp nhân khi thỏa thuận giao dịch phải được thực hiện bằng hợp đồng bằng văn bản. Nguyên đơn không xuất trình được hợp đồng nên không chứng minh được có quan hệ chuyển nhượng quyền thương mại giữa hai bên. Về nguyên tắc, pháp nhân khi giao nhận tiền phải có kế toán, thủ quỹ làm các thủ tục theo luật định... Trong vụ án này, Công ty Navi kiện pháp nhân Công ty Song Kim là chưa đầy đủ pháp lý.
Cuối cùng, HĐXX cho rằng hai công ty chỉ hợp đồng miệng về việc chuyển nhượng quyền thương mại, không cung cấp chứng cứ nào khác nên án sơ thẩm bác yêu cầu, hủy việc chuyển nhượng và đòi tiền là có căn cứ, cần giữ nguyên.
Vì sao không triệu tập ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng?
Tại phiên sơ thẩm, Công ty Navi yêu cầu đưa các thành viên Công ty Song Kim gồm ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng) và ông Phạm Hồng Thái tham gia tố tụng với tư cách người liên quan hoặc người làm chứng. Tuy nhiên, TAND TP.HCM xét vụ án là tranh chấp giữa hai pháp nhân không phải là tranh chấp thành viên công ty và cá nhân ông Hưng, ông Thái không ký các giấy tờ liên quan đến giao dịch nên không thể triệu tập họ. HĐXX phúc thẩm cũng đồng tình với nhận định của án sơ thẩm trong vấn đề này.
(Sblaw.vn theo Pháp luật TPHCM)