Trong bài "Nhân chứng có được ngồi phòng kín và giấu mặt?" đăng trên báo An ninh thủ đô, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thị Thu - Giám đốc Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Câu hỏi: Vừa qua khi theo dõi quá trình xét xử một vụ án tôi thấy có nhân chứng bị dẫn giải đến tòa nhưng lại được ngồi phòng kín để đối chất với bị cáo về các tình tiết liên quan. Xin Luật sư cho biết: Trong trường hợp nào người làm chứng bị dẫn giải đến Tòa nhưng lại được ngồi phòng kín và giấu mặt? Quy định hiện hành về bảo vệ nhân chứng?Đặng Ngọc Chung (Hà Nội)
Trả lời: Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS), trong trường hợp người làm chứng đã được CQĐT, VKS triệu tập nhưng cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc họ vắng mặt gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố thì cơ quan đã triệu tập người làm chứng có thể ra quyết định dẫn giải. Quyết định dẫn giải người làm chứng ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định; họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người làm chứng…
Về bảo vệ người làm chứng, Điều 7, Bộ luật TTHS quy định về bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân nêu rõ, công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Theo Thông tư Liên tịch số 13/2013/TTLT-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC ngày 26-12-2013, các biện pháp bảo vệ có thể được áp dụng đối với người làm chứng bao gồm: Bố trí lực lượng, phương tiện; tiến hành các biện pháp nghiệp vụ; Hạn chế phạm vi đi lại, quan hệ giao tiếp, thăm gặp, làm việc, học tập của người được bảo vệ trong một thời gian nhất định; Giữ bí mật việc cung cấp chứng cứ, vật chứng, tài liệu có liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội, người phạm tội của người được bảo vệ khi họ yêu cầu hoặc xét thấy họ có thể bị nguy hiểm do việc cung cấp chứng cứ, vật chứng, tài liệu đó.
Tùy trường hợp cụ thể, thẩm phán chủ tọa phiên tòa trao đổi thống nhất với cơ quan có trách nhiệm bảo vệ về việc áp dụng các hình thức để bảo đảm việc giữ bí mật cho người được bảo vệ (cấm ghi hình, ghi âm, chụp ảnh tại phiên tòa); không công bố họ tên, lai lịch, cách ly và thực hiện việc hỏi kín đối với người được bảo vệ. Như vậy, để bảo vệ nhân chứng khi họ bị đe dọa tính mạng, sức khỏe thì Tòa án hoàn toàn có thể thực hiện việc cho nhân chứng ngồi phòng kín và đối chất với bị cáo.
Nguồn: http://anninhthudo.vn/doi-song/nhan-chung-co-duoc-ngoi-phong-kin-va-giau-mat/740164.antd