Theo quy định, từ 01/6/2025, nhà đầu tư tham gia các hoạt động trên thị trường chứng khoán sẽ nhận được hóa đơn điện tử cho các dịch vụ phát sinh thông qua Email đăng ký tài khoản, qua tài khoản giao dịch tại công ty chứng khoán, hoặc qua cổng thông tin điện tử của đơn vị cung cấp dịch vụ. Trả lời phỏng vấn, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch SBLAW đã cung cấp những lời khuyên để nhà đầu tư có giải pháp bảo vệ quyền lợi khi tham gia các hoạt động trên thị trường chứng khoán:
1. Ông đánh giá như nào về quy định mới này? Việc các thị trường chứng khoán phải gửi hóa đơn này giúp đảm bảo điều gì cho nhà đầu tư, thưa ông?
Trả lời:
Quy định về việc Công ty Chứng khoán phải gửi hóa đơn điện tử là một bước tiến tích cực, góp phần minh bạch hóa hoạt động cung cấp dịch vụ trên Thị trường Chứng khoán. Việc áp dụng hóa đơn điện tử không chỉ là sự tuân thủ pháp luật theo Luật Quản lý thuế và Nghị định 123/2020/NĐ-CP, mà còn nâng cao tính chuyên nghiệp, công khai và minh bạch của các Công ty Chứng khoán.
Cụ thể, theo quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 70/2025/NĐ-CP) và được hướng dẫn bởi Điều 6 Thông tư 32/2025/TT-BTC, các dịch vụ chứng khoán thuộc nhóm dịch vụ có số lượng lớn, phát sinh thường xuyên, cần thời gian đối soát số liệu. Do đó, thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên, nhưng chậm nhất không quá ngày 07 của tháng sau tháng phát sinh dịch vụ hoặc không quá 07 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ quy ước. Nghị định 70/2025/NĐ-CP và Thông tư 32/2025/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/06/2025.
Đối với nhà đầu tư, việc nhận hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích quan trọng:
- Tăng cường minh bạch và rõ ràng về chi phí: Nhà đầu tư sẽ biết chính xác các khoản chi trả (phí giao dịch, phí lưu ký, thuế, v.v.) và dịch vụ tương ứng. Điều này đặc biệt hữu ích cho những nhà đầu tư thường xuyên giao dịch hoặc sử dụng nhiều dịch vụ.
- Hỗ trợ quản lý tài chính cá nhân: Hóa đơn điện tử là cơ sở để đối chiếu, kiểm tra và quản lý tài chính cá nhân chặt chẽ hơn, dễ dàng lưu trữ và kiểm tra lại các khoản phí đã trả, đối chiếu với các báo cáo giao dịch hoặc sao kê tài khoản.
- Bảo vệ quyền lợi trong tranh chấp: Trong trường hợp xảy ra tranh chấp về phí hoặc các dịch vụ đã sử dụng với Công ty Chứng khoán, hóa đơn điện tử là chứng từ quan trọng, cung cấp bằng chứng cụ thể về các khoản đã thanh toán và dịch vụ đã nhận, giúp nhà đầu tư bảo vệ quyền lợi của mình.
- Phòng ngừa gian lận và sai sót: Quy định này góp phần phòng ngừa gian lận, sai sót và tạo áp lực để các Công ty Chứng khoán công khai, minh bạch các khoản thu, hạn chế tình trạng thu sai, thu thừa hoặc những khoản phí ẩn.
- Cải tiến công nghệ và giảm rủi ro: Việc gửi hóa đơn qua email, tài khoản giao dịch hoặc cổng thông tin điện tử thể hiện sự cải tiến trong cách tiếp cận công nghệ, đồng thời giảm thiểu rủi ro thất lạc, gian lận hoặc thiếu minh bạch trong quá trình cung cấp dịch vụ.
Đây là bước đi cần thiết trong xu hướng chuyển đổi số toàn diện của ngành tài chính – chứng khoán.

2. Liệu việc phát hành hóa đơn điện tử này có gia tăng chi phí cho các nhà đầu tư hay không, thưa ông?
Trả lời:
Về bản chất pháp lý, việc phát hành hóa đơn điện tử là trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ – tức là các công ty chứng khoán – theo quy định của Luật Quản lý thuế, Điểm a Khoản 2 Điều 55 Nghị định 123/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan. Do đó, chi phí phát hành hóa đơn điện tử là một phần trong chi phí vận hành của doanh nghiệp và không được chuyển giao trực tiếp cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có khả năng một số Công ty Chứng khoán điều chỉnh cơ cấu biểu phí dịch vụ để tính gộp những chi phí phát sinh từ việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử. Các khoản này có thể xuất hiện dưới dạng phụ phí, phí quản lý tài khoản, hoặc các khoản phí ẩn khác, dù không được thể hiện trực tiếp dưới tên gọi “phí hóa đơn”. Điều này đòi hỏi sự minh bạch trong công bố phí dịch vụ và trách nhiệm giải trình của các tổ chức trung gian tài chính. Về lâu dài, việc triển khai hóa đơn điện tử không những không làm tăng chi phí mà còn có thể giúp tiết giảm chi phí vận hành cho các công ty chứng khoán.
Với hệ thống hóa đơn điện tử, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm chi phí in ấn, lưu trữ, vận chuyển hóa đơn giấy, giảm thiểu sai sót trong nghiệp vụ kế toán, đồng thời dễ dàng tích hợp với hệ thống báo cáo thuế và kiểm toán nội bộ. Từ đó, chi phí hoạt động tổng thể có thể được tối ưu hóa.
Từ góc độ nhà đầu tư, việc có hóa đơn điện tử cho các khoản thu – chi dịch vụ là công cụ quan trọng để theo dõi dòng tiền, đối chiếu chi phí, lưu trữ thông tin đầu tư và làm căn cứ pháp lý khi có tranh chấp phát sinh. Đặc biệt đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, tổ chức hoặc có nghĩa vụ quyết toán thuế, việc có đầy đủ hóa đơn hợp lệ là yếu tố không thể thiếu.
Lời khuyên cho nhà đầu tư: Nhà đầu tư nên chủ động theo dõi biểu phí dịch vụ của công ty chứng khoán, kiểm tra rõ ràng xem có khoản phụ thu nào phát sinh liên quan đến việc phát hành hóa đơn hay không. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, chẳng hạn có khoản phí không được công khai hoặc không tương xứng với dịch vụ cung cấp, nhà đầu tư hoàn toàn có quyền yêu cầu giải thích rõ, hoặc phản ánh tới cơ quan quản lý như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc Sở Giao dịch Chứng khoán để được bảo vệ quyền lợi.

3.Với xu hướng minh bạch hóa thị trường chứng khoán, theo ông, ngoài việc yêu cầu phát hành hóa đơn điện tử, cần gia tăng các quy định nào để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư chứng khoán, thưa ông?
Trả lời:
Việc bắt buộc phát hành hóa đơn điện tử là bước đi phù hợp trong lộ trình minh bạch hóa hoạt động cung cấp dịch vụ chứng khoán. Tuy nhiên, để thực sự bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư một cách hiệu quả, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý theo ba nhóm nội dung sau:
- Tăng cường quy định về công bố thông tin: Đặc biệt là thông tin bất thường và thông tin có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi nhà đầu tư. Mặc dù Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn đã quy định khá rõ về nghĩa vụ công bố thông tin, thực tế vẫn còn nhiều trường hợp doanh nghiệp chậm công bố, công bố thiếu trung thực hoặc không đầy đủ. Do đó, cần quy định chế tài mạnh hơn đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, đồng thời mở rộng trách nhiệm giải trình của ban lãnh đạo doanh nghiệp và tổ chức niêm yết.
- Tăng cường kiểm soát các hành vi thao túng thị trường, giao dịch nội gián và xung đột lợi ích: Đây là các hành vi xâm hại nghiêm trọng đến tính công bằng của thị trường chứng khoán và làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư. Cơ quan quản lý cần đầu tư mạnh hơn vào công nghệ giám sát giao dịch theo thời gian thực, đồng thời tăng cường phối hợp giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán và các cơ quan điều tra để xử lý nhanh chóng, công khai các hành vi vi phạm.
- Bảo vệ nhà đầu tư cá nhân thông qua cơ chế khiếu nại, hòa giải và bồi thường hiệu quả: Hiện nay, chưa có một cơ chế trọng tài hoặc hòa giải chuyên biệt cho các tranh chấp trong lĩnh vực chứng khoán. Việc xây dựng một cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả, có thể là trung tâm hòa giải hoặc trọng tài tài chính độc lập, sẽ tạo thêm một kênh bảo vệ quyền lợi thiết thực cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân vốn yếu thế về mặt thông tin và pháp lý.
Tóm lại, hóa đơn điện tử chỉ là một phần trong chuỗi nỗ lực minh bạch hóa thị trường. Để nhà đầu tư thực sự được bảo vệ, cần có một hệ sinh thái pháp lý đồng bộ, từ công bố thông tin, giám sát giao dịch đến xử lý tranh chấp – tất cả phải lấy lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư làm trọng tâm.