Trong bài "Nguy cơ nợ nần chồng chất khi vay tiêu dùng" đăng trên báo An ninh thủ đô, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:
“Thời gian qua có khá nhiều trường hợp người tiêu dùng khi ký các hợp đồng vay tiêu dùng trả góp mà không xem xét kỹ các điều khoản nên đã rơi vào tình cảnh không trả nổi nợ khi phải chịu những mức lãi suất quá cao” – Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW nhận định.
"Bẫy" hợp đồng
Gần đây, dịịch vụ cho vay tiêu dùng để mua sắm tài sản, hàng hóa đã phát triển nhanh chóng. Ngoài các loại hình cho vay để mua điện thoại, máy tính, các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính còn mở rộng danh mục hàng hóa cho phép vay tiền để mua như dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, mỹ phẩm. Tuy nhiên, những hệ quả của loại hình dịch vụ này cũng đã xuất hiện, ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của một bộ phận người tiêu dùng.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, thực tế đã xảy ra trường hợp, quá trình tư vấn bên cho vay có dấu hiệu cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác, thực hiện nhiều thủ thuật nhằm che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin sai lệch về nội dung của hợp đồng, bao gồm thông tin về lãi suất, về thời hạn vay, về các mức phạt, phí hủy hợp đồng...
Mặt khác, bên cho vay cũng không thực hiện thẩm định thông tin của người tiêu dùng, người tiêu dùng chỉ cần ký là được phê duyệt khoản vay hay không cung cấp hợp đồng cho người tiêu dùng nghiên cứu, tạo tâm lý để người tiêu dùng ký hợp đồng khi chưa nắm rõ các nội dung, không cung cấp hợp đồng đã ký để người tiêu dùng lưu giữ và theo dõi.
Chính những điều khoản lập lờ này ngầm chứa những yếu tố bất lợi cho người tiêu dùng. Trường hợp họ không có khả năng tài chính để trả nợ do kỳ hạn vay thực tế dài hơn so với kỳ hạn người tiêu dùng được thông báo trong quá trình nhân viên tư vấn, sẽ dẫn đến số tiền trả nợ tăng lên nhiều lần hoặc do mức lãi suất thực tế cao hơn nhiều lần so với thông tin người tiêu dùng được thông báo.
Thông qua một số trường hợp hồ sơ gửi tới Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho thấy, lãi suất thể hiện trên hợp đồng đều từ 3-5%/tháng (trong khi theo nhân viên tư vấn thông báo thì lãi suất chỉ từ 1-2%/tháng) hoặc xuất hiện các khoản phạt mà trước đó người tiêu dùng không được thông báo, dẫn tới phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng tới chỉ số xếp hạng tín dụng của người tiêu dùng.
Cần nắm rõ mức lãi suất vay
Cũng theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, để đảm bảo quyền lợi của mình, người người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ trước khi ký hợp đồng vay tiền mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ.
Một vấn đề người tiêu dùng hay gặp phải khi vay tiêu dùng trả góp là được nghe quảng cáo mức lãi suất vay không quá cao, nhưng trên thực tế lại khác khi bị tính các khoản phí hay bảo hiểm. Do đó, trước khi vay, người tiêu dùng cần đề nghị công ty tài chính làm rõ về lãi suất vay, các khoản phí; khoản trả định kỳ hay lãi phạt cũng như thời hạn trả nợ.
Đặc biệt với phương thức trả nợ, cần xác định rõ khi nào thì được coi là trả nợ đúng hạn, ví dụ như tiền đã vào tài khoản của công ty hay khi thực hiện thành công giao dịch chuyển tiền.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần xem kỹ các điều khoản về thanh lý hợp đồng và hủy hợp đồng trước khi ký và phải lưu giữ hợp đồng cẩn thận bởi đây là bằng chứng đảm bảo quyền lợi của các bên khi xảy ra tranh chấp.
Khi có tranh chấp phát sinh, ngoài việc phản ánh qua điện thoại tới bộ phận có liên quan của đơn vị cung cấp dịch vụ, người tiêu dùng nên kết hợp gửi email hoặc gửi thư để đảm bảo lưu vết thông tin, tránh trường hợp các công ty cung cấp dịch vụ tài chính đưa ra lý do không tiếp nhận được khiếu nại của người tiêu dùng, nên không có cơ sở giải quyết.