Trong bài "Nguy cơ bị phạt tù vì cho người khác mượn tài sản để phạm tội" đăng trên báo An ninh thủ đô có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thị Thu -Giám đốc Công ty Luật SB LAW.
Câu hỏi:
Tôi cho người họ hàng mượn xe máy nhưng anh ta lại dùng chiếc xe này để đi cướp giật và bị công an bắt. Tôi đã đem giấy tờ xe đến chứng minh đó là xe của mình song vẫn chưa được mang xe về. Xin hỏi trong trường hợp này, chiếc xe của tôi sẽ được giải quyết ra sao và tôi có phải chịu trách nhiệm liên đới đối với hành vi phạm tội mà người họ hàng của mình đã thực hiện? Hoàng Trung (Thái Nguyên).
Luật sư trả lời:
Điều 41 BLHS đã quy định, công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành sẽ bị tịch thu do trực tiếp liên quan đến tội phạm. Với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Vật, tiền thuộc tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước.
Mặt khác, Bộ luật TTHS cũng quy định nếu vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu hủy; Nếu vật chứng là vật, tiền bạc của đối tượng khác bị người phạm tội chiếm đoạt làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp.
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn cho mượn xe máy, nhưng người mượn xe máy của bạn đã sử dụng xe máy này làm phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội (đi cướp giật). Nếu bạn biết rõ ý định của người họ hàng là mượn xe để đi cướp giật thì bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò là người giúp sức (tạo những điều kiện về vật chất cho việc thực hiện tội phạm).
Tài sản là chiếc xe máy sẽ bị coi là công cụ, phương tiện phạm tội và bị xử lý bằng cách tịch thu, sung công quỹ. Còn nếu bạn không biết về hành vi phạm tội của người mượn xe, việc bạn cho mượn xe là hợp đồng dân sự, người họ hàng dùng xe đó để thực hiện hành vi phạm tội thì phương tiện phạm tội là chiếc xe sẽ được trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp là bạn. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, khi cơ quan tố tụng xét thấy việc tạm giữ phương tiện không còn ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án sẽ trả lại tài sản cho bạn.
Nguồn: http://anninhthudo.vn/doi-song/nguy-co-bi-phat-tu-vi-cho-nguoi-khac-muon-tai-san-de-pham-toi/733336.antd