Câu hỏi: Tôi đang làm giúp việc gia đình tại Hà Nội. Trong 2 tuần gần đây, ông chủ hay đụng chạm vào cơ thể tôi và đã có lần ôm tôi nhưng tôi chống cự. Tôi không dám nói với ai, cũng không dám nghỉ việc vì chưa hết hợp đồng lao động. Xin hỏi: Có cách nào nghỉ việc mà không bị đền hợp đồng hay không?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Khoản 2 Điều 8 và Khoản 1 Điều 183 Bộ luật lao động năm 2012 quy định nghiêm cấm các hành vi quấy rối tình dục người lao động.
Về trường hợp của bạn, tại Điều 36 Bộ luật Lao động 2012 quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
“1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này.
2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.
5. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.
6. Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này.
9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.
10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã”.
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động 2012 quy định về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động: “Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động; …”
Điều 182 về nghĩa vụ của người lao động là giúp việc gia đình như sau:
“1. Thực hiện đầy đủ thỏa thuận mà hai bên đã ký kết trong hợp đồng lao động.
2. Phải bồi thường theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật nếu làm hỏng, mất tài sản của người sử dụng lao động.
3. Thông báo kịp thời với người sử dụng lao động về những khả năng, nguy cơ gây tai nạn, đe dọa an toàn, sức khỏe, tính mạng, tài sản của gia đình người sử dụng lao động và bản thân.
4. Tố cáo với cơ quan có thẩm quyền nếu người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động hoặc có những hành vi khác vi phạm pháp luật”.
Như vậy, bạn hoàn toàn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi có căn cứ chứng minh mình bị quấy rối tình dục, tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.