Trong bài "Người dân Hà Nội bức xúc vì chủ đầu tư “chây ì” phòng cháy chung cư" đăng trên báo VOV, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB LAW.
Người dân Hà Nội bức xúc vì nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện hệ thống phòng cháy nhưng họ vẫn cố tình không triển khai.
Sau khi công bố danh sách 79 chung cư cao tầng vi phạm an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Hà Nội, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các Sở, ngành chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm.
Trước hết sẽ tăng cường kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục sai phạm, nếu cố tình không thực hiện sẽ bị đình chỉ hoặc cưỡng chế.
Tòa nhà CT11, Khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ, quận Hoàng Mai là một trong 79 chung cư cao tầng không đảm bảo về an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Hà Nội. Chủ đầu tư của dự án này là Tập đoàn Mường Thanh hiện đang có tới 13 tòa chung cư nằm trong danh sách “đen” được công bố. Hơn 700 hộ dân tại tòa CT11 rất bức xúc vì đã dọn về ở hơn 3 năm, nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện hệ thống phòng cháy, chữa cháy để được nghiệm thu, nhưng họ vẫn cố tình không triển khai.
Ông Nguyễn Tường Lân, Trưởng Ban quản trị tòa nhà CT11 cho biết: “Chủ đầu tư Mường Thanh là 1 trong những chủ đầu tư chây ì và không muốn làm bất cứ cái gì động chạm đến kinh tế, họ tính lợi nhuận là trên hết thôi. Nhân dân ở đây rất lo lắng, hệ thống phòng cháy chữa cháy ở đây hiện vẫn chưa đảm bảo, ảnh hưởng không chỉ đến tài sản mà còn tính mạng con người nữa”
Theo phản ánh của người dân, thi thoảng có thấy lực lượng chức năng đến kiểm tra, song không hiểu sao hơn 3 năm mà tòa nhà vẫn chưa được nghiệm thu hệ thống phòng cháy, chữa cháy.
Ông Nguyễn Văn Hinh, Tổ phó Tổ dân phố 21 CT11, Khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ cho rằng, hầu hết bà con ở đây rất đồng tình với việc lãnh đạo thành phố Hà Nội kiên quyết xử lý mạnh đối với các chủ đầu tư chây ì, không chịu khắc phục sai phạm, trong đó có biện pháp cao nhất là không giao đất, cho thuê đất đối với các chủ đầu tư này.
“Tôi hoàn toàn nhất trí là chủ đầu tư xây chung cư bán cho dân rồi, nhưng về công tác phòng chống cháy nổ không bảo đảm thì không cấp đất và không cho xây chung cư bán nữa. Chứ bây giờ tính mạng con người là rất quan trọng, mà ở đây không chỉ có vài người mà hàng chục, hàng trăm người”- ông Nguyễn Văn Hinh nói.
Trung tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Hướng dẫn, Chỉ đạo về phòng cháy, Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Hà Nội nhận định, sai phạm chủ yếu của các chủ đầu tư là khi chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu hệ thống phòng cháy, chữa cháy đã đưa người dân vào ở, bị nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn không khắc phục.
Thực tế, chủ đầu tư đều biết sai nhưng vẫn làm, còn người dân dù biết công trình chưa được nghiệm thu, không đảm bảo an toàn vẫn về ở. Thực hiện yêu cầu của lãnh đạo thành phố, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc để từ nay đến cuối năm, buộc các chủ đầu tư chấp hành khắc phục các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy.
Sau khi công bố danh sách, quyết liệt kiểm tra, yêu cầu khắc phục, đến thời điểm này, gần 10 công trình trong số 79 tòa chung cư vi phạm đã được nghiệm thu hệ thống phòng cháy, chữa cháy.
Trung tá Phạm Trung Hiếu nói: “Nếu chủ đầu tư không thực hiện thì buộc phải có các tình tiết tăng nặng như chỉ đạo của UBND thành phố, tăng cường công tác kiểm tra, 15 ngày 1 lần. Khi đã ra quyết định phạt để khắc phục rồi mà không khắc phục thì buộc phải tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở.
Việc này liên quan đến chung cư, an sinh của người dân, vì vậy người dân cũng phải đồng tình với cơ quan quản lý để cương quyết yêu cầu chủ đầu tư phải khắc phục tồn tại, không để tiếp tục chây ì nữa. Chúng tôi cũng tiếp tục bám sát để ngăn chặn việc các công trình mới phát sinh vi phạm về an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà chung cư cao tầng”.
Kiên quyết xử lý, không giới thiệu giao đất, cho thuê đất đối với chủ đầu tư 79 dự án vi phạm được cho là những biện pháp mạnh của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc thực hiện không chỉ nằm ở các chủ đầu tư mà còn từ phía các cơ quan chức năng.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho rằng, để tồn tại số lượng lớn công trình vi phạm quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy như thời gian qua, trước hết là các chủ đầu tư vẫn thiếu ý thức, coi thường pháp luật, nhưng đó cũng thể hiện sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, nhất là trong khâu hậu kiểm.
“Nếu chủ đầu tư không thực hiện thì yêu cầu phải ngừng thi công, nếu đã hoàn thiện rồi thì phải áp dụng các biện pháp mạnh khác buộc họ phải hoàn thiện tại dự án đó. Trong trường hợp họ không chịu thực hiện thì tôi nghĩ biện pháp của thành phố Hà Nội là không tiếp tục giao đất, cho thuê đất để họ triển khai dự án mới thì đó là một biện pháp cứng rắn, có tính răn đe mạnh đối với các chủ đầu tư. Vì khi đó họ sẽ không tiếp tục phát triển được các dự án mới, công ty sẽ bị ngừng trệ, và đây là một sức ép lớn” - Luật sư Nguyễn Thanh Hà nói.
Việc có chế tài mạnh tay để xử lý vi phạm là cần thiết, nhưng thay vì bắt buộc khắc phục, xử lý sau khi công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, thì điều quan trọng là cần kiểm tra nghiêm túc ngay từ khi công trình đang được xây dựng.
Hơn nữa, để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, thì bên cạnh hệ thống trang thiết bị, cần có quy trình và các kĩ năng thoát nạn khi xảy ra sự cố. Do vậy, bên cạnh trách nhiệm của chủ đầu tư, ý thức của người dân trong tòa nhà, vẫn cần có sự giám sát thường xuyên của các cơ quan quản lý sau khi đã nghiệm thu công trình.
Nguồn: http://vov.vn/xa-hoi/nguoi-dan-ha-noi-buc-xuc-vi-chu-dau-tu-chay-i-phong-chay-chung-cu-648335.vov