Câu hỏi: Mình ở Hà Nội. Mình có ký hợp đồng với 1 công ty 12 tháng nhưng mình chỉ làm được hơn hai tháng rồi nghỉ và còn 30 ngày lương chưa lấy công ty bảo 45 ngày sau quay lại lấy và được biết sẽ bị trừ một số tiền là trên 2 triệu và nói đó là tiền trừ do huỷ hợp đồng không đúng thời hạn. Vậy cho mình hỏi có phải là bị trừ tiền lương là đúng với quy định của pháp luật không?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn ký hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng với công ty. Tuy nhiên, bạn làm việc tại công ty 02 tháng thì nghỉ việc. Như vậy trường hợp của của bạn là chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn. Do bạn không cung cấp đầy đủ thông tin về việc bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn hay bạn và công ty thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn. Vậy nên chúng tôi đưa ra 2 trường hợp dưới đây:
Trường hợp 1: Đơn phương chấm dứt hợp đồng
Theo quy định tại Điều 37 Bộ luật lao động 2012, bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu thuộc các trường hợp sau:
“1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;
d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;
đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;
e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;
g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.
2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:
a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;
b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;
c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này”.
Cụ thể hơn, các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động được quy định tại Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động:
“Điều 11. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tại Điểm c Khoản 1 Điều 37 của Bộ luật Lao động trong các trường hợp bị người sử dụng lao động đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự hoặc cưỡng bức lao động; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tại Điểm d Khoản 1 Điều 37 của Bộ luật Lao động trong các trường hợp sau đây:
a) Phải nghỉ việc để chăm sóc vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng, con đẻ, con nuôi bị ốm đau, tai nạn;
b) Khi ra nước ngoài sinh sống hoặc làm việc;
c) Gia đình gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh hoặc chuyển chỗ ở mà người lao động đã tìm mọi biện pháp nhưng không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động”.
Theo Điều 36 Bộ luật lao động 2012, trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo Điều 37 Bộ luật lao động được coi là trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động.
“Điều 36. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này”.
Nếu việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của bạn thuộc một trong những trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 37 Bộ luật lao động 2012 và tuân thủ thời gian báo trước thì hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng của bạn là hợp pháp. Do đó bạn không phải bồi thường bất kỳ một khoản tiền nào đối với người sử dụng lao động (công ty). Không những vậy người sử dụng lao động còn có trách nhiệm thanh toán các khoản có liên quan đến quyền lợi của bạn trong vòng 07 ngày làm việc, trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày theo quy định:
“Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động
1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán.”
Trường hợp bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không thuộc một trong những trường hợp đã nêu ở Điều 37 hoặc vi phạm thời gian về việc báo trước cho người sử dụng lao động thì nghĩa vụ của bạn sẽ được điều chỉnh tại Điều 43 Bộ luật lao động 2012:
“Điều 43. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này”.
Do đó, nếu bạn thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì bạn sẽ phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và nếu vi phạm về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
Trường hợp 2: Hai bên thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn
Khi người lao động có nhu cầu chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn mà được người sử dụng lao động đồng ý thì thuộc 1 trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động:
“Điều 36. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này.
2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động …”.
Như vậy khi đã được người sử dụng lao động đồng ý thì việc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn là hợp pháp. Bạn không có trách nhiệm phải bồi thường hay người sử dụng lao động không được trừ tiền của bạn vì lý do hủy hợp đồng không đúng hạn. Người sử dụng phải thực hiện trách nhiệm của mình như quy định tại Điều 47 Bộ luật Lao động.