Ngân hàng lập ngân hàng: Phải có 100.000 tỷ đồng!

Nội dung bài viết

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành thông tư quy định về việc cấp giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2012, trong đó bổ sung và sửa đổi một số điều kiện nhằm nâng cao hơn các rào cản kỹ thuật trong việc thành lập các ngân hàng mới.

Những sửa đổi, bổ sung đó tập trung ở quy định về điều kiện đối với cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập.

Cụ thể, thông tư mới bổ sung điều kiện "Không phải là cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập, cổ đông chiến lược của một tổ chức tín dụng Việt Nam". Theo Ngân hàng Nhà nước, quy định này là để hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống tổ chức tín dụng, hạn chế xung đột lợi ích tiềm tàng và bảo đảm nguồn lực tài chính của một cổ đông, thành viên sáng lập tập trung vào một ngân hàng thương mại.

Các cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội theo quy định, nhằm đảm bảo năng lực tài chính là thực sự lành mạnh.

Đáng chú ý là thông tư trên nâng cao điều kiện tổ chức là cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập ngân hàng phải có lãi trong 5 năm liên tiếp liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, thay cho quy định trước đây chỉ là 3 năm. Và đối với tổ chức là ngân hàng thương mại thì phải có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỷ đồng tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, trong khi quy định trước đây là 50.000 tỷ đồng.

Việc sửa đổi này được Ngân hàng Nhà nước giải thích là nhằm đảm bảo sàng lọc được các tổ chức tham gia thành lập ngân hàng thực sự có tiềm lực tài chính đáp ứng được các yêu cầu phát triển mới của hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, các tổ chức trên phải tuân thủ điều kiện, giới hạn mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 6 Điều 103 Luật các Tổ chức tín dụng. Đây là quy định mới của Luật các Tổ chức tín dụng nhằm hạn chế việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng trong hệ thống.

Thông tư cũng thay thế điều kiện về tỷ lệ nợ xấu bằng quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng đầy đủ nhằm phản ánh được khả năng quản trị rủi ro và sự chuẩn bị của ngân hàng thương mại khi tổn thất phát sinh...

(Theo vbonline.com.vn)

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan