Ném vỡ kính xe khách, tàu hỏa, phạm tội gì?

Nội dung bài viết

Trong bài "Ném vỡ kính xe khách, tàu hỏa, phạm tội gì?" đăng trên báo An ninh Thủ đô, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thị Thu - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Qua thông tin trên báo chí, tôi được biết thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc cá nhân ném gạch đá làm vỡ kính xe khách, tàu hỏa khiến không ít hành khách bị thương, làm hư hỏng tài sản của Nhà nước. Xin hỏi, người thực hiện hành vi này có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Lưu Thị Anh Thơ (Hà Tĩnh).

Trả lời: Điều 143 - BLHS về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; Gây hậu quả nghiêm trọng; Để che giấu tội phạm khác; Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng; Gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 7-15 năm… Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Theo quy định trên, khái niệm gây hậu quả nghiêm trọng được hiểu như sau:

Nếu gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản thì được xác định: Làm chết một người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 1-2 người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 3-4 người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31-60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61-100%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31-60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đến dưới 50 triệu đồng; Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đến dưới 500 triệu đồng.

Có thể nói, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng có hành vi ném vỡ kính xe buýt, tàu hỏa phụ thuộc vào độ tuổi của đối tượng và thực tế thiệt hại về người và tài sản cùng các chứng cứ, tài liệu liên quan khác.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan