Nắm chắc quy định pháp luật để hạn chế rủi ro khi mua nhà, đất

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trong Chương trình Bạn & Pháp luật về vấn đề:" Nắm chắc quy định pháp luật để hạn chế rủi ro khi mua nhà, đất". Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu 1: Trở lại với luật sư … Có thể nói, việc mua nhà là một quá trình chưa bao giờ đơn giản, ngay cả đối với người có chuyên môn như luật sư, giới đầu tư, hay người thường xuyên tiếp xúc với lĩnh vực bất động sản. Nguyên nhân đến từ đâu thưa ông?

Luật sư trả lời:

Có tiền chưa chắc đã mua được nhà, mua được đất. Bởi lẽ trong thời buổi kinh tế thị trường phát triển hiện nay, thì quá nhiều cơ hội cho người dân để mua nhà, nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại không ít những rủi ro pháp lý khi mua bán nhà, đất, khiến cho nhiều người tiền mất, tật mang, không được mua được nhà, đất và cũng không còn tiền.

Có thể nói, rủi ro đã nằm sẵn từ đối tượng nhà ở và chủ sở hữu của nó, hay rủi ro sinh ra những gì người mua nhà tiếp xúc, từ việc tìm kiếm nhà, tìm chuyên gia cố vấn…

Đơn cử như: Trong số những người mua nhà, có không ít người mua nhà lần đầu, nên muốn hiểu về quá trình giao dịch, thủ tục giao dịch và mong được suôn sẻ. Tuy nhiên, họ luôn mang nặng tâm lý lo lắng, đôi khi kể cả những vấn đề không đáng lo, nên càng thêm phần nặng gánh. Cũng chính từ đó, người mua dễ mất phương hướng trong việc ra quyết định, hay càng làm phát sinh thêm những vướng mắc do việc chưa hiểu, hồ nghi của chính mình.

Do đó, thiết nghĩ người mua nhà cần phải nhận diện rủi ro, loại trừ rủi ro và nếu xảy ra rủi ro, phải có biện pháp hạn chế rủi ro.

Câu 2: Vậy qua quá trình hành nghề của mình, ông thấy những rủi ro thường gặp nhất người dân gặp phải khi mua nhà, đất là gì?

Luật sư trả lời:

Những rủi ro mà người dân thường gặp phải khi mua nhà, đất là:

Thứ nhất, không công chứng giấy tờ đặt cọc tiền khi mua bán nhà đất

Nguyên nhân là người bán nhà đất vì lý do túng thiếu sẵn sàng treo biẻn bán và cùng lúc nhận tiền đặt cọc mua nhà từ nhiều người, ai đến xem mua họ đều đặt cọc.

Nhiều trường hợp ngại đến văn phòng công chứng, sợ mất thêm tiền, chỉ dùng giấy viết tay để thỏa thuận đặt cọc, đến khi tranh chấp phát sinh hay bị bùng tiền thì không có tòa án nào giải quyết.

Thứ hai, gặp phải giấy tờ nhà đất giả mà không biết

Trường hợp 1: Bằng cách lợi dụng sự tin tưởng, thân thiết với chủ nhà sau đó mượn giấy tờ nhà đất rồi làm giả, sau đó còn làm giả luôn các giấy tờ chứng minh để thực hiện giao dịch mua bán nhà.

Trong trường hợp này thì 1 là chủ nhà không biết, 2 là chủ nhà thông đồng với người mua bán để lừa tiền khách mua.

Trường hợp 2: Chủ nhà cầm chính giấy tờ giả mà mình đang giữ để thực hiện giao dịch mua bán và họ cũng không hề biết. Giấy tờ thật được cầm cố ở một ngân hàng khác.

Thứ ba, Nhà được bán thuộc diện bị thế chấp tại ngân hàng

Dù nhà, đất đã được thế chấp tại Ngân hàng nhưng chủ nhà vẫn muốn bán căn nhà này, dẫn đến nhiều rủi ro pháp lý cho người mua khi thực hiện giao dịch này.

Thứ tư, Người mua nhà đã đặt cọc, nộp tiền mua nhà theo đúng tiến độ, nhưng sau đó, dự án này bị treo

Nhiều dự án treo hiện nay vẫn cứ tồn tại từ năm này qua năm khác, chủ đầu tư đã nhận tiền cọc, tiền mua nhà theo tiến độ với người mua, nhưng vì nhiều lý do như: chủ đầu tư không thể gom đủ số tiền huy động vốn từ người mua để thực hiện dự án hay là chủ đầu tư vì có hành vi vi phạm pháp luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự…do đó, không thể tiếp tục thực hiện dự án…

Thứ năm, đã mua nhà xong, hoàn thành nghĩa vụ trả tiền mua nhưng chưa nhận đủ giấy tờ nhà

Trường hợp phổ biến nhất là các dự án bất động sản, khi người mua nhà đã có nhà để ở, đã trả đủ tiền nhưng mà vẫn chưa nhận đủ giấy tờ nhà. Điều này sẽ gây ra khó khăn cho người mua, nhất là những người vừa mua nhà xong, nhưng không đủ khả năng tài chính và muốn bán lại căn nhà đó…
Câu 3: Trước những rủi ro này thì nguy cơ mà người dân gặp phải sẽ là gì và thường thì khi nào họ sẽ tìm đến sự tư vấn của các Luật sư?

Luật sư trả lời:

Nguy cơ mà người mua nhà có thể gặp phải khi gặp những rủi ro trên là

tiền mất, tật mang, không được mua được nhà, đất và cũng không còn tiền. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ khi xảy ra tranh chấp, rủi ro rồi người mua nhà đất mới tìm đến luật sư để nhờ tư vấn.

Thiết nghĩ, nhằm tránh rủi ro, trước hết, người mua nhà hoặc những người muốn mua nhà trong tương lai cần trang bị dần các kiến thức, hoặc có thể tính tới việc thuê luật sư riêng (nếu có điều kiện) để giúp mình an tâm trong mọi giao dịch dân sự, kể cả việc mua nhà.

Câu 4: Một kiểu mua bán nhà đất khá phổ biến hiện nay là mua nhà đang bị thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng, vì mức giá rẻ hơn khá nhiều so với các giao dịch thông thường. Quá trình mua bán này có sự tham gia của 3 bên là người bán nhà cũng là bên đang có tài sản thế chấp ngân hàng. Dù có một số lợi ích nhất định nhưng mua bán nhà ở thế chấp ngân hàng vẫn có nhiều rủi ro phải không thưa Luật sư?

Luật sư trả lời:

Thông thường nếu giao dịch diễn ra suôn sẻ thì mua nhà thế chấp ngân hàng đều lợi cho cả ba bên. Với người bán nhà có thể tránh được việc không trả được nợ dẫn tới bị ngân hàng phát mãi nhà (nhà bị phát mãi sẽ giảm giá trị so với thực tế), với người mua nhà có thể yên tâm rằng căn nhà không nằm trong diện quy hoạch hoặc vướng mắc các vấn đề pháp lý nên được ngân hàng đồng ý thế chấp, còn về phía ngân hàng có thể thu hồi nợ nhanh.

Căn cứ Khoản 3 Điều 318 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tài sản thế chấp thì trong trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất, mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 320 Bộ luật Dân sự 2015 về nghĩa vụ của bên thế chấp tài sản thì bên thế chấp không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp được bên nhận thế chấp đồng ý.

Như vậy, đối với căn nhà định mua bán đang được thế chấp tại ngân hàng, nếu được sự đồng ý của ngân hàng, giữa gia đình bạn và bên bán ngôi nhà sẽ được thực hiện việc mua bán này.

Tuy nhiên, thực tế vẫn có trường hợp Bên bán yêu cầu Bên mua đặt cọc trước một khoản tiền để bên bán thanh toán cho ngân hàng và làm thủ tục giải chấp. Làm vậy người mua có thể gặp rủi ro vì người bán nhận tiền đặt cọc nhưng không trả nợ ngân hàng. Lúc này người mua đòi lại tiền cọc là không hề đơn giản.

Thậm chí ngay cả khi đã thực hiện cam kết 3 bên, người mua trả đầy đủ số tiền bên bán đang nợ và Ngân hàng kí lệnh giải chấp, trả Sổ đỏ để các bên tiến hành thủ tục mua bán thì người bán vẫn lật lọng, không thực hiện tiếp thủ tục cần thiết để bàn giao nhà. Do vậy mới có câu mua bán nhà, đất thế chấp ngân hàng chẳng khác nào “nắm dao đằng lưỡi” và người mua phải có kiến thức luật tốt, thực hiện giao dịch một cách chặt chẽ mới mong hạn chế được rủi ro.

Câu 5:

Liên quan đến việc mua nhà đang bị thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng, chúng tôi nhận được câu hỏi của thính giả tên Nga ở Cầu Giấy – Hà Nội với nội dung như sau:

Băng: “Vợ chồng tôi dự định mua căn nhà có diện tích 35 m2 nhưng sổ đỏ chủ cũ đang thế chấp ngân hàng. Trong trường hợp này, thủ tục giải quyết thế nào? Tôi có được đứng tên sổ đỏ khi chuyển nhượng?”

Xin mời Luật sư tư vấn cho chị Nga

Luật sư trả lời:

Khoản 5 Điều 321 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền của bên thế chấp như sau:

"5. Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật".

Như vậy, về nguyên tắc vợ chồng bạn có thể nhận chuyển nhượng căn nhà (đang thế chấp ở ngân hàng) và làm thủ tục đăng ký sang tên quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất nếu được ngân hàng đồng ý.

Việc chuyển nhượng có thể thực hiện theo một trong các trường hợp sau:

Trường hợp thứ nhất: Được ngân hàng đồng ý cho chuyển nhượng quyền sử dụng nhà, đất đang thế chấp để thu hồi nợ. Trong trường hợp này, việc chuyển nhượng sẽ tiến hành giữa 3 bên: bên bán, bên mua và ngân hàng. Khoản tiền mua bán nhà sẽ được bên mua chuyển trực tiếp cho ngân hàng, cả gốc lẫn lãi của khoản vay. Ngân hàng sẽ trả lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho bên bán để bên bán giao cho bên mua.

Thông thường, khoản tiền trả cho ngân hàng là khoản tiền của bên mua ứng ra, vì vậy trước khi nộp tiền cho ngân hàng, việc ứng tiền trước giữa bên bán và bên mua cần phải được lập thành văn bản để phòng ngừa rủi ro. Trong văn bản này cần ghi rõ việc bên mua ứng tiền cho bên bán để bên bán trả nợ ngân hàng; bên bán có nghĩa vụ bàn giao ngay sổ đỏ cho bên mua khi được ngân hàng trả lại; quy định về việc phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại nếu bên bán vi phạm.

Trường hợp thứ hai: Bên vay thay thế biện pháp bảo đảm hoặc đưa một tài sản khác vào bảo đảm.cho khoản vay và rút sổ đỏ ra để thực hiện giao dịch mua bán như bình thường.

Sau khi bên có nghĩa vụ được bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng hoặc thay thế biện pháp bảo đảm,/tài sản bảo đảm như nêu trên, ngân hàng sẽ trả lại sổ đỏ và ra thông báo giải chấp và chủ sử dụng đất có thể thực hiện thủ tục xóa đăng ký thế chấp tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm).

Sau khi hoàn tất các thủ tục với ngân hàng, hai bên đến Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng để làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Người bán và người mua cần xuất trình chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn của 2 vợ chồng (nếu đã kết hôn) hoặc nếu chưa kết hôn hay đã ly hôn thì phải có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân) và sổ đỏ của ngôi nhà sẽ chuyển nhượng.

Tiếp theo, vợ chồng bạn làm thủ tục sang tên tại Phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc Văn phòng đăng ký đất đai – thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; nộp thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ nhà đất tại Chi cục thuế cấp huyện nơi có bất động sản.

Nếu hồ sơ hoàn thiện, đúng và đầy đủ, trong khoảng thời hạn tối đa 30 ngày, vợ chồng bạn có thể nhận lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã sang tên.

Câu 6: Cũng về nội dung này, thính giả Trần Huy Hùng có đăt câu hỏi như sau:

Băng: “Tôi đang dự định mua nhà có thế chấp ngân hàng mua với giá 650tr nhưng chủ nhà đã thế chấp 70tr rồi... Giờ chủ nhà yêu cầu tôi đặt cọc 10tr tôi có nên đặt và rủi ro cao không? Nếu tôi mua căn nhà đó có cần sự đồng ý của ngân hàng không?”

Xin mời Luật sư tư vấn cho anh Hùng

Luật sư trả lời:

Trong trường hợp này, để tránh những rủi ro không đáng có bạn có thể lựa chọn cách ký hợp đồng đặt cọc theo quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015.

Theo đó, bạn sẽ chuyển trước cho bên chủ nhà một số tiền đặt cọc để đảm bảo rằng khi có điều kiện giao kết hợp đồng, bên chủ ngôi nhà sẽ thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để chuyển nhượng một phần thửa đất cho bạn. Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản và phải được chứng thực tại UBND xã hoặc tại các tổ chức hành nghề công chứng.

Khi mua nhà có thế chấp ngân hàng, cần phải có sự đồng ý của ngân hàng bạn nhé.

Câu 7: Tiếp theo là câu hỏi của thính giả Hồ Văn Long ở địa chỉ email LongVH@gmail.com với nội dung:

Hiện nay, tôi có nhu cầu mua 1 căn nhà, chủ nhà có copy cho tôi 1 bản sổ hồng không có chứng thực và yêu cầu tôi muốn mua nhà phải đặt cọc trước 100 triệu ( tức 10% giá trị căn nhà ). Tôi hẹn sau khi đặt cọc 4 tháng sau mới chồng tiền và chủ nhà cũng nhanh chóng nhận lời. Được biết chủ nhà mới mua ngôi nhà này chưa được 1 năm đã bán. Tôi yêu cầu đặt cọc có công chứng nhưng chủ nhà chưa đồng ý.

Tôi sợ chủ nhà sẽ bỏ đi và mình bị mất tiền cọc, xin hỏi luật sư có thể hướng dẫn tôi cách đặt cọc tiền nhà an toàn nhất không? Xin cảm ơn !

Luật sư trả lời:

Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về đặt cọc như sau:

1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”.

Như vậy, pháp luật không quy định việc đặt cọc phải công chứng.

Vì vậy, để hạn chế rủi ro khi ký hợp đồng đặt cọc mua bán nhà, trước hết bạn cần kiểm tra tình trạng pháp lý của căn nhà, cụ thể là căn nhà có đủ điều kiện để bán hay không.

Theo đó, căn cứ Điều 118 Luật Nhà ở năm 2014, nhà ở tham gia giao dịch mua bán, chuyển nhượng phải có đủ các điều kiện sau đây:

- Có Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;

- Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn;

- Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền.

Bạn nên yêu cầu người bán cung cấp đầy đủ bản sao (có công chứng mới nhất) của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của ngôi nhà nêu trên cùng hộ khẩu, chứng minh nhân dân của người bán (của cả vợ chồng nếu người bán đã có vợ, chồng), đồng thời, đến UBND cấp xã nơi có đất yêu cầu cung cấp các thông tin về nhà ở như nêu trên để kiểm tra điều kiện nhà ở bán trước khi đặt cọc.

Khi đặt cọc, bạn cần phải lập hợp đồng đặt cọc, trong đó quy định rõ trách nhiệm của bên bán nếu vi phạm, yêu cầu bên bán trả lại tiền đặt cọc và một khoản tiền tương đương số tiền đặt cọc (hoặc một số tiền lớn hơn) ngay lập tức trong trường hợp bên bán không thực hiện đúng cam kết.

Câu 8: Để thuận tiện và tiết kiệm thời gian thì nhiều người có nhu cầu mua nhà, đất đã tìm đến các dịch vụ môi giới nhà đất. Khi tìm đến dịch vụ này thì cần lưu ý điều gì, thưa Luật sư?

Luật sư trả lời:

Hiện nay, nhiều người mua nhà còn e ngại mua nhà qua môi giới, do không ít những người hành nghề môi giới tự do làm ăn thiếu trung thực. Có rất nhiều trường hợp khách hàng bị lừa mua với giá cao hơn, hay mua phải những căn nhà bị tranh chấp, giấy tờ pháp lý không rõ ràng.

Do đó, để tránh “tiền mất tật mang”, người mua cần lưu ý những điều sau:

Thứ nhất, cảnh giác với các môi giới tự do

Môi giới tự do không làm việc cho sàn bất động sản nào mà tự hành nghề giới thiệu bên mua với bên bán và ngược lại. Và thông thường, họ không phải là người tiếp cận được với chính chủ nhà mà còn phải thông qua rất nhiều cầu môi giới khác. Đôi khi họ thấy một mẩu tin rao bán trên mạng và tìm đến để tự làm công việc môi giới.

Để tránh rủi ro, khách hàng nên tìm đến những đơn vị môi giới chuyên nghiệp, có uy tín, đủ điều kiện hoạt động.

Thứ hai, kiểm chứng thông tin của môi giới

Nhiều môi giới không nắm rõ thông tin về chính các sản phẩm mình đang giới thiệu. Do đó, có thể những thông tin họ đưa ra không chính xác, thậm chí không trung thực và khách quan về sản phẩm đó cũng như lượng cung - cầu thực của thị trường. Họ đưa ra những hình ảnh cóp nhặt, chắp vá để đánh vào tâm lý thích nhà đẹp, giá rẻ của người mua.

Thậm chí, nhiều môi giới còn chưa từng nhìn tận mắt sản phẩm mình đang quảng cáo. Qua một đồng nghiệp, họ biết đến căn hộ hoặc lô đất ở khu vực đó nên cứ mang đi giới thiệu, biết đâu gặp được ai đó có nhu cầu. Vì vậy, người mua nhà sau khi yêu cầu môi giới cung cấp các thông tin về hồ sơ pháp lý của sản phẩm đó nên tự mình đến tận nơi để xác minh, tìm hiểu thông tin.

Thứ ba, làm rõ các chi phí, thủ tục liên quan

Các khoản chi phí là rất quan trọng trong giao dịch nhà đất qua trung gian. Do đó, xem xét, đọc kỹ, kiểm chứng các giấy tờ, hồ sơ về dự án cũng như những khoản chi phí trước khi thực hiện đặt cọc, đặt chỗ, … Liên quan đến các thủ tục, nếu bạn không phải là người am hiểu về pháp luật thì nên tìm đến các công ty luật để được tư vấn cặn kẽ về các thủ tục pháp lý khi giao dịch.

Câu 9: Thính giả Trần Hải Hà có gửi câu hỏi cho chương trình với nội dung như sau: Tôi thấy dịch vụ môi giới nhà dất rất tiện lợi. Nhưng về phí phần trăm môi giới thì không hiểu lắm. Ví dụ phí môi giới là bao nhiêu ? Phí này thay đổi như thế nào ? Phí này bao gồm các công việc gì ? Trách nhiệm của nhà môi giới đến đâu ? Xin mời Luật sư tư vấn cho câu hỏi của chị Hà.

Luật sư trả lời:

Phí dịch vụ môi giới nhà đất hiện nay là sự thỏa thuận giữa người có nhu cầu mua hoặc bán nhà đất với các tổ chức và cá nhân người môi giới.

Phí dịch vụ cao hay thấp phụ thuộc vào nội dung cần dịch vụ môi giới và thời gian yêu cầu. Ví dụ: Người cần mua nhà yêu cầu người môi giới giới thiệu 1 căn nhà tại 1 quận nào đó thì giá phí là A (đồng). Trường hợp đặt thêm điều

kiện là làm luôn thủ tục chuyển chủ quyền sang người mua thì phí là B (đồng) và khi đó mức phí B sẽ lớn hơn A.

Trách nhiệm của nhà môi giới chịu sự chi phối của Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014 và sự thỏa thuận bằng hợp đồng giữa các bên ký hợp đồng. Cụ thể Điều 67 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 có quy định về Nghĩa vụ của doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản như sau:

- Thực hiện đúng hợp đồng đã ký với khách hàng.

- Cung cấp hồ sơ, thông tin về bất động sản do mình môi giới và chịu trách nhiệm về hồ sơ, thông tin do mình cung cấp.

- Hỗ trợ các bên trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.

- Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật và chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

- Thực hiện nghĩa vụ về thuế với Nhà nước theo quy định của pháp luật.

- Các nghĩa vụ khác trong hợp đồng.

Câu 10: Một giao dịch cũng ẩn chứa nhiều rủi ro cho khách hàng đó là Mua nhà không sổ đỏ. Việc mua nhà không sổ đỏ thì phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện và quan điểm của mỗi người. Tuy nhiên khi đã chấp nhận hình thức mua nhà này thì khách hàng cần tuân thủ những nguyên tắc nào để tránh rủi ro, thưa Luật sư?

Luật sư trả lời:

Trên thực tế, khi thực hiện giao dịch mua bán nhà đất chưa có sổ đỏ, người mua có thể sẽ được hưởng mức giá thấp, phù hợp với túi tiền của phần đông người lao động thu nhập thấp. Tuy nhiên, đây là một quyết định rất mạo hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro về góc độ pháp lý lẫn thực tiễn. Nếu đã chấp nhận hình thức mua nhà này thì người mua cần tuân thủ nhứng nguyên tắc sau:

Tìm hiểu thông tin nguồn gốc thửa đất có phải đất thổ cư hợp pháp không, có thuộc diện đất lấn chiếm hay nằm trong khu quy hoạch không, có tranh chấp với các chủ thể khác không?

- Kiểm tra giấy tờ tùy thân của bên bán. Nếu bên bán đã có vợ, có chồng thì hợp đồng mua bán phải có sự tham gia của cả hai vợ chồng.

- Yêu cầu người bán giao bản chính các giấy tờ về nguồn gốc nhà đất cho người mua.

- Hợp đồng mua bán nên mời hai người làm chứng và có thể yêu cầu bên bán điểm chỉ bằng ngón trỏ phải vào hợp đồng.

- Việc thanh toán thực hiện tại ngân hàng và yêu cầu bên bán viết giấy biên nhận tiền.

- Nhận bàn giao nhà ngay sau khi thanh toán tiền mua nhà.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan