Nghị định 153/2020/CP-NĐ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 với những quy định tương đối thông thoáng đã góp phần hình thành thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau hàng loạt vi phạm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điển hình là trường hợp của Tân Hoàng Minh, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt về việc tăng cường các biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm vi phạm, sớm ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, đầu quý II/2022, Bộ Tài chính đưa ra Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP (lần 5) về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tuy nhiên, một số quy định tại Dự thảo này lại khá ngặt nghèo khiến doanh nghiệp lo ngại thị trường sẽ bị tê liệt. Cụ thể:
Thứ nhất, Điều 1.1 Dự thảo (sửa đổi Điều 5.1 Nghị định 153/2020/NĐ-CP) cấm doanh nghiệp phát hành trái phiếu để góp vốn dưới hình thức góp vốn hoặc mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Theo giải trình của cơ quan soạn thảo tại Tờ trình, quy định nhằm hạn chế tình trạng công ty mẹ, công ty trong cùng tập đoàn huy động để chuyển vốn cho nhau. Tuy nhiên, quy định này là không phù hợp với nguyên tắc quản trị của các tập đoàn. Thực tế, khi triển khai một dự án kinh doanh, tập đoàn thường sẽ không trực tiếp đảm nhận dự án mà thành lập công ty con để thực hiện dự án đó, đặc biệt là với các dự án đầu tư sang lĩnh vực hoặc dự án có độ rủi ro cao. Dù vậy, trong trường hợp đó, công ty con mới rất khó vay vốn và không đủ điều kiện phát hành trái phiếu, nên công ty mẹ có tín nhiệm cao hơn thường giữ vai trò huy động vốn, gồm cả biện pháp phát hành trái phiếu. Quy định như vậy sẽ khiến các doanh nghiệp ngần ngại đầu tư vào các lĩnh vực mới, ngăn cản quyền tự do huy động vốn của doanh nghiệp và không khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế đa ngành.
Thứ hai, Điều 1.2 Dự thảo (sửa đổi Điều 8.1.d Nghị định 153/2020/NĐ-CP) yêu cầu việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải được thực hiện trước mỗi khi thực hiện giao dịch mua/bán trái phiếu. Quy định này cần phải xem xét cụ thể lại như sau:
+ Xác định vào thời điểm bán là không cần thiết. Việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhằm đảm bảo các cá nhân nhỏ lẻ không chuyên có thể tham gia vào lĩnh vực này. Tại thời điểm bán, nhà đầu tư đã nắm giữ trái phiếu (đã tham gia thị trường) và do đó yêu cầu này sẽ không còn ý nghĩa nữa. Hơn nữa, việc này lại vô tình hạn chế quyền bán của chính nhà đầu tư đó;
+ Xác định vào thời điểm mua không thực sự cần thiết. Theo thông tin tại Tờ trình, nhà đầu tư có lách các quy định hiện nay bằng các biện pháp với chi phí thấp (chỉ 1,5 – 2 triệu đồng). Việc xác định lại tư cách nhà đầu tư tại mỗi thời điểm mua không thể giải quyết được vấn đề này, vì người mua trái phiếu một vài lần vẫn có thể chịu được phí tổn này, còn người mua trái phiếu nhiều lần thì rất có thể cũng được coi là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Vấn đề nằm ở tiêu chuẩn xác định nhà đầu tư chứng khoán tại Điều 11 Luật Chứng khoán, hay phải Luật Chứng khoán mới giải quyết được vấn đề này.
Thứ ba, Điều 1.21 Dự thảo (bổ sung Điều 34.2a Nghị định 153/2020/NĐ-CP) quy định doanh nghiệp phát hành cam kết mua lại trái phiếu trước hạn khi thay đổi mục đích sử dụng, vi phạm pháp luật về phát hành trái phiếu, vi phạm phương án phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, quy định cần xem xét thêm ở tính rõ ràng. Các hành vi vi phạm pháp luật về phát hành trái phiếu, vi phạm phương án phát hành là tương đối rộng, trong đó có những hành vi vi phạm nhỏ, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nhà đầu tư, do đó quyền được mua lại trong trường hợp này là không hợp lý. Việc này tương tự như quy định về hủy bỏ hợp đồng, nghĩa là chỉ khi doanh nghiệp phát hành có những hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng đến mức nhà đầu tư không đạt được mục đích giao kết hợp đồng thì mới phát sinh quyền này. Ngoài ra, tính hợp lý trong một số trường hợp, dù thay đổi mục đích sử dụng, các nhà đầu tư vẫn chấp nhận và có nhu cầu giữ trái phiếu. Khi đó, quy định doanh nghiệp vẫn có trách nhiệm mua lại trái phiếu trước hạn là không hợp lý.
Ngoài ra, Dự thảo cũng yêu cầu doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh của năm liền kề trước năm giao dịch trên hệ thống phải có lãi và không có lỗ lũy kế căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán. Quy định này, là “đánh đố” những doanh nghiệp khởi nghiệp vì hầu hết những doanh nghiệp này không thể có lãi ngay do đầu tư ban đầu quá lớn.
Nếu các quy định này được thông qua và áp dụng, chắc chắn đối tượng phát hành và đối tượng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sẽ bị thu hẹp đáng kể.
Vì vậy, thiết nghĩ, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý không có nghĩa là thắt chặt hơn, mà cần đảm bảo thông tin đến được thị trường một cách công khai, minh bạch, chính xác. Nếu không hiểu rõ, không làm rõ được mục tiêu, mong muốn của việc ban hành quy định pháp luật mà tiếp tục sửa đổi, thì không những không giảm điều kiện kinh doanh mà còn tăng gấp đôi điều kiện phát hành trái phiếu. Điều đó sẽ rất khó cho thị trường. Do đó, cần hài hòa khi sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP làm sao siết chặt quản lý nhưng không được kìm hãm thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển.
Đồng thời, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, an toàn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc bao gồm rà soát, đánh giá rủi ro từ hoạt động cung cấp dịch vụ và phát hành trái phiếu riêng lẻ. Bên cạnh đó, cần củng cố hành lang pháp lý chặt chẽ hơn nhưng cũng phù hợp, sát gần doanh nghiệp, theo cơ chế thị trường, đề cao vai trò tiền kiểm. Để lành mạnh hóa thị trường, cần vừa kiến tạo phát triển cho thị trường, vừa kiểm soát được rủi ro. Trước mắt cần giải quyết dứt điểm các vụ việc vừa qua để củng cố niềm tin nhà đầu tư cũng như tránh tạo tiền lệ xấu.