Mức thuế suất GTGT khi bán tài sản cố định của công ty

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Công ty tôi muốn bán tài sản cố định (nhà xưởng, …) trên đất thuê 50 năm, trả tiền thuế hàng năm, cho một công ty khác với giá 800 triệu đồng. Vậy sau khi hợp đồng mua bán, công chứng xong, công ty tôi phải nộp những loại thuế nào? Có phải nộp 10% thuế GTGT của 800 triệu đồng nữa không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 219/2013/TT-BTC thì đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC.

Trường hợp công ty bạn bán tài sản cố định: nhà xưởng, … không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên phải chịu thuế GTGT với mức thuế suất theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 219/2013/TT-BTC:

"Điều 11. Thuế suất 10%

Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.

Các mức thuế suất thuế GTGT nêu tại Điều 10, Điều 11 được áp dụng thống nhất cho từng loại hàng hóa, dịch vụ ở các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại”.

Do không thuộc các đối tượng được hưởng các mức thuế suất quy định tại Điều 4, Điều 9, Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC nên trường hợp này việc bán tài sản cố định của công ty bạn sẽ áp dụng mức thuế suất 10%. Trường hợp này công ty phải xuất hóa đơn theo quy định tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC.

Ngoài ra, công ty sẽ phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư số 78/2013/TT-BTC, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư số 96/2015/TT-BTC.

"2. Thu nhập chịu thuế

Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và thu nhập khác.

Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế xác định như sau:

Thu nhập chịu thuế = Doanh thu - Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác

Thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bằng doanh thu của hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trừ chi phí được trừ của hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó. Doanh nghiệp có nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh áp dụng nhiều mức thuế suất khác nhau thì doanh nghiệp phải tính riêng thu nhập của từng hoạt động nhân với thuế suất tương ứng.

...

Trường hợp doanh nghiệp làm thủ tục giải thể doanh nghiệp, sau khi có quyết định giải thể nếu có chuyển nhượng bất động sản là tài sản cố định của doanh nghiệp thì thu nhập (lãi) từ chuyển nhượng bất động sản (nếu có) được bù trừ với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh (bao gồm cả số lỗ của các năm trước được chuyển sang theo quy định) vào kỳ tính thuế phát sinh hoạt động chuyển nhượng bất động sản”.

Như vậy, số tiền 800 triệu đồng khi bán tài sản cố định sẽ được tính là thu nhập chịu thuế. Trường hợp hoạt động kinh doanh của toàn công ty có lãi thì số tiền này đươc cộng vào để tính thuế TNDN. Trường hợp hoạt động kinh doanh không có lãi thì tính thuế TNDN trên số tiền 800 triệu.

Mức thuế suất thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 78/2013/TT-BTC: Kể từ ngày 01/01/2014, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%. Trường hợp doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam (kể cả hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp) hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20%.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan