Trong bài viết " Mua đất xen kẹt Từ Liêm: Nhiều rủi ro! " của tác giả Thùy Linh được đăng tải trên trang điện tử http://laodong.com.vn có ý kiến đóng góp của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, luật sư của Công ty luật S&B (S&B Law). Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài viết này:
Sau khi thông tin Từ Liêm được tách thành 2 quận mới, giá đất trên địa bàn đã có biến động khá mạnh, lên gần giá thời điểm năm 2010. Giá đất xen kẹt tại một số xã tăng 20-30% so với thời điểm thấp nhất khi thị trường đóng băng, khoảng 20 triệu đồng/m2.
Mặc dù giá đã tăng khá mạnh, nhưng nhu cầu mua đất thổ cư để xây nhà vẫn rất cao do nhiều gia đình vẫn có tâm lý thích ở “nhà đất” hơn chung cư. Tuy nhiên, rủi ro khi mua những mảnh đất dạng này rất cao vì cơ sở pháp lý về quyền sử dụng đất hầu như không có.
Khảo sát của PV Lao Động tại khu vực Mỹ Đình, những mảnh đất xen kẹt giữa khu dân cư, hay đất tái định cư đang được các môi giới BĐS rao bán khá nhiều. Tiếp xúc với một số môi giới thì được biết các mảnh đất được rao bán thường có diện tích khá nhỏ, từ 20-30m2 nằm giữa khu dân cư hoặc là một phần mảnh đất lớn được tách ra để bán.
Tuy nhiên, khi hỏi về khả năng có tách được sổ đỏ hay không thì đa phần các môi giới đều trả lời có nhưng yêu cầu người mua phải chi tiền “lệ phí”. Còn mức lệ phí cụ thể là bao nhiêu thì cũng không rõ. Khi được yêu cầu tìm căn nhà có diện tích khoảng 40m2 để tiện sinh hoạt, các môi giới đã giới thiệu cho PV Lao Động một căn nhà 2 tầng tại khu tái định cư Tân Mỹ với giá bán 700 triệu đồng nhưng không có sổ đỏ, với hứa hẹn nếu bị Nhà nước giải phóng mặt bằng thì sẽ được “đền 1 suất chung cư”.
Qua tìm hiểu của PV, thì diện tích tối thiểu để có thể tách được sổ đỏ từ mảnh đất lớn hơn là 30m2 còn dưới đó thì không được. Như vậy, những lời hứa sẽ làm được sổ đỏ nếu chi đủ “lệ phí” của mảnh đất xen kẹt có diện tích dưới 30m2 dường như rất rủi ro cho người mua. Không chỉ có vậy, theo giám đốc một sàn BĐS thì khu vực Tân Mỹ chỉ có 86 hộ thuộc diện tái định cư theo diện dãn dân, mỗi hộ được cấp 360m2 đất bao gồm 160m2 đất ở và 200m2 đất vườn. Phần còn lại đều thuộc diện lấn chiếm và không có bất cứ một loại giấy tờ nào. Với loại đất lấn chiếm này thì không có cách nào có thể đề nghị chính quyền cấp quyền sử dụng đất chứ chưa nói đến việc được đền bù khi bị giải tỏa.
“Những người trót mua dạng đất kiểu này là vô cùng rủi ro. Nếu không may khi lên quận, chính quyền rà soát lại và thu hồi đất thì sẽ mất hết” - anh M - giám đốc sàn giao dịch chia sẻ.
Điều này đã được khẳng định tại Luật Đất đai năm 2003 cũng như các quyết định của UBND TP.Hà Nội. Theo ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty luật S&Blaw, Luật Đất đai năm 2003 quy định đất lấn chiếm hay đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất đều bị coi là tài sản không hợp pháp và không có quyền mua bán, chuyển nhượng hay thế chấp. Tất cả các hình thức giao dịch trên các mảnh đất không có giấy tờ đều được xem là trái pháp luật và không được công nhận, Nhà nước có quyền thu hồi những mảnh đất này bất cứ lúc nào. Còn với những mảnh đất xen kẹt diện tích dưới 30m2 hoặc đủ 30m2 mà một chiều dài dưới 3m, UBND TP.Hà Nội đã có quyết định 58 không cho phép mua bán, giao dịch, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng.
Nhu cầu mua đất, mua nhà là nhu cầu chính đáng của người dân. Tuy nhiên, khi mua hay giao dịch BĐS cần đặc biệt chú ý tới giấy tờ pháp lý xác định quyền sử dụng đất. Tránh tình trạng nghe lời giới thiệu của các môi giới BĐS “thiếu đạo đức” mà tiền mất tật mang.