Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW trả lời phỏng vấn trên Truyền hình quốc hội trong Chương trình Hiểu Đúng - Làm Đúng về vấn đề Mang thai hộ vì mục đích thương mại. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Tình huống: Chị Trà là bà chủ cầm đầu đường dây mang thai hộ, trong một lần tổ chức mang thai hộ, bị phát hiện, chị Trà sợ quá nên đã tìm đến luật sư xin tư vấn.
Luật sư trả lời:
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã ghi nhận và cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Đây là quy định mang tính nhân văn cao khi đã tạo cơ hội cho nhiều người được làm cha mẹ. Luật hôn nhân và gia đình chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định về việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Theo đó khái niệm mang thai hộ được quy định tại Khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân như sau: "Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”.
Điều kiện để mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được quy định tại Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình, cụ thể:
"1. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
2. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
b) Vợ chồng đang không có con chung;
c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
3. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
4. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.
Như vậy, cả bạn và cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ không đáp ứng các điều kiện về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nên việc bạn là một người không phải là họ hàng thân thích với bên vợ chồng mang thai hộ và chưa được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý nhận mang thai cho bên vợ chồng đó vì tiền là trái với quy định của pháp luật. Trường hợp của bạn được xác định là Mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Pháp luật quy định cấm đối với trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại. Theo đó, mang thai hộ vì mục đích thương mại được hiểu là "việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác”.
Đối với trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Điều 100 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
"Các bên trong quan hệ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vi phạm điều kiện, quyền, nghĩa vụ được quy định tại Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự”.
Hành vi tổ chức mang thai hộ là hành vi bao gồm tổng hợp của nhiều hành vi khác nhau từ việc tạo điều kiện cho các bên có nhu cầu mang thai hộ gặp gỡ, trao đổi, bàn bạc, sắp xếp, tạo điều kiện và hỗ trợ về các phương tiện để các bên tiến hành việc mang thai hộ. Mục đích cuối cùng của người thực hiện hành vi là vì mục đích thương mại.
Điều 187 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) quy định về Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại như sau:
“Điều 187. Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại
1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Đây là một điều luật mới nhằm đấu tranh, ngăn ngừa các hành vi lợi dụng quy định của Luật HNGĐ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo để trục lợi. Tuy nhiên, Điều 187 BLHS đang phát sinh một số vấn đề liên quan cần được điều chỉnh cho phù hợp theo quan điểm chủ quan dưới đây:
Về chủ thể tội phạm, Điều 187 BLHS quy định đối với cá nhân có hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục thương mại là những cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.
Xét trong mối tương quan giữa tên tội danh “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại” với chủ thể tội phạm theo tinh thần điều luật thì đối tượng chủ thể của điều luật này không chỉ hướng tới cá nhân trực tiếp mang thai hộ mà còn cả những người tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Tuy nhiên, cả tên điều luật và chủ thể phạm tội quy định tại khoản 1 điều này đang tạo ra các cách hiểu khác nhau theo chiều hướng thu hẹp đối tượng phạm tội chỉ đối với “người tổ chức”, còn người mang thai hộ đơn thuần (không có yếu tố tổ chức) thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của tội danh này.
Để có cách hiểu và áp dụng thống nhất, thiết nghĩ cần khắc phục hạn chế này bằng cách sửa lại tên điều luật theo hướng mở rộng tối đa chủ thể phạm tội như “Tội mang thai hộ vì mục đích thương mại”, đồng thời quy định dấu hiệu “tổ chức” trong tên tội danh thành tình tiết định khung tăng nặng trong cùng điều luật.