SBLAW trân trọng giới thiệu về một số lưu ý khi lập công ty và kinh doanh tại Hoa Kỳ.
BÁO CÁO TÓM TẮT VỀ ĐẦU TƯ VÀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH TẠI MỸ
1. Thành lập doanh nghiệp tại Mỹ:
- Doanh nghiệp Việt Nam có thể cân nhắc thành lập công ty tại hạt Delaware, Hoa Kỳ. Thời gian xử lý thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Mỹ thường kéo dài khoảng 01 tuần. Delaware được đánh giá là một trong những khu vực có hệ thống pháp lý thân thiện và bảo vệ tối đa quyền lợi của doanh nghiệp trong các vụ tranh chấp, đặc biệt là với người tiêu dùng. Tuy nhiên, một hạn chế cần lưu ý là mức thuế franchise tại Delaware khá cao. Loại thuế này được tính dựa trên mệnh giá và số lượng cổ phần phát hành. Khác với Việt Nam, tại Mỹ không có quy định yêu cầu công bố vốn điều lệ. Do đó, doanh nghiệp thường chỉ đăng ký số vốn tượng trưng, với mệnh giá mỗi cổ phần khoảng 1 USD.
2. Thủ tục đầu tư ra nước ngoài:
- Việc một cá nhân hoặc doanh nghiệp Việt Nam thành lập công ty ở nước ngoài được coi là hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài và phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Cơ quan cấp phép sẽ đánh giá chặt chẽ về năng lực tài chính của nhà đầu tư cũng như tính khả thi của dự án. Vì vậy, việc đăng ký đầu tư với số vốn quá thấp (ví dụ 2-3 USD) sẽ không được chấp nhận. Ngược lại, nếu đăng ký vốn lớn, doanh nghiệp sẽ phải chịu mức thuế franchise cao tại Mỹ.
- Giải pháp phù hợp là để đối tác tại Mỹ thành lập công ty trước, sau đó doanh nghiệp Việt Nam thực hiện mua lại toàn bộ hoặc một phần phần vốn góp, sau khi đã hoàn tất thủ tục cấp phép đầu tư ra nước ngoài.
3. Hoạt động kinh doanh tại Mỹ:
- Tại Hoa Kỳ, doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp các loại thuế tại bang nơi diễn ra hoạt động kinh doanh, bao gồm: thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế bán hàng (tương tự thuế VAT tại Việt Nam).
- Trường hợp nhập khẩu phôi sản phẩm từ Việt Nam vào Mỹ, doanh nghiệp sẽ phải chịu thuế nhập khẩu. Nếu hàng hóa đáp ứng đầy đủ điều kiện xuất xứ (C/O) 100% từ Việt Nam, thuế nhập khẩu dự kiến không vượt quá 20%.
4. Đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại Mỹ:
Doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong hai phương án sau:
- Phương án 1: Doanh nghiệp tại Việt Nam ký hợp đồng lao động trực tiếp với người lao động và làm thủ tục xin phép đưa người lao động ra nước ngoài làm việc. Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải báo cáo với Bộ Nội vụ trước khi cử người lao động đi học việc, thực tập, hoặc thực hiện dự án/hợp đồng đã được cấp phép tại nước ngoài.
- Phương án 2: Doanh nghiệp xin giấy phép hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và trực tiếp tuyển dụng, đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.
Cả hai phương án đều tiềm ẩn rủi ro pháp lý, yêu cầu tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ. Do đó, phương án tối ưu là hợp tác với một đơn vị đã được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động để thực hiện việc này. Doanh nghiệp nên tập trung vào chuyên môn cốt lõi của mình để đảm bảo hiệu quả và hạn chế rủi ro.