Với 450/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, sáng 18/1, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).Nhiều quan điểm kỳ vọng, Luật các tổ chức tín dụng sẽ hạn chế sở hữu chéo và thao túng ngân hàng. Nhưng đây cũng là vấn đề còn nhiều tranh cãi. Xung quanh vấn đề này, VietnamFinance có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW.
Câu hỏi 1: Sau vụ SCB, ông đánh giá như thế nào về tình trạng thao túng ngân hàng, sở hữu chéo ở Việt Nam hiện nay?
Trả lời:
Sau vụ SCB có thể thấy tình trạng thao túng ngân hàng, sở hữu chéo ở Việt Nam hiện nay ngày càng tinh vi, phức tạp. Nếu trước kia sở hữu chéo chỉ thể hiện dưới mối quan hệ giữa ngân hàng này với ngân hàng khác thì hiện nay tình trạng sở hữu chéo rất khó nhận diện trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ nhiều người thân tín đứng tên sở hữu cổ phần, nhằm thâu tóm, thao túng, sử dụng ngân hàng như một công cụ tài chính để huy động tiền và lách quy định pháp luật.
Điều này dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch, đồng thời, việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng thực hiện hàng loạt thủ đoạn tinh vi nhằm thao túng, đối phó cơ quan thanh tra như tạo lập các công ty “ ma”, khách hàng vay vốn khống, thuê nhờ người đứng tên tài sản, che giấu, đối phó cơ quan thanh kiểm tra; thao túng công ty thẩm định giá, nâng khống tài sản, đưa tài sản không đủ pháp lý vào thế chấp,....Như vậy có thể thấy tình trạng sở hữu chéo, chi phối và thao túng là các thủ thuật rất tinh vi và có xu hướng biến đổi thường xuyên ngày càng phức tạp.
Câu hỏi 2: Luật Các Tổ chức tín dụng (Luật các TCTD) sửa đổi và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 ngoại trừ một số điều khoản sẽ có hiệu lực từ 01/01/2025. Theo ông, điểm nhấn của Luật các TCTD là gì?
Trả lời:
Luật Các Tổ chức tín dụng đã được Quốc hội chính thức thông qua, có một số điểm nhấn đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, trong việc đưa ra các quy định giảm tình trạng sở hữu chéo: quy định về việc công khai thông tin của cổ đông sở hữu vốn từ 1% tại Điều 49. Theo đó cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải cấp cho tổ chức tín dụng các thông tin các nhân, tổ chức và phải chịu trách nhiệm về thông tin đó; quy định giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông tại Điều 63; giảm hạn mức cấp tín dụng (Điều 136) và mở rộng đối tượng không được đảm nhiệm chức vụ, không cùng đảm nhiệm chức vụ (Điều 42 và Điều 43).
Thứ hai, tạo hành lang pháp lý triển khai hoạt động ngân hàng qua thương mại điện tử. Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024 đã bổ sung quy định để tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai hoạt động ngân hàng qua phương tiện điện tử như: quy định về trách nhiệm xây dựng, ban hành quy định nội bộ đối với hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng, bao gồm cả việc thực hiện hoạt động nghiệp vụ bằng phương tiện điện tử; quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; có quy định riêng cho hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử như quy định về xét duyệt cấp tín dụng, lưu trữ hồ sơ tín dụng; quy định trách nhiệm niêm yết thông tin của tổ chức tín dụng trong trường hợp ngừng giao dịch bằng phương tiện điện tử.
Thứ ba, Luật các TCTD sửa đổi góp phần hoàn thiện quy định về xử lý TCTD yếu kém, có vấn đề, nhất là trường hợp cần can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt hay bị rút tiền hàng loạt. Theo đó, Chương IX đã đưa ra những quy định cụ thể về việc can thiệp sớm với các TCTD trong những trường hợp như lỗ lũy kế lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của NHNN, vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 30 ngày liên tục, vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong thời gian 6 tháng liên tục, bị rút tiền hàng loạt... cùng với những biện pháp hạn chế, yêu cầu xây dựng phương án phục hồi, các biện pháp hỗ trợ dành cho các TCTD cũng như những trường hợp được chấm dứt can thiệp sớm (bằng văn bản chấm dứt can thiệp của NHNN).
Câu hỏi 3: Điều 55 Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định tỉ lệ sở hữu của một cổ đông giảm từ 15 xuống còn 10% vốn điều lệ tín dụng; tỷ lệ sở hữu của cổ đông và người liên quan giảm từ 20% xuống còn 15% vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng. Ông đánh giá như thế nào về điều này? Ông đánh giá như thế nào về quy định này, theo quan điểm của ông, lộ trình của quy định này nên được thực hiện như thế nào để vừa có thể đảm bảo được quyền lợi của ngân hàng nhưng cũng đảm bảo được lợi ích của cổ đông ngân hàng, thưa ông?
Trả lời:
Vấn đề của hệ thống ngân hàng hiện nay là quản trị, nên cần xác định cá nhân, tổ chức nào thực sự là chủ sở hữu của ngân hàng mới chống được sở hữu chéo, thao túng. Việc quy định giảm tỉ lệ sở hữu chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ. Bởi thực tế có trường hợp sai phạm cho thấy tỉ lệ sở hữu thực sự của những chủ thể này cao hơn nhiều so với quy định, thông qua công ty con, công ty liên kết và các cá nhân đứng tên. Bên cạnh đó, tỉ lệ sở hữu tối đa ở mức 15% và 20% như Việt Nam hiện nay đã tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới. Đây sẽ là thông tin bất lợi đối với tổ chức tín dụng, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, ảnh hưởng tới tâm lý người gửi tiền,bên cạnh đó sẽ dẫn đến sự xáo trộn .
Để thực hiện vừa hạn chế được tình trạng sở hữu chéo, thao túng ngân hàng; vừa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cổ đông cũng như hoạt động ổn định của ngân hàng các tổ chức tín dụng cần thực hiện đầy đủ các quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng như quy định công khai thông tin các cổ đông nắm từ 1% vốn cùng người có liên quan mà không chỉ thực hiện mỗi quy định về điều chỉnh tỉ lệ sở hữu.
Bên cạnh đó, để hạn chế sự xáo trộn tới hệ thống ngân hàng, các ngân hàng cần thực hiện theo quy định từ ngày luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2024), cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định được tiếp tục duy trì, song không được tăng thêm cổ phần đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Câu hỏi 4: Bên cạnh việc giảm tỷ lệ sở hữu, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng yêu cầu các cổ đông sở hữu từ 1% trở lên vốn phải công bố thông tin. Theo quan điểm của ông, việc công bố những thông tin này tác động như thế nào tới sở hữu chéo?
Trả lời:
Theo Khoản 2 Điều 49 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải cung cấp thông tin cá nhân và liên quan. Thông tin này bao gồm họ và tên, số định danh cá nhân, quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp (đối với cổ đông nước ngoài), số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tư cách pháp lý tương đương (đối với cổ đông là tổ chức), ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này. Ngoài ra, cổ đông cần cung cấp thông tin về số lượng và tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người liên quan tại tổ chức tín dụng. Quy định này được thiết lập nhằm đảm bảo quyền lợi cho cổ đông thiểu số.
Quy định trên tác động trực tiếp đến mục tiêu hạn chế sở hữu chéo. Quy định việc công bố thông tin này thứ nhất sẽ tạo ra một môi trường minh bạch, giúp ngăn chặn sự không rõ ràng trong quản lý cổ đông và sở hữu từ đó giúp giảm thiểu khả năng nhờ người khác làm người đứng tên sở hữu. Bên cạnh đó, quy định làm tăng cường quy trình xác minh thông tin, đặt ra một cơ chế để đảm bảo tính chính xác của thông tin được cung cấp.
Trong trường hợp vi phạm, Cơ quan Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước có thể tiến hành điều tra, xác minh nguồn tiền được đóng góp. Điều này đặt ra một yêu cầu quan trọng trong việc ngăn chặn sở hữu chéo và lũng đoạn. Quy định đã củng cố sự chặt chẽ, tăng tính công khai minh bạch thông tin của chủ sở hữu cũng như hỗ trợ việc giám sát, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước, tạo tiền đề. Đây là khuôn khổ pháp lý cần thiết kế nhằm xác định được cá nhân/tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng.
Câu hỏi 5: Luật Các tổ chức tín dụng đã bổ sung quy định giảm giới hạn cho vay đối với một khách hàng và 1 nhóm khách hàng liên quan. Cụ thể, Điều 136 quy định giảm tỉ lệ giới hạn tín dụng đối với một khách hàng từ 15% xuống còn 10% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô theo lộ trình tới năm 2029. Giảm tỉ lệ giới hạn tín dụng một khách hàng từ 25 về mức 15% vốn tự có của tổ chức phi ngân hàng theo lộ trình tới năm 2029.
Ông đánh giá như thế nào về lộ trình cấp tín dụng nói trên? Theo ông, trong ngắn hạn, các ngân hàng cấp tín dụng cho nhóm khách hàng liên quan sẽ bị tác động ra sao với quy định này, thưa ông?
Trả lời:
Theo như lộ trình quy định tại Điều 136 Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) thì tỉ lệ tối đa cấp tín dụng/vốn tự có với một khách hàng tại ngân hàng sẽ giảm dần từ 15% về 10% trong 05 năm (đến 2029). Tỉ lệ tối đa cấp tín dụng/vốn tự có đối với một khách hàng và người liên quan sẽ giảm dần từ 25% về 15% trong 05 năm (đến 2029). Quy định mới này được đánh giá sẽ giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro cho vay phụ thuộc vào một nhóm khách hàng, tránh gây bất ổn cho hệ thống. Bên cạnh đó việc ban hành lộ trình giảm dần tỉ lệ cấp tín dụng này cũng giúp các doanh nghiệp lớn tránh bị đứt gãy vốn đột ngột.
Bởi quy định này sẽ hạn chế việc các tổ chức tín dụng cấp quá nhiều tín dụng cho một khách hàng, một nhóm khách hàng hay một lĩnh vực kinh tế nhất định. Điều này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ các tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng bởi rủi ro của khách hàng, rủi ro của lĩnh vực kinh tế mà khách hàng hoạt động. Tuy nhiên việc giới hạn cấp tín dụng này theo đề xuất trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có thể sẽ gây bất lợi đối với ngân hàng cấp tín dụng. Khi đó, ngân hàng chỉ được cấp tín dụng cho khách đến một mức tối đa thấp. Giải ngân vốn trên thị trường sẽ giảm xuống. Ngân hàng cũng sẽ nhiều việc hơn khi muốn giải ngân vốn cho các đối tác khác, lại phải thẩm định các tài sản đảm bảo, các hồ sơ liên quan đến khoản vay nợ mới.
Vậy, những quy định như trên đã giải quyết triệt để vấn đề sở hữu chéo hay thao túng, lũng đoạn, thưa ông?
Trả lời:
Việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu với tổ chức và tổ chức và người liên quan (từ 15% xuống 10% và từ 25% xuống 15%) này chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ còn trên thực tế thì lại rất khó có thể kiểm soát. Việc khống chế tỷ lệ cũng là cách để hạn chế vấn đề sở hữu chéo hay thao túng, lũng đoạn, nhưng cũng cần phải đàm bảo giám sát thực thi trên thực tiễn thì những quy định này mới có thể phát huy trong việc ngăn chặn vấn đề sở hữu chéo. Những trường hợp sai phạm vừa qua cho thấy, tỷ lệ sở hữu thực sự của những chủ thể này cao hơn rất nhiều so với quy định thông qua các công ty con, công ty liên kết hoặc các cá nhân đứng tên đó. Cho nên việc khống chế tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng như Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định chưa đủ để ngăn tái diễn vụ việc tương tự Ngân hàng SCB, bởi sở hữu chéo ngân hàng trên thực tế không như hồ sơ trên giấy mà phức tạp hơn rất nhiều.
Câu hỏi 6: Theo ông, với những quy định mới nhằm ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng tại Luật các tổ chức tín dụng, liệu còn khe hở nào để lách luật không?
Trả lời:
Các quy định được Luật Các tổ chức tín dụng đưa ra như giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần (Điều 63), giảm hạn mức cấp tín dụng (Điều 136) và mở rộng đối tượng không được đảm nhiệm chức vụ, không cùng đảm nhiệm chức vụ (Điều 42 và Điều 43)…, với mục đích ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng là tốt nhưng trên thực tế hiệu quả không cao, không xử lý được vấn đề cốt lõi. Nếu cứ có nơi nào vi phạm thì lại siết chung quy sẽ khiến nhiều đơn vị khó khăn, trong khi đó vẫn có thể có tình trạng lách luật xảy ra. Những quy định trên khó có thể dự đoán hết được các trường hợp nên trên thực tế những đối tượng vẫn có để cách lách luật. Vì vậy, quy định trong luật không đủ, mà quan trọng là công tác thực thi pháp luật, tăng cường giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng. Việc tăng cường giám sát này sẽ giúp các cơ quan thanh tra nắm rõ được tình trạng trên thực tiễn của các tổ chức tín dụng, có thể nhanh chóng phát hiện được những hành vi vi phạm qua đó có thể xử lý kịp thời.
Câu hỏi 7: Ông có đề xuất gì để quá trình thực thi, giám sát luật diễn ra hiệu quả nhất?
Trả lời:
Để đảm bảo rằng quá trình thực thi và giám sát Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) diễn ra hiệu quả nhất, có một số đề xuất quan trọng cần được thực hiện. Đầu tiên và quan trọng nhất, cần có sự minh bạch trong quá trình thực thi các quy định. Các cơ quan chức năng và tổ chức quản lý cần công bố rõ ràng các quy tắc và quy định liên quan đến Tổ chức tín dụng cũng như người dân, doanh nghiệp để tạo điều kiện cho cộng đồng hiểu rõ và thực hiện trên thực tiễn.
Thứ hai, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và bộ, ngành liên quan cần khẩn trương xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật. Quan trọng hơn, các văn bản hướng dẫn phải bảo đảm đúng Luật, rõ ràng, đầy đủ, chặt chẽ, tạo thuận lợi cho quá trình triển khai trên thực tiễn.
Thứ ba, việc xây dựng một hệ thống giám sát mạnh mẽ là cực kỳ quan trọng. Các cơ quan giám sát cần được trang bị đủ nguồn lực và điều kiện để theo dõi và kiểm tra việc thực hiện quy định của các Tổ chức tín dụng. Họ cũng cần có khả năng xử lý nhanh chóng các vi phạm luật và áp dụng những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với các tổ chức vi phạm.
Thứ tư, cần thiết lập các cơ chế phản ánh từ cộng đồng và các bên liên quan khác. Ý kiến và đánh giá từ cộng đồng có thể giúp định hình và cải thiện chính sách và quy định. Các buổi họp công dân, đối thoại công bố, và các phương tiện truyền thông xã hội là những công cụ hữu ích để thu thập ý kiến và góp ý.
Ngoài ra, để đảm bảo tính liên tục và linh hoạt, cần thường xuyên đánh giá và cập nhật luật các tổ chức tín dụng. Môi trường kinh doanh thường xuyên thay đổi, và việc điều chỉnh luật để phản ánh những thay đổi này là quan trọng để duy trì sự công bằng và hiệu quả trong quá trình thực thi.
Tham khảo thêm >> Tư vấn tài chính ngân hàng