Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Góp ý Dự thảo luật giao dịch điện tử sửa đổi

Nội dung bài viết

Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo) và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Dự thảo sửa đổi các quy định: phạm vi điều chỉnh đến tất cả các giao dịch điện tử phát sinh trong đời sống xã hội; hình thức tạo lập, chuyển đổi, giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; chứng thư điện tử; chữ ký điện tử; giá trị pháp lý của chứng từ điện tử; phân loại và quy trình giao kết hợp đồng điện tử; dịch vụ tin cậy và dịch vụ hỗ trợ giao dịch điện tử; nghĩa vụ của nền tảng số; quản lý dịch vụ số… Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến tất cả các tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến giao dịch điện tử.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những góp ý cho Dự thảo Luật giao dịch điện tử sửa đổi lần này. Toàn văn góp ý Dự thảo và các tài liệu khác được đăng tải dưới đây:

QUY ĐỊNH TRONG DỰ THẢONHẬN XÉT
1.Điều 4. Giải thích từ ngữ

 

Bổ sung khái niệm Chữ ký số tại Điều 4

Chữ ký điện tử có thể có nhiều hình thức như chữ ký số, nhận dạng chữ viết tay, nhận dạng sinh trắc học (vân tay, mống mắt, khuôn mặt...), nhận dạng giọng nói... Khoản 3 Điều 24 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định: Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý và sử dụng chữ ký điện tử của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Chính phủ mới chỉ ban hành các quy định về chữ ký số tại Nghị định số 130/2018/NĐ-CP, chưa ban hành quy định cho các loại chữ ký điện tử khác.

Trên thực tế, chi phí cho các giải pháp chữ ký số khá cao đối với nhu cầu sử dụng của khách hàng cá nhân và là một khoản đầu tư lớn đối với các cơ quan tổ chức. Vì vậy, việc triển khai chữ ký số hiện nay còn hạn chế. Việc áp dụng các hình thức xác thực khác (sinh trắc học, token, OTP…) thiếu căn cứ pháp lý, giá trị pháp lý khi xảy ra tranh chấp.

Khoảng trống trong quy định về chữ ký điện tử sẽ gây nên sự hiểu lầm, coi chữ ký điện tử chính là chữ ký số; dẫn đến các văn bản quy định, hướng dẫn về áp dụng chữ ký điện tử, chữ ký số sử dụng không đúng khái niệm; hiểu lầm chỉ có chữ ký số có đủ giá trị pháp lý, dẫn đến hạn chế sự phát triển của giao dịch điện tử.

Tôi cho rằng, cần bảo đảm tách bạch giữa hai khái niệm chữ ký điện tử và chữ ký số, tạo sự thống nhất trong các quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và các nghị định hướng dẫn, giúp dễ hiểu, dễ tiếp cận đối với các quy định.

Vì vậy, cần sửa đổi quy định của dự thảo Luật Giao dịch điện tử theo hướng bổ sung khái niệm chữ ký số vào Điều 4.

Nguồn tài liệu hội thảo: https://dichvucong.neac.gov.vn/tai-lieu-bao-cao/tai-lieu-hoi-thao-tong-ket-thi-hanh-luat-giao-dich-dien-tu-chuyen-de-giao-ket-hop-dong-chu-ky-xac-thuc-va-thanh-toan-dien-tu

 

2.

 

Điều 36. Giao kết hợp đồng điện tử, đề nghị giao kết, chấp nhận giao kết và hiệu lực hợp đồng điện tử

 

Cần thêm quy định về công chứng hợp đồng điện tử

Khi nhắc tới công chứng các hợp đồng, người ta nghĩ ngay đến hợp đồng đó phải được ký kết bằng các phương thức truyền thống và các bên có nhu cầu sử dụng dịch vụ này phải trực tiếp xuất hiện trước mặt công chứng viên. Tuy nhiên, đối với hợp đồng điện tử, các bên tham gia hợp đồng hoàn toàn trao đổi, đàm phán nội dung hợp đồng và ký kết từ xa thông qua phương tiện điện tử. Thiết nghĩ, mặc dù loại hợp đồng này có những điểm đặc thù nhất định, nhưng các bên trong giao dịch vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Bộ luật Dân sự. Do đó, vai trò của công chứng viên cần phải được tiếp tục duy trì và phát huy trong các hợp đồng, giao dịch được xác lập trên môi trường điện tử, đồng nghĩa với việc pháp luật phải có sự điều chỉnh để theo kịp nhu cầu này của xã hội.

Nguồn tài liệu:https://fwps.ftu.edu.vn/2021/09/20/cong-chung-hop-dong-dien-tu-trong-thoi-ky-chuyen-doi-so/

3.Điều 34. Hợp đồng điện tử và thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử

1. Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này.

2. Hợp đồng thông minh là hợp đồng điện tử trong đó các thỏa thuận hoặc giao kết được tự động thực thi bằng phương tiện điện tử.

3. Các loại hợp đồng điện tử bao gồm:

a) Hợp đồng điện tử giao kết giữa các tổ chức, cá nhân với nhau;

b) Hợp đồng điện tử giao kết giữa người sử dụng với các tổ chức, doanh nghiệp vận hành nền tảng số, hệ thống giao dịch điện tử;

c) Hợp đồng thông minh;

d) Hợp đồng điện tử được giao kết giữa người với phương tiện điện tử;

đ) Các loại hợp đồng điện tử khác.

4. Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.

5. Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử căn cứ theo mức độ tin cậy của các thực thể trong hợp đồng điện tử và quá trình giao kết hợp đồng, bao gồm:

a) Chủ thể giao dịch (tài khoản giao dịch điện tử);

b) Thông điệp dữ liệu hợp đồng;

c) Chứng từ điện tử kèm theo hợp đồng (nếu có);

d) Các thực thể khác gắn liền với hợp đồng điện tử và quá trình giao kết hợp đồng điện tử.

6. Hợp đồng được giao kết từ sự tương tác giữa một hệ thống thông tin tự động với một người hoặc giữa các hệ thống thông tin tự động với nhau không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì không có sự kiểm tra hay can thiệp của con người vào từng hành động cụ thể do các hệ thống thông tin tự động thực hiện hay hợp đồng được giao kết.

Bổ sung Điều 34 quy định trường hợp lỗi thao tác người tiêu dùng khi giao kết hợp đồng điện tử

Khi giao kết hợp đồng điện tử qua website, người tiêu dùng dường như phải tự mình làm mọi việc từ chọn hàng, số lượng, phương thức thanh toán… nên dễ phạm phải các lỗi do thao tác. Những lỗi này mang tính khách quan, thể hiện sự không thống nhất giữa thao tác bên ngoài với ý chí bên trong của người tiêu dùng do bị ảnh hưởng bởi yếu tố kỹ thuật.

Ví dụ: Người tiêu dùng truy cập một website để mua 3 cuốn truyện vốn rất hiếm ngoài thị trường. Nhưng khi đặt mua lại bấm nhầm 30 cuốn do website đặt chọn lựa số 3 và số 30 quá gần nhau dẫn đến bấm lộn hay do chuột bị hư hay do các nguyên nhân kỹ thuật khác, sự thiếu kinh nghiệm của người tiêu dùng… Những lỗi thao tác này dẫn đến nhầm lẫn trong giao dịch, mặc dù phần lớn là do người tiêu dùng nhưng cũng phải xem xét đến sự không thống nhất trong ý chí của người tiêu dùng do lỗi kỹ thuật. Thêm vào đó, những doanh nghiệp chân chính khi tiến hành thương mại điện tử có lẽ cũng sẽ rất quan tâm đến yếu tố này để mang lại dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Nghĩa là họ chấp nhận không buộc khách hàng phải mua 30 cuốn truyện trong trường hợp này.

Xuất phát từ cơ sở trên, Dự thảo Luật nên xem xét bổ sung quy định chung về lỗi thao tác của người tiêu dùng, làm tiền đề cho các quy định cụ thể trong các văn bản dưới luật nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao kết hợp đồng điện tử nói chung, GDĐT nói riêng.

 

4.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Điều 39. Hợp đồng điện tử và hợp đồng điện tử mẫu

1. Các hợp đồng điện tử mẫu được các nền tảng áp dụng chung với tất cả người sử dụng thì phải tuân theo các quy định về bảo vệ người tiêu dùng theo pháp luật về cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng.

2. Trong nội dung hợp đồng mẫu hoặc các quy định quản lý được các nền tảng ban hành làm cơ sở áp dụng cho các giao dịch giữa những người sử dụng với nhau trên các nền tảng thì cần phải dẫn chiếu đến tổ chức hòa giải và trọng tài cung cấp nền tảng hòa giải và/hoặc trọng tài trực tuyến được cấp phép.

Điều 39 về Hợp đồng điện tử mẫu cần có thêm quy định cụ thể để bảo vệ người tiêu dùng

Hợp đồng điện tử được giao kết qua các website thường là hợp đồng theo mẫu do bên quản lý website cung cấp. Vì vậy, pháp luật cần có quy định bảo vệ phía khách hàng, đặc biệt là người tiêu dùng trước những rủi ro do hợp đồng điện tử theo mẫu của người cung cấp hay do thiết kế website không rõ ràng dễ dẫn đến lỗi thao tác của người tiêu dùng.

Xuất phát từ lý do trên, pháp luật cần quy định hợp đồng điện tử phải được thiết kế rõ ràng và dễ sử dụng. Theo đó, bên cung cấp cần thiết kế hợp đồng điện tử đảm bảo một số điều kiện chung tương ứng với mỗi ngành nghề do pháp luật quy định hay các tổ chức hiệp hội quy định. Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hạn chế việc thiết kế hợp đồng điện tử một cách tùy tiện, bất hợp lý; tạo điều kiện để sau này xây dựng khung pháp lý cho hợp đồng điện tử.

5.Điều 102. Tranh chấp và giải quyết tranh chấp trong giao dịch điện tử và hoạt động kinh tế số

4. Tranh chấp về hợp đồng dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài giữa các bên chủ thể, trừ những trường hợp pháp luật dân sự, pháp luật chuyên ngành của Việt Nam có quy định khác, các bên chủ thể có quyền thỏa thuận lựa chọn phương thức, cơ quan giải quyết tranh chấp, áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết tranh chấp nếu pháp luật nước ngoài đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Khoản 4 Điều 102 cần bổ sung thêm thủ tục giải quyết tranh chấp trực tuyến

Trong điều kiện của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) sẽ là giải pháp hữu ích, tạo thuận lợi cho các bên tranh chấp giải quyết nhanh chóng, hiệu quả và minh bạch, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử ở Việt nam ngày càng vươn xa.

Không chỉ vậy, so với phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống, phương thức ODR giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, linh hoạt và không tốn kém để xử lý các tranh chấp thương mại điện tử mà không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia, lãnh thổ. Bởi vì, hệ thống ODR dưới sự hỗ trợ của công nghệ, đặc biệt với sự hỗ trợ của công nghệ AI giúp quá trình xử lý dữ liệu nhanh chóng từ khâu kiểm tra, xem xét và đánh giá chứng cứ của các bên. Ngoài ra, hệ thống ODR cũng cho phép các bên tranh chấp có thể gặp nhau trực tuyến để trao đổi thương lượng, hòa giải, xét xử trọng tài theo hình thức trao đổi tin nhắn, chat (text communication) hoặc họp trực tuyến (video confenrence) rất tiện ích, giúp đẩy nhanh được tốc độ giải quyết vụ việc tranh chấp cho các bên.

Do đó, trong thời điểm hiện nay, đặc biệt là từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA, CPTPP) thì việc mua bán với các đối tác nước ngoài trở nên phổ biến, khi có tranh chấp xảy ra cần có một phương thức giải quyết xuyên biên giới. Do đó, phương thức ODR sẽ giải quyết được vấn đề này và thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới, giúp bên mua và bên bán dễ dàng tương tác không giới hạn phạm vi lãnh thổ, dễ dàng đạt được thỏa thuận trên cơ sở giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, đối thoại hơn là đối đầu.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan