Khó khăn kinh tế khiến nhiều rủi ro pháp lý tiềm ẩn trong các DN “bục vỡ”. Hơn lúc nào hết, DN chú trọng đến việc khống chế rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh.
Do tranh chấp trong kinh doanh phát sinh ngày càng nhiều, các DN đã ý thức hơn giá trị của tư vấn pháp lý
Khó khăn làm lộ rõ rủi ro pháp lý
Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, sức cầu tiêu thụ chậm, nhiều DN không bán được hàng, không vay được vốn, dẫn đến không có khả năng trả nợ. Từ đây, phát sinh nhiều tranh chấp giữa DN với chủ nợ và đối tác. Chỉ lúc này, nhiều DN mới nhận thấy rõ nhất những thiếu sót, yếu kém trong khâu pháp lý của mình.
Theo luật sư Lưu Tiến Dũng, Công ty Luật hợp danh YKVN, trước đây, ý thức cũng như hiểu biết pháp luật của hầu hết DN Việt Nam trong hoạt động kinh doanh còn chưa cao. Nhiều DN ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài mà không có sự nghiên cứu kỹ càng các căn cứ pháp luật, cũng như không cân nhắc kỹ cơ chế giải quyết tranh chấp dẫn đến hạn chế khi giải quyết tranh chấp. Thậm chí, nhiều DN vẫn giao dịch kinh doanh theo kiểu duy tình, tin tưởng vào tập quán kinh doanh, mà không cân nhắc hậu quả pháp lý của việc thực hiện hợp đồng sai lệch với các cam kết (như cho phép đối tác chậm thực hiện hợp đồng, thay đổi các điều kiện thực hiện hợp đồng). Thiếu tư vấn pháp lý khi đàm phán, soạn thảo hợp đồng trước khi ký kết, nên khi tranh chấp xảy ra, DN thường chịu lép vế, thua thiệt.
Thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp DN chỉ vì không nhận thức đúng vai trò của việc gửi/nhận công văn theo quy định tại hợp đồng, mà phải “ngậm trái đắng”. CTCP Công nghệ thông tin viễn thông và tự động hóa Dầu khí (PVTech) là một ví dụ. Khi thấy đối tác giao hàng sai so với quy định tại hợp đồng, thay vì gửi văn bản thông báo và trả lại hàng cho đối tác, thì PVTech lại gửi đến nhà cung cấp của đối tác. Quá thời gian quy định trong hợp đồng, đối tác không nhận được phản hồi từ phía PVTech, điều đó đồng nghĩa với việc PVTech đã chấp nhận số lượng hàng hóa đó. Vụ việc bị đẩy lên đỉnh điểm khi đối tác đòi tiền mãi không được đã kiện PVTech ra Toà. Tại Toà, PVTech đã thua kiện và phải trả tiền cho số hàng hoá đã nhận, dù hàng hoá này không có giá trị sử dụng với Công ty.
Ý thức pháp luật của DN ngày càng cao
Theo luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, hiện các DN đã chú trọng hơn đến vấn đề pháp lý trong các hoạt động thường xuyên. Trước tình trạng tranh chấp trong kinh doanh phát sinh ngày càng nhiều, các DN đã ý thức hơn giá trị của tư vấn pháp lý, kiểm soát rủi ro pháp lý. Vì vậy, luật sư với vai trò là người đo lường các rủi ro pháp lý, tư vấn giúp DN ngăn ngừa và kiểm soát được hậu quả từ các rủi ro pháp có thể phát sinh trong hoạt động kinh doanh ngày càng được các DN coi trọng.
Vài năm trở lại đây, lực lượng hành nghề luật sự đã có sự gia tăng đáng kể. Nếu như năm 2009, cả nước chỉ có khoảng 5.500 luật sư, thì đến nay, con số này vào khoảng 7.600 người.
Theo một số hãng luật, khối lượng công việc của các văn phòng, công ty luật đã có sự gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng của các hợp đồng tư vấn, tranh tụng cho các DN chưa tương ứng với số vụ việc phát sinh trong thời gian qua.
Đối với mảng tranh tụng, về lý thuyết, khi số vụ tranh chấp phát sinh nhiều hơn, thì đơn yêu cầu luật sư sẽ gia tăng. Tuy nhiên, do những thủ tục phức tạp, thời gian theo đuổi một vụ kiện kinh tế kéo dài tới vài ba năm, trong nhiều trường hợp, DN đã tìm đến những phương cách khác để xử lý tranh chấp, mà không cần đến vai trò của luật sư.
Với mảng tư vấn, khi kinh tế khó khăn, số thương vụ lớn cần đến vai trò tư vấn của các luật sư giảm hẳn. Tại Công ty Luật Basico, theo Giám đốc Công ty, luật sư Trần Minh Hải, đầu việc của năm 2012 đã tăng lên, nhưng không thuộc về những đơn yêu cầu luật sư cho các vụ tranh chấp, khởi kiện hay tư vấn giao dịch, mà là những đầu việc chuyên sâu nghiệp vụ ngân hàng.
Dẫu vậy, khi những rủi ro pháp lý tiềm ẩn, vốn bị coi nhẹ trong giai đoạn kinh tế thịnh vượng đã “bục” ra và không ít DN phải nhận bài học đau xót, chắc chắn, DN phải tìm cách khống chế tốt cả rủi ro pháp lý và rủi ro kinh doanh. Khi ấy, vai trò của luật sư sẽ được nhìn nhận đúng.
Trong năm 2012, cả nước có thêm 806 luật sư được cấp thẻ hành nghề, đưa tổng số luật sư có thẻ lên khoảng 7.600 luật sư được cấp thẻ. Đội ngũ luật sư đã tham gia 27.926 vụ án, trong đó có 14.256 vụ án hình sự; tham gia tư vấn 47.179 vụ việc; cung cấp 34.890 lượt dịch vụ pháp lý và thực hiện 8.111 vụ việc trợ giúp pháp lý miễn phí. Theo Chiến lược phát triển nghề luật sư, ban hành kèm theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 5/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu tổng quát đến năm 2020, Việt Nam sẽ có từ 18.000 - 20.000 luật sư. |
(sblaw.vn theo tinnhanhchungkhoan.vn)