Luật sư bàn về vấn nạn những phát ngôn, hành vi thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội

Nội dung bài viết

Hiện nay, tình trạng câu view bằng cách tạo "phốt" cho người hay dùng những lời lẽ vô văn hoá, "chửi" làm sao cho thật "mượt" để đạt được sự nổi tiếng, nhiều người biết đến đang trở thành vấn nạn lớn đáng quan tâm, lo ngại. Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB (SBLAW) đã có trao đổi về vấn đề này: 
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Công Ty Luật SBLAW

- Vâng thưa ông, hiện nay trên mạng xã hội đang bàn tán sôi nổi về việc bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, và bắt tạm giam cho những phát ngôn của mình. Theo ông, nếu trường hợp cơ quan điều tra xác định những phát ngôn của bà Nguyễn Phương Hằng là vi phạm pháp luật thì bà Hằng sẽ bị xử phạt như thế nào và những ai (liên quan) có thể bị truy cứu trách nhiệm?
- Luật sư Nguyễn Thanh Hà:

Ngày 24/03/2022, Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng về Tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân. Cụ thể, bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. 

Trong hợp cơ quan điều tra xác định những phát ngôn của bà Nguyễn Phương Hằng là vi phạm pháp luật thì bà Hằng sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 331 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cụ thể Điều này quy định như sau:

- Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Như vậy, bà Nguyễn Phương Hằng có thể sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất là 07 năm tù. 

Ngoài ra, trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ cho rằng bà Nguyễn Phương Hằng có dấu hiệu phạm tội khác thì Cơ quan điều tra có thể tiến hành khởi tố bổ sung những tội danh khác.

Những ai liên quan sẽ bị truy cứu trách nhiệm?

Hành vi vi phạm của bà Nguyễn Phương Hằng không chỉ do riêng bà thực hiện. Vì vậy, ngoài việc xử lý với bà Nguyễn Phương Hằng, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hành vi của các đồng phạm khác.

Trong quá trình điều tra, nếu cơ quan điều tra chứng minh được rằng có người giúp sức tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm thì những người này cũng bị xử lý hình sự với vai trò là đồng phạm theo quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Những người này sẽ phải sẽ liên đới trách nhiệm hình sự với hành vi của mình nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành. Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, tòa án phải xét tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào thì chỉ áp dụng đối với người đó.

- Nhìn một cách khách quan thì bà Nguyễn Phương Hằng cũng đã giúp công chúng nhìn lại sự việc vấn đề, và đưa ra nhiều góc tối trong showbiz ra ánh sáng. Luật sư có cho rằng việc “kể lại một giấc mơ” của bà Hằng có phải hành vi “bôi nhọ nhân phẩm” người khác hay không?
- Luật sư Nguyễn Thanh Hà:

Theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, cá nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại. Nói cách khác, hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật và tùy theo mức độ vi phạm sẽ có chế tài xử phạt phù hợp.

Đối với hành vi chửi bới, sỉ nhục người khác trên mạng xã hội, nếu hành vi chưa đến mức cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý hành chính. Còn trường hợp hành vi lăng mạ người khác trên mạng xã hội có dấu hiệu nghiêm trọng thì tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị xử lý tội Làm nhục người khác hoặc Vu khống theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015.

Theo đó, trong trường hợp này, việc “kể lại một giấc mơ” của bà Nguyễn Phương Hằng, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Hằng về tội vu khống, cơ quan điều tra phải chứng minh được rằng trước đó bà Hằng không hề nằm mơ mà chỉ lợi dụng giấc mơ để bịa đặt. Tuy nhiên, rất khó để chứng minh điều này.

Nếu việc đăng tải thông tin về giấc mơ lên mạng xã hội của bà Hằng gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, quyền lợi của người được nhắc đến; thì người đó có thể khởi kiện vụ việc dân sự ra Tòa án có thẩm quyền yều cầu bà Hằng xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

- Có thể nói, nhiều người coi mạng xã hội là nơi xả stress, thể hiện cái tôi các nhân của mình mà không bị chế tài kiểm duyệt, nên không cần quan tâm đến người khác hay những nguyên tắc đạo đức xã hội, dẫn đến nhiều hành vi phản cảm, lệch chuẩn trên môi trường mạng. Thậm chí, nhiều người muốn nổi tiếng cũng sẽ cố tình phát ngôn gây shock, đăng hình đồi trụy lên mạng xã hội để câu view. Phải chăng chúng ta đang thiếu những chế tài kiểm duyệt cho những ấn phẩm đồi trụy và phát ngôn gây shock hay không, thưa ông?
- Luật sư Nguyễn Thanh Hà:

Cùng với sự phát triển của đời sống, các trang mạng xã hội đã ngày càng có những ảnh hưởng trực tiếp tới nhận thức, tình cảm, thái độ hành vi của con người và toàn xã hội. Mặc dù vậy, hiện nay vẫn có không ít người cho rằng mạng xã hội là môi trường “ảo” nên có thể tự do phát ngôn, tự do thông tin mà không phải chịu trách nhiệm. Suy nghĩ đó là hoàn toàn sai lầm bởi việc tung tin thất thiệt, sai sự thật gây hoang mang là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung tin đồn, tính chất, mức độ, động cơ của hành vi và hậu quả của việc tung tin tác động đến xã hội như thế nào sẽ có hình phạt tương ứng.

Cụ thể:

Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Luật Công nghệ thông tin, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự cũng có những quy định về vấn đề này.

Về xử phạt hành chính, theo Điểm a Khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng với hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Điểm g Khoản 3 Điều 102 Nghị định này cũng quy định: Xử phạt 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.

Nếu hành vi nghiêm trọng, tùy thuộc vào hành vi, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội vu khống (Điều 156 Bộ luật hình sự 2015), Tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật hình sự 2015), hoặc Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 331 Bộ luật hình sự 2015), …

Như vậy, có thể thấy pháp luật Việt Nam đã quy định khá rõ ràng về các chế tài xử phạt đối với các hành vi lợi dụng mạng xã hội sai mục đích và làm xâm phạm đến các cá nhân, tổ chức, nhà nước. Mạng xã hội là ảo nhưng nếu chúng ta vi phạm thì các chế tài áp dụng sẽ là thật, do đó việc sử dụng mạng xã hội và sử dụng các quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội phải trong khuôn khổ cho phép.

Phần lớn những phát ngôn và hành động sai lệch trên mạng xã hội đều bắt nguồn từ nguyên nhân thiếu hiểu biết pháp luật và lợi dụng những kẽ hở kiểm duyệt trên mạng để trục lợi và đạt được lợi ích cá nhân của bản thân người dùng.

Bên cạnh đó, xã hội ngày càng phát triển và mạng xã hội ngày càng được nhiều người sử dụng và rất thịnh hành với tất cả các lứa tuổi hiện nay. Tuy nhiên việc kiểm soát các nội dung đăng tải trên mạng xã hội lại chưa thực sự hiệu quả, do đó, thiết nghĩ, những quy định về kiểm duyệt nội dung trên mạng cần chặt chẽ và có hệ thống hơn.

- Vậy ông có đề xuất hay giải pháp nào để có thể tăng cường hiệu quả, bù đắp những lỗ hổng trong bộ luật xử phạt, làm sạch môi trường mạng hay không? 
- Luật sư Nguyễn Thanh Hà:

Hiện nay, Việt Nam cũng ban hành nhiều văn bản luật như Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Báo chí năm 2016, Luật an minh mạng năm 2018, Nghị định 15/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Đặc biệt, ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông có Quyết định 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Tuy nhiên, pháp luật vẫn tồn tại những “lỗ hổng” nhất định, là tiền đề cho các phát ngôn, hành vi thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội lộng hành.

Do đó, cần những giải pháp dưới đây để tăng cường hiệu quả, bù đắp những lỗ hổng pháp luật về xử phạt, làm sạch môi trường mạng:

Thứ nhất, pháp luật Việt Nam cần phải làm rõ hơn và nhấn mạnh vào tính khuôn khổ của những quyền tự do ngôn luận bằng cách tăng các chế tài xử phạt. Điều này giúp tăng tính răn đe, tránh được hiện tượng một vài cá nhân lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do sáng tạo. Ngay cả những nước đề cao quyền tự do, sáng tạo như Pháp và Mỹ cũng có quy định về khuôn khổ của tự do, phải tuân theo những quy định hiện hành và những giá trị đạo đức nghề nghiệp, đạo đức xã hội.

Thứ hai, cần xác định cụ thể các mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm chuẩn mực ứng xử. Xét về các chế tài liên quan đến vấn đề nội dung truyền tải trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, nghệ thuật, … đa phần các quy định Việt Nam hiện hành đều là việc xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử mà chưa linh hoạt sang các văn bản pháp luật khác.

Thứ ba, xác định điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường, giá trị thiệt hại và bồi thường thiệt hại do các hành vi vi phạm chuẩn mực ứng xử đối với những người bị thiệt hại. Cụ thể, tại Bộ Luật dân sự 2015 đã có những quy định rõ ràng về vấn đề trên đặc biệt về khía cạnh quyền nhân thân, bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm đối với những người bị thiệt hại.

Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nghiên cứu, xây dựng quy định pháp luật điều chỉnh một cách hoàn thiện, chặt chẽ nhưng vẫn đảm bảo sự phù hợp với tình hình phát triển văn hóa, xã hội. Tại Việt Nam, cần có các quy định kiểm duyệt nội dung nghiêm ngặt hơn bên cạnh các quy định chung của hệ thống nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt các chế tài xử phạt trực tiếp đối với việc hoạt động của các cá nhân có hành vi vi phạm, trái với các chuẩn mực, quy định cần được ban hành kèm theo các Luật chuyên biệt. Mức độ xử phạt của các chế tài cần thích đáng với các hành vi vi phạm, đảm bảo tính răn đe và hiệu quả pháp lý của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan