Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn trong Chương trình Bạn và pháp luật về vấn đề Luật sở hữu trí tuệ: Còn nhiều bất cập trong quy định và thực thi. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Câu 1: Vâng thưa Luật sư Nguyễn Thanh Hà, ông đánh giá như thế nào về thực trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta hiện nay?
Trả lời:
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và cạnh tranh toàn cầu, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trở nên đặc biệt quan trọng và trở thành mối quan tâm hàng đầu trong quan hệ kinh tế quốc tế. Từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng được quan tâm hơn. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, tình trạng xâm phạm sở hữu trí tuệ ở nước ta hiện nay vẫn khá phổ biến và ngày càng phức tạp. Tình trạng sao chép bất hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ về hàng hóa, dịch vụ rất phổ biến, gây thiệt hại cho doanh nghiệp (DN) lẫn người tiêu dùng. Chưa kể, khi bị sao chép nhãn hiệu, kiểu dáng, lô-gô, việc đấu tranh để đòi lại quyền lợi của các DN cũng hết sức nan giải…đòi hỏi phải tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ và có hiệu quả hơn.
Câu 2: Luật sở hữu trí tuệ đã có hiệu lực gần 12 năm nay, tuy nhiên việc xử lý vi phạm ở nước ta vẫn chưa thực sự có hiệu quả, các vụ việc vi phạm vẫn diễn ra phổ biến và có dấu hiệu gia tăng. Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà là vì sao?
Trả lời:
Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp lý khác tại Việt Nam đã có quy định rõ về các căn cứ để xác lập quyền sở hữu trí tuệ và đối tượng bảo vệ quyền SHTT. Tuy nhiên, có thể thấy rõ rằng những căn cứ này đều dựa theo những quy định trong các điều luật về SHTT của WTO.
Dù đã có những bước đi cụ thể nhưng việc tổ chức thực hiện và giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta trên thực tế những năm qua cho thấy đây là khâu yếu nhất hay chính là sự áp dụng chưa thành công Luật SHTT ở Việt Nam. Cụ thể:
Thứ nhất, do Luật SHTT chưa thực sự đi vào cuộc sống, 1 số quy định còn bộc lộ bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để phát huy hiệu quả;
Thứ hai, Luật SHTT chưa được thực hiện nghiêm chỉnh bởi chính các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp trong nước. Việc đánh mất thương hiệu của mình vào tay các doanh nghiệp nước ngoài hay đối tác chính là bộc lộ yếu kém của khả năng bảo vệ quyền SHTT của chúng ta.
Thứ ba, việc xử lý các tranh chấp về quyền SHTT ở Việt Nam những năm qua cũng đã bộc lộ những yếu kém cơ bản, cụ thể là chưa giải quyết dứt điểm những khiếu kiện kéo dài về quyền sở hữu trí tuệ, nhất là quyền tác giả trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, về quyền sở hữu công nghiệp, quyền sở hữu về chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ trong việc đăng ký các phát minh, sáng chế, …
Câu 3: Theo luật sư, Luật sở hữu trí tuệ hiện hành đã và đang bộc lộ những bất cập nào?
Trả lời:
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) được xây dựng trên những nguyên tắc cơ bản là: kế thừa có chọn lọc, bổ sung các quy định còn thiếu, các quy định mới về sở hữu trí tuệ (SHTT) đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định pháp luật SHTT và giữa các quy định liên quan đến SHTT của các ngành luật khác; đảm bảo sự tương thích giữa các quy định SHTTcủa Việt nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đảm bảo các quy định về quyền SHTT phù hợp với điều kiện của Việt nam. Tuy nhiên, những quy định của pháp luật hiện hành về SHTT, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập điển hình sau:
Thứ nhất, Khoản 4 Điều 19 Luật SHTT quy định tác giả có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Quy định này dễ gây hiểu nhầm, mà theo đó, tác giả chỉ có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào khi hành vi đó gây phương hại đến danh dự và uy tín tác giả, còn nếu không gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả thì không sao, vì vậy, nên tình trạng cắt xén nội dung tác phẩm của tác giả này, tác giả kia để biến thành sản phẩm “trí tuệ” của chính mình đang diễn ra tương đối nhiều.
Thứ hai, Khoản 1 Điều 20 Luật SHTT có quy định về quyền tài sản, tuy nhiên, những quy định của Luật SHTT rất chung chung, cần phải được cụ thể hơn nữa trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật này.
Thứ ba, Điều 72 Luật SHTT quy định về điều kiện chung đối với nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ: Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc; Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác. Như vậy, phạm vi dấu hiệu được công nhận là nhãn hiệu hàng hóa vẫn rất hẹp và không tương thích với quy định của Hiệp định TRIPs. Trong khi đó, theo các văn bản pháp luật quốc tế cũng như pháp luật của các quốc gia, các dấu hiệu có thể được đăng ký là nhãn hiệu hàng hóa được quy định rất rộng.
Câu 4: Thưa quý vị, thưa các bạn! Thời gian qua, chương trình Bạn và pháp luật đã nhận được nhiều thư của thính giả nghe Đài liên quan đến Luật sở hữu trí tuệ. Bạn Lê Ngọc Vũ ở địa chỉ email ngocvu0407@gmail.com có hỏi hiện nay tôi đang làm việc cho một công ty liên quan đến kiến trúc tôi có thắc mắc muốn luật sư tư vấn giúp câu hỏi như sau: hành vi nào bị xem là xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc?
Trả lời:
Điều 15 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP có quy định về quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc như sau:
“1. Tác phẩm kiến trúc quy định tại điểm i khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm thuộc loại hình kiến trúc, bao gồm:
a) Bản vẽ thiết kế kiến trúc về công trình hoặc tổ hợp các công trình, nội thất, phong cảnh.
b) Công trình kiến trúc.
2. Tác giả được hưởng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệvà các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ.
3. Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 4 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ; chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ.
4. Tác giả và tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sáng tạo tác phẩm có thể thỏa thuận về việc sửa chữa tác phẩm”.
Tác phẩm kiến trúc thuộc một trong các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại Điểm 1 Khoản 1 Điều 14 Luật SHTT.
Các hành vi xâm phạm đến quyền tác giả được quy định chung đối với các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả quy định tại Điều 14 luật này và trong đó bao gồm loại hình tác phẩm kiến trúc. Do đó các hành vi xâm phạm cũng là các hành vi xâm phạm đến quyền tác giả về tác phẩm kiến trúc.
Dưới đây là các hành vi xâm phạm đến quyền tác giả quy định tại Điều 28 Luật này:
Điều 28. Hành vi xâm phạm quyền tác giả
1. Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
2. Mạo danh tác giả.
3. Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.
4. Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tácgiả đó.
5. Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.
7. Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.
8. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.
9. Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.
10. Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
11. Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
12. Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
13. Cố ý xoá, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.
14. Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
15. Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.
16. Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Câu 5: “Việc viết báo cáo khoa học hoặc làm tiểu luận có sử dụng bài của người khác nhưng không trích dẫn, không ghi thông tin của tác giả như thế có bị coi là xâm phạm quyền đối với quyền tác giả hay không”. Vâng, đây là vấn đề quan tâm của thính giả Lê Khắc Hiếu ở Nghệ An. Mời Luật sư Nguyễn Thanh Hà giải đáp.
Trả lời:
Trường hợp khá phổ biến trên thực tế là việc trích dẫn một đoạn tác phẩm mà không nêu rõ nguồn gốc trích dẫn, người thực hiện hành vi xâm phạm này đã tự nhận “đoạn tác phẩm” đó là của mình. Theo tôi, hành vi này là mạo danh tác giả. Mà hành vi này là hành vi vi phạm xâm phạm quyền tác giả quy định tại Điều 28 Luật SHTT.
Câu 6: Bạn Nguyễn Ngọc Nữ, ở Ninh Bình có hỏi: Tôi đang mở một cửa hàng bán mỹ phẩm, hôm qua bạn tôi có tới chơi và hỏi tôi đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chưa? Vậy tôi có nên đi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu không? Thế nào được coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu? Bị xử phạt như thế nào ? Mong luật sư có thể đưa ra ví dụ để giải đáp thắc mắc giúp tôi.
Trả lời:
Tại Khoản 1 Điều 129 Luật SHTT quy định các hành vi bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu như sau:
Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
– Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
– Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
– Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
– Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Ví dụ trên thực tế: Nhiều doanh nghiệp tự ý sử dụng nhãn hiệu Petrolimex hoặc chữ "P" trên mái cửa hàng, dán nhãn hiệu chữ "P" ở cột bơm xăng hay sơn mầu diềm mái cửa hàng (cam và xanh dương), giống hệt của Petrolimex. Trong khi, nhãn hiệu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã được pháp luật bảo hộ. Hành vi này là hành vi xâm phạm nhãn hiệu, không chỉ làm ảnh hưởng đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn gây ngộ nhận đối với người tiêu dùng.
Hình thức xử phạt:
Thứ nhất, xử phạt hành chính:
Theo Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp thì:
"...15. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại trên biển hiệu, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, bao bì hàng hóa...”.
Thứ hai, xử lý hình sự:
Bất kỳ người nào có ý thực hiện các hành vi xâm phạm nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô lớn, mang tính thương mại có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm về Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 226 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khi phát hiện có những dấu hiệu tội phạm xâm phạm về quyền sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc tổ chức được chủ sở hữu nhãn hiệu ủy quyền có thể nộp đơn yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý.
Như vậy, để bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi của mình và người tiêu dùng, thiết nghĩ bạn cần phải đi đăng ký nhãn hiệu ngay bây giờ.
Câu 7: Thính giả ở số điện thoại đuôi 0972187xxx hỏi: công ty chúng tôi phân phối mặt hàng mỹ phẩm. Theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi đã thực hiện đầy đủ về nhãn hàng hóa, trong đó ghi rõ người chịu trách nhiệm về sản phẩm là tên công ty chúng tôi. Ngày 01/6/2018 vừa qua cty chúng tôi đổi sang một tên mới. Vậy các sản phẩm đã lưu hành trước 01/06/2018 chúng tôi có phải thay nhãn mới trong đó ghi người chịu trách nhiệm về sản phẩm là tên mới hay không ?
Trả lời:
Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa có quy định:
“Điều 10. Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa
1. Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau:
a) Tên hàng hóa;
b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
c) Xuất xứ hàng hóa;
d) Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị định này và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Phụ lục I quy định về nội dung thông tin ghi trên nhãn mỹ phẩm như sau:
a) Định lượng;
b) Thành phần hoặc thành phần định lượng;
c) Số lô sản xuất;
d) Ngày sản xuất hoặc hạn sử dụng/hạn dùng;
đ) Với những sản phẩm có độ ổn định dưới 30 tháng, bắt buộc phải ghi ngày hết hạn;
e) Hướng dẫn sử dụng trừ khi dạng trình bày đã thể hiện rõ cách sử dụng của sản phẩm;
g) Thông tin, cảnh báo”.
Như vậy, theo quy định nêu trên, công ty bạn đổi tên từ ngày 01/06/2018 thì tên này sẽ được dùng để ghi vào nhãn dùng để dán cho những hàng hóa chưa được tung ra thị trường từ ngày 01/06/2018. Những sản phẩm đã bán cho khách hàng hoặc cho người tiêu dùng trước thời điểm 01/06/2018 công ty bạn không cần phải thu hồi để sửa lại nhãn phụ bởi việc đổi tên không làm thay đổi tư cách pháp nhân cũng như trách nhiệm pháp lý của công ty bạn đối với hàng hóa bạn bán ra thị trường.
Câu 8: “Lời bài hát có được bảo hộ theo luật sở hữu trí tuệ không. Hành vi up lời và nhạc bài hát lên blog hay các trang mạng xã hội có vi phạm quyền tác giả không” là câu hỏi của thính giả ở địa chỉ email shunnie.baka@gmail.com. Xin mời luật sư Nguyễn Thanh Hà tư vấn về câu hỏi này.
Trả lời:
Điều 10 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 10. Tác phẩm âm nhạc
Tác phẩm âm nhạc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn”.
Vậy, theo quy định này thì lời bài hát được coi là một tác phẩm âm nhạc.
Theo quy định trong Luật SHTT thì tác phẩm âm nhạc là một tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ của quyền tác giả, cụ thể:
“Điều 14. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả
1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
c) Tác phẩm báo chí;
d) Tác phẩm âm nhạc; …”.
Theo nguyên tắc bảo hộ thì tác phẩm âm nhạc được bảo hộ tự động mà không bắt buộc phải làm thủ tục đăng ký với Cục bản quyền tác giả.
Điều 28 Luật SHTT quy định những hành vi sau sẽ bị coi là xâm phạm quyền tác giả:
“1. Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
2. Mạo danh tác giả.
3. Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.
4. Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.
5. Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này...”.
Việc up bài hát lên các diễn đàn là hành vi sao chép tác phẩm. Hành vi sao chép tác phẩm chỉ được coi là đúng pháp luật khi người sao chép nhằm mục đích sau:
- Sao chép một bản nhằm mục đích phục vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy
- Sao chép để lưu giữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu.
Hình thức xử phạt:
Điều 18 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ-CP) quy định về hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm như sau:
“Điều 18. Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này”.
Câu 9: Vâng, còn rất nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, do thời lượng có hạn nên chúng tôi xin hẹn quý thính giả trong một chương trình khác. Quay trở lại với thực trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta hiện nay, nhiều vụ là do người vi phạm không ý thức được mức độ vi phạm cũng như thiếu hiểu biết về luật sở hữu trí tuệ. Để thực hiện Luật sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả, theo Luật sư chúng ta cần phải làm gì? Luật phải sửa đổi như thế nào để phù hợp với thực tiễn đời sống hiện nay?
Trả lời:
Theo tôi, trước hết, cần phải nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ, phải coi SHTT là một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế; hơn nữa, hoàn thiện pháp luật SHTT là điều bắt buộc các quốc gia phải thực hiện trong tiến trình hội nhập quốc tế. Các quy định pháp luật SHTT phải khắc phục được những bất cập, hạn chế còn tồn tại đã được đề cập. Đó là, pháp luật SHTT phải có tính hệ thống, tính thống nhất; cần phải quy định thêm những vấn đề chưa được pháp luật điều chỉnh; các quy định phải rõ ràng, cụ thể; tương thích với các Công ước quốc tế liên quan đến quyền SHTT mà chúng ta đã là thành viên.
Thứ hai là tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước và thực thi pháp luật.
Thứ ba là nâng cao nhận thức và ý thức tôn trọng pháp luật của những người có quyền hoặc lợi ích trong bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan cũng như của công chúng nói chung.
Thứ tư là đảm bảo nguyên tắc thực thi quyền SHTT theo hướng kết hợp hài hòa lợi ích công cộng với lợi ích của chủ thể quyền trong việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Dưới đây là video giới thiệu về Công ty Luật TNHH SB LAW. Mời quý vị đón xem: