Nhận lời mời của Ban biên tập kênh truyền hình VITV, SCTV8, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có bài trả lời phỏng vấn về vấn đề luật doanh nghiệp và luật đầu tư sau 6 tháng triển khai.
SBLAW trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn như sau:
Câu hỏi:Sau (gần) 6 tháng triển khai Luật DN và Luật Đầu tư 2014, ông có đánh giá như thế nào về tác động của 2 luật này đến cộng đồng DN, đặc biệt là những DN được thành lập sau ngày 1/7/2015?
Trả lời: Theo tôi, còn quá sớm để có thể đánh giá tác động của Luật Đầu tư và Luật doanh nghiệp 2014 đối với cộng động doanh nghiệp. Tuy nhiên dựa trên một số thống kê và việc thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh, hoạt động kinh doanh phần nào có thể nhìn thấy các tác động của 2 luật mới đến cộng đồng doanh nghiệp.
Tác động tốt thứ nhất và dễ nhìn thấy nhất đó là việc đơn giản hóa điều kiện, thủ tục thành lập doanh nghiệp. Luật doanh nghiệp mới đã tách bạch được việc đăng ký thành lập doanh nghiệp với việc thực hiện kinh doanh ngành nghề có điều kiện bằng cách bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, như yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định,… Từ đó cũng giảm thiểu được thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp.
Ví dụ: Khi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp có dự kiến kinh doanh ngành nghề về môi giới bất động sản nhưng chưa có chứng chỉ môi giới tương ứng. Theo như quy định của Luật doanh nghiệp 2005, doanh nghiệp sẽ không thể đăng ký được ngành nghề môi giới bất động sản. Cho đến khi có được chứng chỉ môi giới, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện thủ tục bổ sung ngành nghề. Thì nay, doanh nghiệp đã có thể đăng ký dự kiến trước ngành nghề môi giới bất động sản. Sau khi đáp ứng đủ điều kiện về chứng chỉ, doanh nghiệp chỉ việc đi vào hoạt động, loại bỏ bớt một thủ tục không cần thiết. Tránh rủi ro khi đăng ký ngành nghề kinh doanh.
Thực tế theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư thì năm 2015, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đã tăng hơn năm 2014 rất nhiều, giá trị đầu tư năm 2015 cũng đã được báo cáo tăng so với năm 2014, với giá trị đầu tư đến thời điểm này là trên 20 tỷ USD. Như vậy, nhìn tổng quan là tốt, đã có ảnh hưởng và thúc đẩy đầu tư -kinh doanh.
Theo quy định của Luật doanh nghiệp, thời gian cấp phép là nhanh và thực tế cũng đã đáp ứng được yêu cầu của Luật đối với các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, thời hạn cấp Giấy phép Đăng ký Đầu tư của công ty có vốn nước ngoài vẫn chưa đảm bảo 15 ngày, đặc biệt là các tỉnh.
Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, theo quan điểm là hồ sơ pháp lý của nhà đầu tư là phức tạp hơn trước. Cụ thể là yêu cầu về Báo cáo tài chính (BCTC) hai năm gần nhất.
Trước đây không có yêu cầu này. Trước đây, là Báo cáo năng lực tài chính do nhà đầu tư tự lập và tự chịu trách nhiệm, với các dự án phức tạp, có điều kiện, theo tư vấn của các cơ quan quản lý, nhà đầu tư có nộp thêm báo cáo tài chính.
Tuy nhiên, hiện nay, ngay cả các dự án không phải có điều kiện thì căn cứ vào Điểm C, Khoản 1, Điều 33 Luật Doanh nghiệp, các cơ quan cấp phép đầu tu vẫn yêu cầu BCTC hai năm gần nhất.
Đề nghị có hướng dẫn thêm từ BỘ KHDT để các sở tiến hành thông thoáng hơn.
Cụ thể là nếu không có BCTC hoặc không nộp BCTC thì nhà đầu tư làm các cam kết hỗ trợ tài chính theo Điểm C, Khoản 1, Điều 33 này như thế nào.
Câu hỏi: Thường xuyên làm việc trực tiếp với các DN, theo ông đánh giá, mục đích cản thiện, minh bạch hóa và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các DN mà 2 luật này hướng tới có khả thi và có thực hiện được không?
Trả lời: Theo tôi nhận thấy, bước đầu luật doanh nghiệp 2014 đã đạt được mục đích cải thiện minh bạch hóa, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp.
Việc công khai thông tin các doanh nghiệp trên Cổng thông tin đăng ký kinh doanh tạo điều kiện cho các đối tác, các đơn vị quan tâm dễ dàng tra cứu thông tin, từ đó đánh giá khả năng của mỗi doanh nghiệp để lựa chọn đối tác phù hợp. Trên cơ sở các thông tin không hề bị che dấu, việc cạnh tranh của doanh nghiệp đương nhiên sẽ trở nên lành mạnh hơn.
Ngoài ra việc quy định lại “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”cũng đã tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh và thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước..
Câu hỏi: Tuy vậy, thực tế là sau gần 6 tháng triển khai Luật, ngoài những mặt mạnh về việc giảm tải một số thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, v..v.. thì DN, và thậm chí là cơ quan quản lý nhà nước, vẫn còn có những vướng mắc nhất định trong quá trình thực thi luật. Những vướng mắc đó là gì?
Trả lời: Ngoài các mặt mạnh về giảm tải thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thì các cơ quan nhà nước vẫn còn có các vướng mắc trên thực tế như sau:
Về thủ tục đăng ký kinh doanh:Luật doanh nghiệp quy định thời gian xử lý hồ sơ đăng ký kinh doanh là 03 ngày làm việc thay bằng 05 ngày làm việc như trước đây. Tuy nhiên, do số lượng hồ sơ tăng mạnh so với trước đây, phòng đăng ký kinh doanh có thể đưa ra các biện pháp nhằm khống chế số lượng hồ sơ mỗi ngày.
Ví dụ:Điển hình tại phòng đăng ký kinh doanh thành phố Hà Nội. Trước thời điểm luật doanh nghiệp mới có hiệu lực thì việc lấy số thứ tự nộp hồ sơ diễn ra trong vòng 4 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên hiện nay việc này chỉ dễn ra trong vòng từ 20-40 phút mỗi ngày (do hết số thứ tự). Các doanh nghiệp đến vào thời điểm 8 h30 sáng hoặc 2h chiều hầu như không thể nộp được hồ sơ. Việc này gây ra việc chậm thực hiện thủ tục hành chính của doanh nghiệp.
Về con dấu doanh nghiệp: Việc tự chủ về số lượng, hình thức con dấu tưởng chừng là một bước tiến mạnh mẽ trong luật doanh nghiệp 2014 nhưng trên thực tế cũng tồn tại những nút thắt không hề nhỏ.
Các doanh nghiệp mới thành lập, sau khi khắc con dấu ngoài việc phải đợi con dấu được đăng tải lên Cổng thông tin thì còn phải đợi nhận được xác nhận của phòng đăng ký kinh doanh là đã nhận thông báo mẫu dấu thì mới đưa vào sử dụng được.
Thực ra đây là quan điểm trái với tinh thần của luật và gây chậm trễ cho doanh nghiệp (Luật quy địnhTrước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp).Vì thời gian con dấu được đăng tại thường trước thời gian nhận được thông báo của phòng đăng ký kinh doanh khoảng 2 ngày.
Vướng mắc về ngành nghề đăng ký kinh doanh:
- Vẫn phải áp lại mã ngành, nghề khi đăng ký kinh doanh.
- Khi thay đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh vẫn phải làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh bình thường và nhận thêm xác nhận thay đổi về ngành nghề.
Vướng mắc về giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: Nội dung trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã được rút gọn, tuy nhiên mỗi khi thay đổi đăng ký kinh doanh về cổ đông, thành viên góp vốn, về ngành, nghề kinh doanh,… doanh nghiệp lại nhận thêm một giấy xác nhận thay đổi. Từ đó số lượng giấy tờ, giấy phép mà doanh nghiệp cần lưu giữ, sở hữu trở nên rất nhiều.
Luật doanh nghiệp, quy định bỏ ngành nghề kinh doanh nhưng thực tế trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi, doanh nghiệp phải thông báo thay đổi ngành nghề. Khi một cá nhân, tổ chức muốn xem xét ngành nghề của đối tác mình thì để chắc chăn họ sẽ phải xin một bản xác nhận của phòng DKKD, trước đây có thể xem trực tiếp trên Chứng nhận DKKD. Hiện nay, tuy đã có cổng thông tin quốc gia nhưng thực tế các tổ chức cá nhân vẫn chưa thực sự tin tưởng và thường vẫn xin xác nhận của Sở KHDT để xem chính xác. Việc thông báo thay đổi ngành nghề vẫn phải có sự chấp thuận, không phải chỉ thông báo là xong.
Lý lịch tư pháp của cá nhân thành lập doanh nghiệp được đặt ra khi có yêu cầu quy định tại Điều 18 Luật doanh nghiệp là quy định mang tính phức tạp hơn trước đây.
Luật Đầu tư, hiện nay, Vẫn chưa công bố những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài. Thứ hai là tư cách của nhà đầu tư nước ngoài không rõ ràng. Hiện nay, theo luật đầu tư, Nhà đầu tư nước ngoài có thể là nhà đầu tư có quốc tịch nước ngoài hoặc côgn ty có vốn nước ngoài trên 51% hoặc công ty có trên 51% vốn của các liên doanh (mà liêm doanh đó cũng chỉ cần có từ 51% vốn của nước ngoài). Tuy nhiên, khi các công ty có vốn nước ngoài dưới 51% đầu tư vào các ngành nghề có điều kiện là câu chuyện khác, có thể sẽ vẫn được yêu cầu thực hiện các thủ tục như với nhà đầu tư nước ngoài.
Câu hỏi: Danh mục điều kiện kinh doanh đã được công bố công khai và rõ ràng chưa? Có dễ dàng cho DN đế áp dụng không? Và liệu những điều kiện kinh doanh được cho là ban hành trái thẩm quyền (theo luật hiện nay) thì sẽ phải xử lý như thế nào? (đối với DN, và đối với cơ quan chức năng)
Trả lời: Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được công bố rõ ràng trong luật đầu tư, tuy nhiên, những ngành nghề kinh doanh có điều kiện dành cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa được công bố rõ rang.
Danh sách các điều kiện đã được thống kê tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo 16 lĩnh vực thuộc quản lý của các Bộ ban ngành, theo quan điểm của tôi, các ngành nghề này đã tương đối rõ rang.
Còn đối với những ngành nghề kinh doanh trái thẩm quyền, theo quan điểm của tôi, chúng ta cần phải cương quyết loại bỏ, điều này đòi hỏi nỗ lực của toàn bộ doanh nghiêp, người dân và các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, Chính phủ cần trao thẩm quyền mạnh hơn cho Tổ công tác thi hành luật doanh nghiệp và luật đầu tư, tổ công tác này có quyền bãi bỏ những điều kiện kinh doanh trái với luật đầu tư.
Câu hỏi: Ông có lời chúc gì dành cho khán giả, cho các doanh nghiệp trong năm 2016 này?
Trả lời: Nhân dịp năm mới 2016, tôi kính chúc các doanh nghiệp và doanh nhân có một năm 2016 sức khoẻ, thành đạt và nắm bắt được các cơ hội trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương để có thể mở rộng thị trường và cơ hội giao thương. Tiếp tục có những kiến nghị thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam.