Tác giả Bảo Linh trong bài viết “ Luật Điện lực - Chưa đảm bảo lợi ích người dân ”, được đăng trên An ninh thủ đô ngày 9/3/2012 có ý kiến đóng góp của Thạc sỹ, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch, luật sư điều hành Công ty luật S&B (S&B Law).
ANTĐ - Sau 7 năm Luật Điện lực có hiệu lực, nhiều quy định trong luật này dường như không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội. Hiện nay, thị trường điện lực chủ yếu vẫn là độc quyền, nguồn điện thường xuyên thiếu hụt so với nhu cầu tiêu thụ…
Khách hàng chưa được hưởng lợi
Luật Điện lực tuy đã quy định về nguyên tắc hoạt động, các cấp độ hình thành và phát triển thị trường điện lực cạnh tranh, nhưng chưa quy định rõ mô hình của từng cấp độ thị trường. Bên cạnh đó, chức năng, nhiệm vụ giám sát vận hành thị trường điện cũng chưa được giao cho cơ quan nào thực hiện. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất được Luật Điện lực đề ra là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện. Theo ông Nguyễn Hữu Tài – Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh hoá chất: “Thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn bởi vẫn còn tồn tại chính sách phân phối điện của ngành này. Năm 2010, công ty tôi có nhà máy đóng tại Lào Cai, trung bình mỗi ngày tiêu thụ hàng trăm triệu đồng tiền điện, xin được mua điện bằng mọi giá do có đơn hàng lớn, nhưng không những không được đáp ứng, mà còn phải chịu cảnh cắt điện luân phiên, thậm chí cắt điện không báo trước, làm ảnh hưởng lớn tới sản xuất. Năm nay, do thừa điện, ngành điện lực lại yêu cầu doanh nghiệp tăng cường chạy vào giờ cao điểm để chia sẻ với ngành điện. Đó là chưa kể đến việc ngành điện chưa đầu tư đường dây đến tận chân hàng rào để cung cấp cho khách hàng như đã quy định trong Luật”.
Theo Bộ Công thương, từ khi Luật có hiệu lực đến nay, mặc dù quá trình đầu tư phát triển các nhà máy điện gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng yêu cầu tiến độ, nhưng sản xuất điện vẫn đạt tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng sản xuất điện mỗi năm đều tăng trên 10%. Tuy nhiên, tình hình thiếu điện vẫn tồn tại. Trong vài năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng điện của nền kinh tế ngày càng lớn, trong khi các công trình cấp điện mới thì liên tục chậm tiến độ. Do không phải cam kết, không áp dụng các chế tài xử lý như trong cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà thầu làm chủ đầu tư, nên hầu hết các chủ đầu tư không tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt về thu xếp vốn, về hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, thiết kế, mua sắm, xây lắp v.v… Đặc biệt, từ khi Luật Điện lực có hiệu lực, cơ quan chức năng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về chính sách bảo đảm khuyến khích đầu tư xây dựng nguồn điện nói chung và chính sách hỗ trợ đầu tư, giá điện để phát triển các nhà máy điện sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió v.v.
Cần có những quy định chặt chẽ hơn
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty TNHH Luật S&B cho biết: "Hiện Luật Điện lực dường như chỉ bảo vệ lợi ích cho một nhóm đối tượng và xâm phạm lợi ích của một nhóm khác, trong khi lợi ích của người dân lại chưa được đảm bảo. Mặc dù Luật Điện lực 2004 đã quy định tương đối cụ thể quyền và nghĩa vụ của các đơn vị điện lực, nhưng có một số vấn đề như: "trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên mua điện"; "đầu tư công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua điện"; "phối hợp đầu tư, bảo vệ công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ"; "trách nhiệm đầu tư, quản lý đường dây dẫn từ sau công tơ"... chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, nên các đơn vị điện lực còn lúng túng khi triển khai thực hiện, gây ra quá nhiều rắc rối trong quá trình thực thi".
Theo luật sư Thanh Hà, quan trọng nhất là phải tạo ra cơ chế công bằng để mang lại lợi ích cho người dân. Thực tế cho thấy, Luật Điện lực cũng chưa thể hiện được cụ thể về quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng các dạng năng lượng mới, quy hoạch phát triển điện lực địa phương, nhất là chưa quy định cụ thể các cơ chế, chế độ, chính sách về khuyến khích đầu tư, giá điện để thực hiện các dự án sử dụng năng lượng mới, tái tạo cho phát điện, góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Vấn đề tiết kiệm điện tuy đã được triển khai rộng nhưng chưa có các quy định, chế tài và các biện pháp xử lý nên hiệu quả chưa cao dẫn đến tình trạng “ai hô khẩu hiệu cứ hô, ai dùng điện vẫn dùng… xả láng”. Mặt khác, Nhà nước cần bổ sung một số cơ chế, chính sách và các chế tài có liên quan đến việc huy động vốn, cho vay vốn, hợp đồng trong khâu đấu nối lưới điện, quy định rõ cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, bù đắp chênh lệch giá điện cho các nhà máy điện sử dụng năng lượng mới, về giá bán lẻ điện ở các vùng sâu, vùng xa…
Để sản xuất kinh doanh điện chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường có định hướng và thị trường điện mang tính minh bạch và cạnh tranh thì Nhà nước cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực 2004 cho phù hợp với thực tế hiện nay. Có như vậy, chính sách về giá điện, thị trường điện, quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực… mới được khai thác và sử dụng hiệu quả, phù hợp với sự phát triển chung của đất nước.
(sblaw.vn theo anninhthudo)