Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài sẽ diễn ra khốc liệt hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc xây dựng chiến lược sản phẩm, phát triển thương hiệu, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Xây dựng thương hiệu là một trong những hoạt động quan trọng, đánh giá mức độ thành công và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển thương hiệu được phản ánh rất khó khăn, nhất là với DN nhỏ và vừa.
Tồn tại nhiều trở ngại
“Sản phẩm dầu gấc viên nang Vinaga của công ty đã có hơn 10 năm xây dựng thương hiệu trên thị trường, nhưng việc tiếp tục phát triển thương hiệu này hiện gặp nhiều trở ngại”, Bà Nguyễn Thị Hòa Vân, Công ty Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam - cho biết. Mặc dù công ty đã đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm, song chỉ được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tổng thể gồm logo, màu sắc và tên gọi. Các DN khác đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm cùng loại tuy không trùng hình dáng, màu sắc nhưng sử dụng thương hiệu na ná rất dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Trong khi đó, việc kiện các đơn vị nhái nhãn hiệu rất khó khăn và tốn kém, DN hầu như phải tự bảo vệ.
Việc xây dựng thương hiệu còn khó khăn hơn gấp nhiều lần với DN nhỏ và vừa. Sức ép về bán hàng, tăng doanh số… dễ cuốn DN đi xa hoạt động cốt lõi và không quan tâm đúng mức đến thương hiệu. Ngoài ra, DN chưa nhận thức được rằng, xây dựng thương hiệu không nhất thiết phải đầu tư lớn cho quảng cáo mà cần bắt đầu ngay từ khi hình thành mô hình kinh doanh, dịch vụ phân phối với giá thành thấp, chăm sóc khách hàng tốt và tạo ra sự trung thành đối với khách hàng.
Kinh nghiệm hay
Mặc dù việc xây dựng và phát triển thương hiệu là một vấn đề khó do đòi hỏi cao về tài chính, nhân lực và mất một quá trình dài với rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Thế nhưng, thương hiệu lại là tài sản vô hình giúp khẳng định đẳng cấp, thúc đẩy tăng trưởng cũng như nâng cao sức cạnh tranh của DN trên thị trường.
Điển hình là Công ty Cổ phần Traphaco. Sau 5 năm được công nhận thương hiệu quốc gia, doanh thu của công ty đã tăng 18%, lợi nhuận tăng 20%, Traphaco hiện là một trong 50 DN niêm yết tốt nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Chia sẻ về những thành công trên, bà Đào Thúy Hà - Giám đốc marketing Công ty Cổ phần Traphaco – cho biết: “Công ty luôn thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ; tập trung sáng tạo các công thức sử dụng dược liệu thiên nhiên để tạo ra các sản phẩm đông dược phục vụ người tiêu dùng Việt Nam. Đây là giải pháp nhằm phát huy lợi thế, đồng thời tự bảo hộ trong quá trình cạnh tranh”.
Thương hiệu thực chất là sự xác nhận của người tiêu dùng về sản phẩm, DN thông qua tên, thiết kế và logo. Do đó, để có được một thương hiệu bền vững, các DN cần nghiêm túc nghiên cứu xu hướng tiêu dùng, định vị phân khúc sản phẩm, xác định mục tiêu thương hiệu một cách rõ ràng. Tuân thủ chính xác các công đoạn, tiêu chuẩn và tham gia vào hiệp hội, ngành hàng nhằm có được sự bảo vệ từ phía các cơ quan chức năng, liên kết hỗ trợ lẫn nhau. “Xây dựng thương hiệu bản chất là tạo được ấn tượng với người tiêu dùng, vì vậy, cần cập nhật xu hướng tiêu dùng một cách nhanh nhất” - ông Alain Chevalier nhấn mạnh.