Qua một số vụ án liên quan đến ngân hàng, các vụ việc khách hàng gửi tiền bị mất, việc các ngân hàng cho các dự án vay tiền nhưng không thể thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai... cho thấy hoạt động của các ngân hàng đang có nhiều lỗ hổng cả khách quan và chủ quan. Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw nêu lên quan điểm về vấn đề này trong bài phỏng vấn dưới đây.
Câu hỏi 1: Những lỗ hổng trong việc kiểm soát hoạt động ngân hàng hiện nay
Trả lời:
Các vụ án liên quan tới hoạt động của ngân hàng gần đây đã làm nổi bật những lỗ hổng trong hệ thống kiểm soát nội bộ, từ việc quản lý rủi ro đến việc tuân thủ pháp luật. Một số lỗ hổng chính bao gồm việc thiếu các quy trình và quy định nội bộ đầy đủ, không phù hợp với quy định hiện hành, cũng như sự không tách bạch rõ ràng giữa các chức năng giám sát và điều hành. Điều này dẫn đến việc không nhận dạng và kiểm soát rủi ro một cách hiệu quả, tạo ra nguy cơ mất khả năng thanh toán và đổ vỡ của hệ thống ngân hàng. Để giải quyết vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 13/2018/TT-NHNN, yêu cầu các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ với ba tuyến bảo vệ độc lập, nhằm nhận dạng, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro.
Câu hỏi 2: Qua các vụ việc thực tế, pháp luật cần có những điều chỉnh thế nào để hoạt động các ngân hàng đi vào khuôn khổ, đảm bảo lợi ích cho các bên.
Trả lời:
Trong bối cảnh kinh tế hiện đại, hoạt động ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế. Tuy nhiên, các vụ việc thực tế đã chỉ ra rằng pháp luật cần được điều chỉnh để tăng cường an toàn và minh bạch trong hoạt động ngân hàng. Trước tiên, điều này có thể bao gồm việc cập nhật các quy định về quản lý rủi ro, tăng cường giám sát và kiểm soát nội bộ, cũng như việc thiết lập các biện pháp bảo vệ khách hàng mạnh mẽ hơn.
Thứ hai, các ngân hàng cần phải có hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả để phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận và rửa tiền.
Ngoài ra, việc đào tạo và nâng cao nhận thức cho nhân viên ngân hàng về các quy định pháp luật và đạo đức nghề nghiệp cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo hoạt động ngân hàng diễn ra suôn sẻ và tuân thủ pháp luật. Điều chỉnh pháp luật để phản ánh đúng thực tiễn hoạt động ngân hàng và đáp ứng nhu cầu của xã hội là một quá trình liên tục và cần thiết, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan, bao gồm cả ngành ngân hàng và cơ quan lập pháp. Điều này sẽ giúp tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, tăng cường niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng, và cuối cùng là góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Câu hỏi 3: Khách hàng bị mất tiền, lý do các ngân hàng đưa ra là do quan hệ cá nhân giữa khách hàng và nhân viên ngân hàng. Khách hàng bị mất tiền trong tài khoản - Quan hệ cá nhân hay giữa khách hàng và ngân hàng?
Trả lời:
Theo quy định pháp luật, khách hàng gửi tiền vào ngân hàng thì đây là một dạng hợp đồng gửi giữ tài sản theo quy định của pháp luật dân sự. Thông qua giao dịch gửi tiền ngân hàng thì giữa khách hàng và ngân hàng đã xác lập một hợp đồng gửi giữ tài sản. Theo đó ngân hàng phải có trách nhiệm bảo quản tài sản như đã thoả thuận, trả lại tài sản cho khách hàng theo đúng tình trạng như khi nhận giữ. Đây là những giao dịch thể hiện thẩm quyền trách nhiệm và được thực hiện trên danh nghĩa của pháp nhân, có pháp nhân đó giao dịch mới được thực hiện. Chính vì thế, cho dù nhân viên của ngân hàng có hành vi vi phạm thì sai phạm thuộc về phía nội bộ ngân hàng và xử lý theo các quy định của pháp luật cũng như quy chế hoạt động của ngân hàng.
Khi tiền gửi của khách hàng bị thất thoát, Ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường và khách hàng có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu ngân hàng bồi thường số tiền bị mất của mình bởi theo quy định tại Điều 87 Bộ luật Dân sự 2015: “Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân”.
Thao khảo thêm >>> Công nghệ tài chính