Lấp đầy khoảng trống pháp lý cho Fintech

Nội dung bài viết

Sự phát triển Fintech của Việt Nam rất nhanh, tiềm năng lớn nhưng còn nhiều hạn chế, rủi ro cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư, do quy định pháp lý chưa rõ ràng, vẫn còn những khoảng trống cần hoàn thiện để thị trường tài chính số phát triển bền vững...

Về vấn đề này, VNF có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Ông đánh giá như thế nào về khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực Fintech ở Việt Nam?

Trả lời:

Theo quan điểm của tôi, sự phát triển trong lĩnh vực Fintech ở Việt Nam nhanh, còn nhiều dư địa phát triển nhưng có rủi ro bởi khuôn khổ pháp lý chưa rõ ràng, đồng bộ.

Hiện các quy định pháp lý điều chỉnh lĩnh vực fintech nằm rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật, như Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Nghị định số 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ngày 8/3/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, Thông tư số 09/2020/TT-NHNN về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng...

Với việc ban hành các văn bản nêu trên, thể hiện rằng khuôn khổ pháp lý cho Fintech ở Việt Nam mới đang trong quá trình hình thành và cải thiện dần dần, điều này cũng phản ánh nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo dựng một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các dịch vụ tài chính công nghệ, thực sự đây là lĩnh vực khó, chưa có tiền lệ tại Việt Nam.

Theo đó, để lĩnh vực Fintech phát triển bền vững, thiết nghĩ, cần hoàn thiện những khoảng trống trong quy định pháp lý về lĩnh vực này để nhà đầu tư trong và ngoài nước yên tâm bỏ vốn đầu tư.

Và vấn đề này cũng không thể chậm chễ được bởi fintech phát triển không ngừng và theo xu thế của thế giới, đặc biệt trong thời gian sắp tới có sự tham gia của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong fintech.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Lấp đầy khoảng trống pháp lý cho Fintech.jpg
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW

Khuôn khổ đó còn những thiếu sót như thế nào?

Trả lời:

Khuôn khổ pháp lý cho Fintech ở Việt Nam vẫn còn nhiều công việc cần làm để đảm bảo rằng khuôn khổ pháp lý này có thể đáp ứng được nhu cầu thực tế và thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong ngành.

Thứ nhất, cơ chế pháp lý chưa đầy đủ, nhất là đối với những công nghệ mới. Thời gian cập nhật, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp lý còn chậm so với tốc độ phát triển khá nhanh của công nghệ. Khuôn khổ pháp lý hiện nay về cơ bản mới chỉ đáp ứng được một phần cho lĩnh vực fintech trong hoạt động thanh toán, chưa đầy đủ và đồng bộ cho các hoạt động khác, đặc biệt là hoạt động cho vay ngang hàng.

Thứ hai, cơ sở pháp lý chưa quy định rõ về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn của sản phẩm, dịch vụ cũng như mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty fintech.

Thứ ba, fintech ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, hoạt động, nhưng đến nay, vẫn chưa có quy định cụ thể về thể chế quản lý, giám sát cũng như chức năng, nhiệm vụ cụ thể của bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào đối với fintech, chưa có cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc quản lý hoạt động fintech.

Thứ tư, chưa có quy định pháp lý cụ thể cho hợp tác phát triển giữa ngân hàng và fintech khi chia sẻ thông tin khách hàng, chia sẻ rủi ro, trách nhiệm giữa các bên với khách hàng trong mô hình kinh tế chia sẻ này. Việc các cơ quan quản lý xem fintech như một “cánh tay nối dài” của ngân hàng, mà chưa được hoạt động độc lập trong hệ thống tài chính cũng là một khó khăn của các công ty fintech trong hoạt động thanh toán điện tử.

Ngoài ra, việc áp dụng các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, an ninh mạng cũng là một phần quan trọng của khuôn khổ pháp lý cho Fintech, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng nhiều dịch vụ tài chính diễn ra trực tuyến và sử dụng dữ liệu lớn.

Rồi việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty Fintech có được phép không? Tỷ lệ phần trăm mà nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trong công ty này là bao nhiêu? Vấn đề an ninh tài chính tiền tệ cũng được tính tới khi có nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Thời gian qua, chính phủ không ngừng hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực này. Luật sư đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Chính phủ trong vấn đề này?

Trả lời:

Cho đến nay, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho Fintech. Cụ thể, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt đề án nhằm cải thiện khuôn khổ pháp lý quản lý và xử lý các tài sản ảo, tiền điện tử và tiền ảo.

Năm 2020, Bộ Tài chính cũng thành lập nhóm nghiên cứu về tài sản và tiền tệ số nhằm đề xuất nội dung chính sách quản lý và cơ chế liên quan đến tài sản và tiền tệ số. Năm 2019, Đảng và Nhà nước đã có những định hướng cụ thể cho việc thúc đẩy hoạt động đổi mới, sáng tạo trong nền kinh tế khi hai văn bản quan trọng là Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Nghị quyết 52) và Quyết định số 999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ (Quyết định 999) được ban hành.

Các văn bản này đều đóng góp vào việc hoàn thiện hệ sinh thái công nghệ tài chính tại Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số.

Một trong những sáng kiến đáng chú ý khác là việc phát triển và thử nghiệm sử dụng tiền ảo trên nền tảng blockchain trong giai đoạn 2021-2025, được giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Điều này cho thấy sự quan tâm và đầu tư của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam vào việc tạo dựng một môi trường pháp lý linh hoạt và thích ứng với sự phát triển của công nghệ tài chính.

Có thể thấy, các văn bản nêu trên đều cho thấy Việt Nam cũng gặp phải có trở ngại và khó khăn trong việc ban hành khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của lĩnh vực này bởi vì nó quá mới và thay đổi nhanh chóng cùng sự phát triển của công nghệ.

Lấp đầy khoảng trống pháp lý cho Fintech.jpg
Lấp đầy khoảng trống pháp lý cho Fintech.jpg

Đây là lĩnh vực mới của Việt Nam nhưng thực tế, tại các nước phát triển, vấn đề này đã được hoàn thiện. Vậy, chúng ta có thể học hỏi được gì từ vấn đề này, thưa LS?

Trả lời:

Các nước trên thế giới xử lý hạn chế trong chính sách về fintech bằng nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào quy định và nguồn lực của từng quốc gia. Nổi trội trong đó có thể kể đến việc tạo ra một môi trường khởi nghiệp thân thiện, cung cấp hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho các công ty Fintech, đồng thời đẩy mạnh hoạt động thanh toán cũng như các dịch vụ tài chính trực tuyến khác như cách mà Vương Quốc Anh và Trung Quốc đã và đang thực hiện.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và hoàn thiện những quy định liên quan, giàu tính linh hoạt cũng như triển khai những chính sách có tính khuyến khích cũng là một hướng đi mà Singapore đã thực hiện rất tốt, qua đó đem lại hiệu quả thực tế trong việc thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp Fintech.

Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng là một quốc gia rất tích cực trong việc thúc đẩy công nghệ tài chính phát triển mạnh mẽ khi từ lâu đã có những động thái thành lập các khu vực hoạt động tài chính đặc biệt, trong đó nổi bật là cái tên khá mĩ miều: Thung lũng Silicon, và các cơ quan liên quan phục vụ mục đích giám sát và quản lý hoạt động của các doanh nghiệp Fintech như Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Hoa Kỳ,…

Từ đây, có thể thấy, Việt Nam cần tạo ra một môi trường khởi nghiệp thân thiện, xây dựng cơ chế quản lý linh hoạt, đồng thời đảm bảo tính tuân thủ quy định của các doanh nghiệp Fintech cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Thêm vào đó, cũng cần đẩy mạnh đầu tư vào phát triển nền tảng công nghệ để xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, tạo điều kiện cho sự phát triển của lĩnh vực này. Quan trọng hơn hết là cần tăng cường hợp tác và trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia khác để tận dụng những thành tựu đã đạt được cũng như rút ra những bài học kinh nghiệm từ những khó khăn, thất bại của họ.

Mô hình Sandbox, cho thử nghiệm những công nghệ mới và từ đó rút ra kinh nghiệm, để hoàn thiện chính sách cũng là một vấn đề cần được quan tâm và áp dụng trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.

Luật sư có đề xuất như thế nào để hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực này?

Trả lời:

Để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam, cần:

Thứ nhất, tạo lập cơ sở pháp lý quy định rõ về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn của sản phẩm, dịch vụ cũng như mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty fintech.

Thứ hai, xây dựng cơ chế giám sát và quản lý: đối với các hoạt động fintech, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn và năng lực của các cơ quan quản lý, đồng thời đưa ra các biện pháp xử lý khi có vi phạm.

Thứ ba, thiết lập các quy định pháp lý cụ thể cho hợp tác phát triển giữa ngân hàng và fintech khi chia sẻ thông tin khách hàng, chia sẻ rủi ro, trách nhiệm giữa các bên với khách hàng trong mô hình kinh tế chia sẻ này.

Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành, nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán.

-Xin cảm ơn Luật sư!

Tham khảo thêm các bài viết khác >> Công nghệ tài chính

5/5 (1 Review)

Bài viết liên quan