Vừa qua, Chính phủ đã ra Nghị định số 46/2011/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Tình hình người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Số lượng người nước ngoài vào Việt Nam làm việc ngày càng tăng, nhất là 3 năm gần đây.
Cụ thể, năm 2008, số lượng người nước ngoài là 52.633 người; năm 2009 số lượng người nước ngoài tăng 6% so với năm trước, lên 55.428 người, năm 2010 là 56.929 và đến nay, số lượng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là hơn 74.000 người.
Người nước ngoài đến Việt Nam làm việc có quốc tịch từ hơn 60 quốc gia, trong đó người châu Á chiếm hơn 58% gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia...; khoảng 28,5% mang quốc tịch châu Âu và còn lại là các nước khác.
Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam đa số là nam giới, chiếm tới 89,9% với 86% thuộc độ tuổi từ 30 trở lên; trình độ đại học và trên đại học là 48,3%, có tay nghề là 34,6%.
Phần lớn người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo các hợp đồng lao động, chiếm 54,4%, trong đó hợp đồng lao động từ 24 tháng đến 36 tháng chiếm tỉ lệ cao nhất (76,4%).
Trong thời gian qua tỷ lệ người nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động đã được nâng lên, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp chưa được cấp giấy phép lao động.
Những điểm mới trong Nghị định số 46/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ.
Ngày 17/6/2011 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2011/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/8/2011, với những điểm sau:
Về đối tượng áp dụng:
Bổ sung hội, hiệp hội doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam thì được tuyển dụng và sử dụng người nước ngoài (điểm l và m khoản 2 Điều 1).
Về tăng cường quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Bổ sung quy định về người nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các gói thầu hoặc dự án của nhà thầu nước ngoài đã trúng thầu tại Việt Nam (Điều 6a). Quy định chặt chẽ, xác định rõ trách nhiệm của nhà thầu nước ngoài, chủ đầu tư và Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện gói thầu hoặc dự án.
Bổ sung quy định về đăng ký sử dụng người nước ngoài (khoản 7 Điều 19). Bổ sung quy định hàng năm người sử dụng lao động phải đăng ký nhu cầu tuyển và sử dụng người nước ngoài với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương để nắm được nhu cầu sử dụng người nước ngoài và có các biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ và quản lý.
Bổ sung về trách nhiệm của Bộ Công an (Điều 15a) và trách nhiệm của Bộ Công thương (Điều 16a). Cụ thể là tăng cường trách nhiệm của các cơ quan này trong việc cấp thị thực, cư trú; xác định người nước ngoài di chuyển nội bộ doanh nghiệp thuộc 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới và quản lý đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Về đơn giản hóa các thủ tục hành chính
Sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động và hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động (khoản 2 và 3 Điều 4).
- Bỏ bản lý lịch tự thuật của người nước ngoài;
- Sửa đổi, bổ sung quy định các trường hợp đặc thù (cầu thủ bóng đá, phi công nước ngoài, người nước ngoài làm công việc bảo dưỡng tàu bay...) thì chứng nhận về trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao của người nước ngoài có thể thay thế bằng các giấy tờ có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài trong quá trình thực hiện.
- Bỏ quy định hợp pháp hóa lãnh sự đối với các giấy tờ do nước ngoài cấp hoặc chứng nhận.
Bổ sung các trường hợp không phải cấp giấy phép lao động để phù hợp với tình hình thực tế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh trường hợp nhiều cơ quan cùng cấp phép cho một đối tượng (khoản 1 Điều 9), bao gồm:
- Người nước ngoài làm Trưởng Văn phòng đại diện, Trưởng Văn phòng dự án hoặc người nước ngoài được tổ chức phi chính phủ nước ngoài ủy nhiệm đại diện cho các hoạt động tại Việt Nam;
- Người nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, thuộc phạm vi các ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới của 11 ngành dịch vụ bao gồm: dịch vụ kinh doanh; dịch vụ thông tin; dịch vụ xây dựng, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế...
- Người nước ngoài vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn và kỹ thuật hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, theo dõi đánh giá, quản lý và thực hiện chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo quy định hay thỏa thuận trong các điều ước quốc tế về ODA đã ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài;
- Người nước ngoài đã được Bộ Ngoại giao cấp giấy phép hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam theo quy định của pháp luật;
- Các trường hợp khác theo quy định của chính phủ.
- Các giấy tờ trong hồ sơ cấp giấy phép lao động của người lao động nước ngoài đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép lao động có nhu cầu làm việc cho doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức khác hoặc vị trí công việc khác được giảm bớt để tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài trong quá trình thực hiện.
Sửa đổi, bổ sung rút ngắn thời hạn cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động còn 10 ngày; cấp lại giấy phép lao động còn 03 ngày.