Làm thế nào để đưa tiền mã hoá ra khỏi "vùng xám" pháp lý?

Nội dung bài viết

Việc xây dựng một hành lang pháp lý minh bạch cho tiền mã hoá không chỉ giúp bảo vệ lợi ích người dùng mà còn mở ra cơ hội thúc đẩy đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế số.  Dưới đây có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW và các chuyên gia khác về vấn đề trên.

Việt Nam thiếu khung pháp lý rõ ràng về quản lý tiền mã hóa

Giao dịch Bitcoin và tiền điện tử đang ngày dần trở nên phổ biến tại Việt Nam song khuôn khổ pháp lý vẫn chưa theo kịp. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấm sử dụng tiền mã hóa làm phương tiện thanh toán hợp pháp, nhưng chưa có quy định rõ ràng về quyền sở hữu và giao dịch.

Điều này khiến tiền mã hóa rơi vào "vùng xám" pháp lý, đặt ra thách thức cho cả việc bảo vệ nhà đầu tư lẫn giám sát quy định hiệu quả.

Trong một phiên họp Quốc hội gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh rằng, dù thực tế có các giao dịch Bitcoin nhưng phần lớn lĩnh vực này vẫn chưa được quản lý. Việc thiếu quản lý làm gia tăng rủi ro như gian lận, thao túng thị trường và rửa tiền, và khiến Việt Nam bỏ lỡ cơ hội khai thác tiềm năng đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế của blockchain.

Theo ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch thường trực hiệp hội Blockchain Việt Nam, việc đưa ra một khung pháp lý rõ ràng và toàn diện về tài sản số sẽ giúp Việt Nam nắm bắt tốt hơn những cơ hội trong cuộc cách mạng công nghệ số.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Việc tiếp cận này không chỉ giúp bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế số tại Việt Nam.

Thực tế, tiềm năng của tài sản mã hóa không chỉ dừng lại ở việc đầu tư và giao dịch mà còn có thể mở rộng sang các lĩnh vực như fintech hay logistic. Nếu được quản lý tốt, nhưng dòng tiền này sẽ trở thành một công cụ quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế số và đưa Việt Nam vươn tầm quốc tế trong lĩnh vực tài chính công nghệ.

Còn TS. Nguyễn Tấn Sơn, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kế toán và Luật, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT nhận định, Việt Nam vẫn chưa có một khung pháp lý rõ ràng về quản lý tiền mã hóa. Trong khi Ngân hàng Nhà nước cấm sử dụng tiền mã hóa để thanh toán, giao dịch và quyền sở hữu loại tiền này vẫn không được kiểm soát, tạo ra nguy cơ cho nhà đầu tư và thách thức cho cơ quan thực thi pháp luật.

Thiếu các quy định rõ ràng khiến nhà đầu tư gặp phải các rủi ro như gian lận, thao túng thị trường hoặc mất tiền trên các nền tảng giao dịch không được giám sát.

Tính ẩn danh vốn có của công nghệ blockchain cũng làm gia tăng nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố. Việc thiết lập khung pháp lý là điều cần thiết để thúc đẩy tính minh bạch, đảm bảo an toàn và xây dựng niềm tin trên thị trường.

Làm thế nào để đưa tiền mã hoá ra khỏi vùng xám pháp lý - SBLAW
Làm thế nào để đưa tiền mã hoá ra khỏi vùng xám pháp lý

Đồng tình với ông Sơn, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty Luật SBLaw đánh giá, các loại tiền ảo như bitcoin, ethereum, binance coin… hiện đang trở thành vấn nạn cho hệ thống tài chính Việt Nam. Trong đó, nổi cộm là hiện tượng dùng tiền thật để mua tiền ảo như một kênh chuyển tiền ra nước ngoài, rửa tiền.

Dù Việt Nam không công nhận tiền ảo, nhưng loại tiền này vẫn được sử dụng. Tức dù không có hành lang pháp lý thì thực tế vẫn diễn ra, với nhiều thay đổi, diễn biến nhanh.

Loại tiền này có tính lạm phát cao bởi mỗi ngày, mỗi tháng lại xuất hiện một loại tiền mới, không rõ do ai phát hành. Hiện vẫn chưa có cách gì để ngăn chặn hình thức rửa tiền qua các loại tiền ảo này.

Biện pháp hữu hiệu nhất để quản lý tiền ảo và hạn chế những hệ lụy của nó là có hành lang pháp lý rõ ràng, trong đó quy định rõ thế nào là tiền ảo, hành vi nào là vi phạm và biện pháp xử lý vi phạm.

Cần ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản mới

Theo ông Hà, để quản lý tiền mã hoá, tài sản ảo tại Việt Nam, các cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu, thành lập các chương trình thí điểm pháp lý trong từng lĩnh vực cụ thể. Đồng thời, xem xét và đánh giá các mô hình kinh doanh về rủi ro, lợi nhuận, tính khả thi... áp dụng thí điểm trên một nhóm các đối tượng được xác định trước.

Cụ thể, cần có một cơ chế pháp lý rõ ràng làm cơ sở để giải quyết những quan hệ xã hội phát sinh trong các giao dịch dân sự liên quan đến tiền ảo đang diễn ra trên thực tế nhằm hạn chế rủi ro, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân tham gia.

Thứ nhất, cần có một định nghĩa rõ ràng, cụ thể về tiền ảo để xác định phạm vi đối tượng tiền ảo được điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam, từ đó, làm cơ sở cho việc xây dựng các quy định pháp luật khác có liên quan.

Bên cạnh đó, cũng cần ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản mới trong Bộ luật Dân sự. Khái niệm về tài sản tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 cần có sự sửa đổi theo hướng bổ sung thêm "các loại tài sản khác do pháp luật quy định".

Ls Nguyen Thanh Ha - Luật Đất đai vừa thông qua sẽ tạo ra tác động như thế nào tới thị trường bất động sản
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW

Thứ hai, nên xây dựng khung pháp lý về đồng tiền ảo để xác định phạm vi đối tượng tiền ảo được điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam.

Trong đó cần quy định rõ việc trao đổi, mua bán, giao dịch đồng tiền ảo giữa cá nhân với cá nhân; cá nhân và tổ chức; tổ chức với tổ chức nhằm hạn chế những rủi ro đáng tiếc cho các cá nhân, tổ chức khi giao dịch tiền ảo.

Còn theo ông Nguyễn Tấn Sơn, Việt Nam có thể tận dụng kinh nghiệm quốc tế để phát triển khung pháp lý rõ ràng cho tiền mã hóa. Bước đầu tiên là xác định xem tiền mã hóa như Bitcoin là tài sản hay chứng khoán, giúp làm sáng tỏ việc quản lý giao dịch và bảo vệ nhà đầu tư.

Yêu cầu các sàn giao dịch tiền mã hóa đăng ký và tuân thủ các quy định chống rửa tiền là điều hết sức quan trọng để đảm bảo tính minh bạch, an ninh tài chính và giảm thiểu các rủi ro như gian lận hoặc tài trợ tài chính bất hợp pháp.

Việc triển khai mô hình thử nghiệm có thể tạo ra một môi trường hỗ trợ cho doanh nghiệp blockchain phát triển các giải pháp sáng tạo dưới sự giám sát của chính phủ.

Quan trọng nhất, Việt Nam phải cân bằng giữa việc bảo vệ nhà đầu tư với thúc đẩy đổi mới công nghệ. Một khung pháp lý được thiết kế tốt sẽ mở ra tiềm năng của blockchain trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo vệ hệ thống tài chính quốc gia.

Câu hỏi đặt ra với việc quản lý Bitcoin và tiền mã hóa không còn là "nên hay không" mà là "làm thế nào". Với các chính sách phù hợp, Việt Nam có thể tạo ra một môi trường an toàn, minh bạch và đổi mới, mở lối tiến tới trở thành một trung tâm blockchain hàng đầu khu vực.

Tham khảo thêm >> Tư vấn tài chính ngân hàng

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan