Bài học từ vụ thắng kiện của Vinamit: Chính bạn hàng là thủ phạm!
Câu chuyện bắt đầu từ hơn 20 năm trước bởi một chàng trai nghèo…”. Đó là những dòng tóm tắt về quá trình hình thành, phát triển sản phẩm của Công ty Cổ phần Vinamit được in lên bao bì mới như một sự độc quyền. “Tôi muốn biết họ sẽ chép lại câu chuyện của Vinamit như thế nào nếu có ý định làm nhái”, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Vinamit, cho biết.
Làm ăn với Trung Quốc cần lưu ý: Trước khi bán sản phẩm cho doanh nghiệp Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cần đăng ký thương hiệu tại nước sở tại. Nếu doanh nghiệp Trung Quốc đặt vấn đề trước, doanh nghiệp Việt có thể kéo dài thời gian đàm phán để hoàn tất thủ tục đăng ký thương hiệu tại nước sở tại rồi mới ký hợp đồng. Ký hợp đồng cũng phải xem người đứng tên ký là ai đề phòng tranh chấp xảy ra. Công ty dán lên thương hiệu 1 logo và đặt tên thương hiệu bằng tiếng Trung Quốc bên logo đó. Có những trường hợp, logo và tên công ty Việt Nam bị khách hàng mang về Trung Quốc đặt lên đó thương hiệu bằng tiếng Trung. Nếu trùng lắp tên, công ty Việt điều chỉnh lại hoặc chờ để được đăng ký. Mua dịch vụ theo dõi thương hiệu tại Cục Sở hữu Trí tuệ Trung Quốc. Giá dịch vụ chỉ vài ngàn USD/năm, nhưng có bất cứ một thay đổi nào họ sẽ thông báo ngay. Ví dụ, có những thương hiệu đã có doanh nghiệp đăng ký nhưng bỏ thì họ thông báo để doanh nghiệp khác đăng ký. Công ty Vinamit nhanh chóng biết thương hiệu Đức Thành tiếng Trung Quốc bị một doanh nghiệp nước này đăng ký cũng do dịch vụ này cung cấp. |
Chính bạn hàng là thủ phạm
Một ngày đẹp trời năm 2008, ông Nguyễn Lâm Viên được dịch vụ theo dõi thương hiệu tại Trung Quốc báo tin, thương hiệu Đức Thành viết bằng chữ Trung Quốc đã được một đối tác Trung Quốc đăng ký. Năm 1997, Vinamit đã đăng ký thương hiệu Đức Thành bằng tiếng Việt nhưng chưa đăng ký bằng tiếng Trung Quốc.
Những năm trước, Vinamit chỉ vào thị trường Trung Quốc thông qua tiểu ngạch. Vài năm trở lại đây, ông Viên bắt đầu chuyển sang hướng chính ngạch nhằm đưa sản phẩm vào những hệ thống siêu thị lớn tại Trung Quốc. Tuy nhiên, việc này khiến những nhà phân phối tiểu ngạch bị ảnh hưởng, dù Vinamit vẫn tiếp tục làm ăn với họ.
Không bằng lòng với Vinamit, đối tác phân phối Xie Hong Yi đã sản xuất hàng và lấy thương hiệu Vinamit. Bao bì, sản phẩm đều không khác biệt nhiều. Thậm chí họ giữ nguyên cả số điện thoại của Công ty tại Bình Dương trên bao bì của mình. Sau đó công ty này bỏ mối cho những bạn hàng lâu năm của Vinamit là Li Hong. Chính Li Hong đem những sản phẩm Vinamit giả vào hệ thống siêu thị chào hàng với giá thấp hơn nhưng bị từ chối.
Quay trở lại chuyện thương hiệu, đến năm 2011, hệ thống Wal-Mart tại Trung Quốc không dám nhận sản phẩm Đức Thành của Vinamit vì thương hiệu này đã được đăng ký sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc.
Wal-Mart không thể lấy sản phẩm kém chất lượng của Trung Quốc nhưng không dám bán hàng của Đức Thành nên đã đề nghị ông Viên đổi tên sản phẩm là Vinamit. Sản phẩm mang thương hiệu mới lúc bấy giờ khó cạnh tranh với hàng nhái vì người Trung Quốc không nhớ đến thương hiệu Vinamit mà chỉ nhớ Đức Thành.
Ông Viên thuê luật sư Trung Quốc và bắt đầu tìm hiểu Luật Sở hữu Trí tuệ tại Trung Quốc. Sau 2 lần tòa xử thắng cho doanh nghiệp Trung Quốc, ông Viên kiên trì chứng minh trong phiên tòa thứ ba. Tại phiên tòa, ông Viên đã gọi điện cho Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương xin giấy xác nhận Đức Thành do ông thành lập năm 1990. Cuối cùng, Vinamit chiến thắng, thương hiệu Đức Thành của Công ty Vinamit Việt Nam đã hiên ngang trở lại Trung Quốc.
Những thương hiệu bị đánh cắp
Chiến thắng của Vinamit có thể làm tiền đề cho những tranh chấp thương mại tiếp theo của các doanh nghiệp Việt Nam. Thương hiệu G7 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên hiện đang bị một doanh nghiệp phân phối tại Trung Quốc đăng ký thương hiệu. Thậm chí doanh nghiệp này tự sản xuất, quảng bá như sản phẩm của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, thương hiệu Bibica, Vinataba cũng đang bị làm giả. Hai thương hiệu này có nguyên liệu trong nước, được sản xuất tại Việt Nam nhưng ông chủ là người Trung Quốc.
Nếu không có biện pháp xử lý sớm vấn đề này, không loại trừ khả năng những thương hiệu này phải làm lại từ đầu tại Trung Quốc, như câu chuyện của Kềm Nghĩa.
Kềm Nghĩa tìm được nhà phân phối tại Trung Quốc từ năm 2007. Chỉ sau đó 1-2 năm, 2 bên đã đường ai nấy đi. Lúc này Kiềm Nghĩa mới biết chính đại lý ủy quyền là người đánh cắp thương hiệu. Ông Phạm Ngọc Ảnh, Giám đốc Kinh doanh thị trường Đông Dương của Kềm Nghĩa, cho biết trong quá trình hợp tác, bên đại lý đã âm thầm đăng ký bảo hộ thương hiệu.
Kềm Nghĩa đã phải ngậm ngùi thay đổi hoàn toàn hệ thống nhận diện thương hiệu, lấy tên mới là “Nghĩa cắt” bằng tiếng Trung Quốc và đăng ký bảo hộ thương hiệu. Công ty đã bỏ tiền quảng bá thương hiệu mới và cách nhận diện thương hiệu giả trên một số tạp chí Trung Quốc để tẩy chay thương hiệu giả.
Đến nay, Công ty Cổ Phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina) vẫn phải đối phó với nạn làm giả. Vỏ ruột xe của Công ty lâu nay vẫn bị các đối tượng Trung Quốc làm giả không những xuất khẩu sang nước thứ ba mà thậm chí còn được bán ngược sang Việt Nam với giá phân nửa, ông Lê Văn Trí, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết. Mặc dù biết nhưng Casumina vẫn không làm gì vì chưa đăng ký bảo hộ tại đây do đi bằng đường tiểu ngạch và số lượng ít.
Tuy nhiên, hệ lụy không phải là nhỏ. Những lốp xe giả thương hiệu Casumina đã bị bán sang Trung Đông với số lượng rất lớn và mức giá rẻ hơn 30% so với Casumina. Khi Casumina làm việc với khách hàng này đã phải bán vài containers để họ bán thử. Mãi sau đó họ mới biết đâu là hàng giả, hàng thật và chấp nhận mua giá mà Casumina bán.
(sblaw.vn theo Nhịp cầu đầu tư)