Trái phiếu từ lâu đã được xem là một công cụ tài chính quan trọng, đóng vai trò cầu nối giữa những người có nguồn vốn dư thừa và các đơn vị có nhu cầu vốn. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, việc huy động vốn thông qua trái phiếu đang ngày càng trở nên phổ biến và được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Mời quý khách hàng theo dõi bài phỏng vấn của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch SBLAW về vấn đề huy động vốn bằng trái phiếu như sau:
Câu 1: Điều 44 Nghị định 95/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở 2023 đã quy định chặt chẽ về việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Đặc biệt, Điều 44 Nghị định có yêu cầu, tổng vốn được huy động qua kênh trái phiếu, cổ phiếu, ngân hàng và vốn chủ sở hữu phải có của doanh nghiệp không được vượt quá tổng vốn đầu tư dự án, bao gồm cả tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà chủ đầu tư phải nộp theo quy định của pháp luật về đất đai.
Ông đánh giá như thế nào về quy định này?
Trả lời:
Tại Điều 44 Nghị định 95/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu, và chứng chỉ quỹ để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Theo đó, chủ đầu tư phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt về phát hành trái phiếu và cổ phiếu theo pháp luật về chứng khoán và doanh nghiệp, cũng như đáp ứng các yêu cầu khi huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, tổng vốn huy động từ các hình thức này, cùng với vốn chủ sở hữu, không được vượt quá tổng vốn đầu tư dự án, bao gồm cả tiền sử dụng đất và tiền thuê đất. Quy định này nhằm kiểm soát rủi ro tài chính, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm của chủ đầu tư, đồng thời bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư và đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.
Việc yêu cầu chủ đầu tư báo cáo kết quả huy động vốn trong thời hạn cụ thể cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước giám sát chặt chẽ quá trình huy động và sử dụng vốn, tăng cường công tác quản lý nhà nước về nhà ở và thị trường bất động sản. Điều này thể hiện một bước tiến quan trọng trong việc tạo ra một khung pháp lý rõ ràng và chặt chẽ, nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của lĩnh vực bất động sản.
Câu 2: Với quy định này, việc huy động vốn qua kênh trái phiếu trong thời gian tới liệu sẽ lành mạnh hơn, bền vững hơn, không còn tình trạng phát hành một cách ồ ạt như thời gian trước, thưa ông?
Trả lời:
Với quy định mới này, việc huy động vốn qua kênh trái phiếu trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ lành mạnh hơn và bền vững hơn. Quy định yêu cầu các chủ đầu tư phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện phát hành trái phiếu và không được phép huy động vốn vượt quá tổng vốn đầu tư dự án, bao gồm cả tiền sử dụng đất và tiền thuê đất. Việc này giúp kiểm soát chặt chẽ hơn lượng vốn huy động được và đảm bảo rằng vốn huy động thực sự phục vụ cho mục tiêu đầu tư xây dựng nhà ở, thay vì bị sử dụng sai mục đích hoặc gây ra rủi ro tài chính. Quy định này cũng có thể chấm dứt việc gom tiền trái phiếu để “ôm” dự án.
Bên cạnh đó, việc yêu cầu báo cáo kết quả huy động vốn trong thời hạn cụ thể cũng sẽ tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước giám sát kịp thời và hiệu quả hơn quá trình huy động và sử dụng vốn. Cụ thể, trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày kết thúc việc huy động vốn theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư đã huy động vốn để phát triển nhà ở theo quy định này phải có văn bản báo cáo kết quả về số vốn đã huy động được gửi cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở huy động vốn để theo dõi, phục vụ công tác quản lý nhà nước về nhà ở và thị trường bất động sản. Điều này giúp giảm thiểu tình trạng phát hành trái phiếu một cách ồ ạt và không kiểm soát, như đã xảy ra trong thời gian trước đây.
Nhìn chung, quy định này đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn và minh bạch hơn cho việc huy động vốn qua kênh trái phiếu, từ đó góp phần nâng cao tính bền vững và ổn định của thị trường bất động sản, đồng thời bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư và tạo niềm tin cho thị trường.
|